Những nước NATO nào đang sử dụng vũ khí Xô Viết

Xin giới thiệu bài báo với tiêu đề trên của chuyên gia Nga Ilia Polonski bàn về chủ đề khá thú vị. Bài đăng trên 'Bình luận quân sự' (Nga) ngày 3/9/2020.

Việc gia nhập NATO sẽ dẫn đến một loạt thay đổi- như chuyển sang áp dụng các tiêu chuẩn của liên minh trong hệ thống cấp bậc sỹ quan, thay đổi cơ cấu tổ chức và dĩ nhiên là cả những thay đổi về cơ cấu vũ khí- trang bị kỹ thuật quân sự trong biên chế.

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhiều nước Đông Âu dù đã là thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương nhưng vẫn sử dụng vũ khí Liên Xô sản xuất.

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã không hề hà tiện trong việc cung cấp vũ khí cho các đồng minh của mình trên tất cả các châu lục.

Một trong những hướng cung cấp vũ khí quan trọng nhất- đó là Đông Âu, hay nói chính xác hơn là các nước Đông Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Warsaw.

Ngày nay, hầu hết những nước đó đều đã là thành viên của NATO, nhưng dù như vậy họ vẫn có trong trang bị các xe tăng, các hệ thống tên lửa phòng không, xe chiến đấu, súng máy và súng phóng lựu do Liên Xô sản xuất.

Và thêm nữa- vẫn sử dụng vũ khí Liên Xô trong bất cứ trường hợp nào cũng đều có nghĩa là phải duy trì quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga.

Tính đến thời điểm hiện tại, có một số lượng lớn vũ khí Liên Xô đang được trang bị cho Quân đội Bulgaria. Cụ thể, lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh xe tăng của Quân đội này là các xe tăng Liên Xô T-72 (531 chiếc) và T-55 (400 chiếc).

Trong trang bị của Lục quân nước này có khoảng 300 xe BMP (xe chiến đấu bộ binh) BMP-1, 74 xe BRDM-2 (xe chiến đấu- trinh sát- đổ bộ- ND), 781 BTR (xe bọc thép chở quân) BTR-60, 192 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-21 “Grad”, 506 tổ hợp pháo tự hành 2S1 “Gvozdika” do Liên Xô sản xuất.

Không quân Bulgaria được trang bị 12 chiếc MiG-29, các máy bay cường kích Su-25K, các máy bay lên thẳng Mi-14 và Mi-24, các tổ hợp tên lửa phòng không “Osa” và S-300.

Với Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania, số lượng vũ khí của Liên Xô trong trang bị ít hơn nhiều (so với Bulgaria), nhưng Lục quân Romania, lấy ví dụ, vẫn đang sử dụng khoảng 260 xe tăng T-55, còn Không quân Séc đang khai thác các máy bay lên thẳng Mi-24 của Liên Xô và Mi-171Sh của Nga.

Các máy bay lên thẳng Mi-17 và Mi-24, máy bay tiêm kích MiG-29 cũng đang tận tụy “phục vụ” cho Không quân Slovakia, trong khi Lục quân nước này gần như đã loại biên gần hết các mẫu vũ khí- khí tài Liên Xô, chỉ còn giữ lại các tổ hợp tên lửa chống tăng "Malyutka", "Fagot", "Konkurs" và tổ hợp tên lửa phòng không “Strela-10" Xô Viết.

Hungary không còn trong trang bị các máy bay Liên Xô, nhưng Không quân nước này lại có các máy bay lên thẳng Mi-8, Mi-17 và Mi-24, còn Lục quân- có tới 44 xe tăng T-72M1, 260 chiếc BTR-80, 120 chiếc BTR-80A .

Mặc dù có mối quan hệ rất phức tạp với Nga, Ba Lan cũng không “rũ bỏ” được hoàn toàn các loại vũ khí dán nhãn "Made in the USSR".

Cụ thể, Lục quân nước này có 237 xe BRDM-230 BRM-1K, 75 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-21 "Grad", các tổ hợp tên lửa phòng không “Kub" và 9K33 "Osa-AK".

Trong trang bị của Không quân Ba Lan cũng đang có các máy bay tiêm kích MiG-29 và các máy bay lên thẳng Mi-8 và Mi-17. Hầu như toàn bộ các hệ thống phòng không mà Các Lực lượng Vũ trang Ba Lan hiện đang sử dụng đều do Liên Xô sản xuất.

Ngoài ra, trong trang bị của Quân đội Ba Lan còn có các súng máy Kalashnikov, súng RPG ("súng phóng lựu chống tăng xách tay), súng bắn tỉa Dragunov đã hiện đại hóa để bắn bằng đạn của NATO.

Tất nhiên, trong tương lai thì các thành viên Đông Âu của Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ dần đưa ra khỏi trang bị các phương tiện kỹ thuật của Liên Xô: và điều này cũng rất dễ hiểu, bởi vì vũ khí sẽ dần trở nên lạc hậu, sẽ xuất hiện các kiểu xe tăng, xe chiến đấu, máy bay .. mới hơn, hiện đại hơn.

Nhưng để mua được những chiếc xe tăng hiện đại như vậy của Mỹ hoặc của Pháp chẳng hạn, cần những khoản kinh phí quá lớn vượt khả năng chịu đựng của ngân sách của các nước Đông Âu.

Do đó, nhiều quốc gia Đông Âu hiện hoặc là đang hiện đại hóa, hoặc là “làm mới” các loại vũ khí mà họ được “thừa kế” từ Liên Xô. Ngoài ra, các nước Đông Âu cũng bán một số lượng rất lớn vũ khí cho các nước đang phát triển ở Châu Á và đặc biệt là Châu Phi.

Thêm nữa, có một điều rất thú vị là một số nước thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang mua vũ khí của Nga. Cụ thể, ví dụ nổi bật nhất là thương vụ mua bán gây ầm ỹ quy mô quốc tế là vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga.

Trong trang bị của quân đội một nước thành viên NATO khác là Hy Lạp cũng có các tổ hợp tên lửa phòng không S-300- những tổ hợp này Síp đã mua của Nga và sau đã “nhượng lại” cho Athens.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nhung-nuoc-nato-nao-dang-su-dung-vu-khi-xo-viet-3418374/