Những 'ông lớn' nào đang thao túng khoáng sản ở Lào Cai?

Liên quan đến hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực khoáng sản ở Lào Cai giai đoạn 2005 - 2015 vừa bị Thanh tra Chính phủ phanh phui, dư luận cho rằng, việc những sai phạm này đến bây giờ mới bị phát hiện là quá muộn và thực tế những gì đang diễn ra ở tỉnh này còn kinh khủng hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong trong chuyến thị sát Mà Sa Phìn

Cụ thể, dư luận cho rằng Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới chỉ là phần nổi của “tảng băng” khoáng sản ở Lào Cai, những doanh nghiệp bị “chỉ mặt điểm tên” và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải được làm rõ.

Đơn cử như các sai phạm tại Dự án khai thác mỏ vàng gốc Sa Phìn và Tsuha. Theo Thanh tra Chính phủ, dự án đã được cho thuê 9,6ha đất rừng phòng hộ và 9,654ha đất chưa sử dụng nhưng quy hoạch là rừng phòng hộ, 15,83ha quy hoạch đất rừng sản xuất... Đây là những diện tích không được quy hoạch hoạt động khoáng sản nhưng Bộ TN-MT và UBND tỉnh Lào Cai vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác...

Liên quan đến dự án này, 2 năm trước, khi thảm họa sạt lở ở Mà Sa Phìn xảy ra khiến hàng chục người chết, Báo NNVN từng vào cuộc điều tra và phát hiện hàng loạt sai phạm.

Theo tìm hiểu của PV, ở Mà Sa Phìn, chỉ có duy nhất Cty CP Nhẫn Lào Cai được quyền khai thác vàng. Tại văn bản 368/GP-UBND, tỉnh Lào Cai đã cấp phép khai thác vàng cho Cty CP Nhẫn với tổng diện tích khai thác 26,03ha, thuộc khu vực Sa Phìn và Tsuha. Thời hạn khai thác là 11 năm với công suất 59kg vàng/năm.

Sau khi đăng tải, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cuốc bộ vào thị sát Mà Sa Phìn nhưng tình trạng khai thác vẫn cứ tiếp diễn. Dư luận cho rằng, do chủ mỏ vàng là một đại gia khét tiếng trong lĩnh vực khoáng sản ở tỉnh Thái Nguyên nên vụ việc mới có thể được bưng bít? Từ số người chết đến các thủ tục pháp lý của mỏ vàng này, các cơ quan chức năng Lào Cai vào cuộc xác minh nhưng việc công bố hết sức chậm chạp. Thậm chí, thông tin từ Sở TN-MT Lào Cai cho biết, từ năm 2015, Sở TN-MT chưa từng tiến hành thanh tra dự án của Cty Nhẫn Lào Cai.

Chính nhờ vào sự “làm ngơ” của cơ quan chức năng, Cty CP Nhẫn Lào Cai mặc sức thao túng, tung hoành khắp núi rừng huyện Văn Bàn. DN này đã khai thác được 10 tấn quặng Vonfram nhưng chưa kê khai sản lượng để nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường; khai thác vàng gốc tại khu vực Sa Phìn (Dự án của Cty CP Khoáng sản 3 chuyển nhượng cho Cty CP Nhẫn) khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất phần diện tích 84ha.

Một ông lớn khác mặc sức thao túng và vi phạm là Cty CP Vàng Lào Cai. Dự án khai thác, tuyển và luyện vàng gốc, mỏ vàng Minh Lương của doanh nghiệp này, không hiểu bằng cách nào đó, UBND tỉnh Lào Cai đã cấp phép diện tích lên đến 151,18ha, vượt 130ha so với quy hoạch.

Đặc biệt, theo tài liệu điều tra, diện tích giai đoạn II của dự án là 98,32/108ha thuộc loại đất rừng đặc dụng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020. Ngoài ra, giấy phép khai thác khoáng sản của dự án đã hết hạn vào ngày 26/4, mặc dù chưa được gia hạn thì đến tháng 7/2016 công ty vẫn tiếp tục khai thác.

Hàng loạt DN đang thao túng trong lĩnh vực khoáng sản ở Lào Cai

Tương tự, ở dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Tắc Ái do Cty CP khoáng sản Đức Long làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục thể hiện vi phạm khi cấp giấy phép khai thác vượt 30ha so với quy hoạch, giao đất 62ha vượt quy hoạch 57ha. Ngoài ra, cơ quan này cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 18/5/2009 cho công ty tổ chức khai thác nhưng mãi đến 2013 mới ban hành quyết định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn tại các dự án khai thác mỏ chì, kẽm và xưởng tuyển quặng chì kẽm tại Bản Mế huyện Si Ma Cai, do Cty CP Khai thác và chế biến khoáng sản Lào Cai làm chủ đầu tư, việc ký quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh Lào Cai vượt 1 năm so với giấy phép khai thác…

Điển hình của việc tỉnh Lào Cai để cho DN vi phạm nghiêm trọng và rõ ràng nhất là tại dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng Cty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama.

Dưới thời ông Nguyễn Văn Vịnh làm Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai (hiện ông Vịnh là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai), UBND tỉnh Lào Cai có văn bản cho chủ trương để Cty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama tận thu, thu gom quặng Apatit khi thực hiện dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn. Nhờ “lá bùa” đó, Cty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama lấy danh nghĩa thực hiện dự án nhà hàng, khách sạn nhưng thực tế khai thác Apatit trái phép.

Cụ thể, Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai đã có thông báo giới thiệu địa điểm cho Cty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama lập dự án nhà hàng, khách sạn không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, trên thực tế diện tích 3,77ha mặt bằng xây dựng khách sạn, nhà hàng công ty Lilama đã thu được gần 1,4 triệu tấn quặng Apatit với số tiền bán được là hơn 379 tỷ đồng. Hành vi này của Lilama lại được UBND tỉnh Lào Cai cho phép, bất chấp quy định của pháp luật.

Những sai phạm xảy ra suốt một thời gian dài, phải đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới bị phát hiện. Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch phụ trách và Giám đốc Sở TN-MT, Xây dựng thời kỳ này phải chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giao công an tỉnh xác minh làm rõ việc tận thu, thu gom quặng Apatit, nếu có vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng (về môi trường, gian lận thuế…) thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Lào Cai cũng được giao phải xác định trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo Sở TN-MT giai đoạn 2009 - 2012 đã buông lỏng việc kiểm tra, giám sát khi Công ty Lilama thực hiện dự án. Xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi diện tích đất 3,77ha đã cấp cho Cty Lilama… Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Lào Cai có văn bản cho chủ trương để Lilama ngang nhiên trục lợi bất chấp quy định của pháp luật lại không thấy đề nghị xử lý nghiêm.

HOÀNG ANH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-ong-lon-nao-dang-thao-tung-khoang-san-o-lao-cai-post220519.html