Những nỗi lo khiến giá dầu thế giới thấp kỷ lục

Mối lo ngại dai dẳng về tình trạng dư cung khiến tháng 11 trở thành tháng tồi tệ nhất trong hơn 10 năm qua của giá dầu thế giới.

Trong phiên đầu tuần (26/11), giá dầu thế giới tăng gần 3% sau khi giảm mạnh trong tuần trước.

Hỗ trợ giá dầu trong phiên này là sự khởi sắc của mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ khi Cyber Monday, ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm đã bắt đầu.

Tuy nhiên, những lo ngại về nhu cầu và sản lượng kỷ lục từ Saudi Arabia đã hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên này.

Theo một nguồn tin trong ngành, sản lượng dầu thô của Saudi Arabia đã chạm mức 11,1-11,3 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2018, mức cao chưa từng có.

Trong phiên ngày 27/11, giá dầu quay đầu giảm, do sự bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những dấu hiệu về sản lượng dầu thô trên toàn cầu “đầy" lên.

Sản lượng dầu thô của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng này, khoảng 11,7 triệu thùng/ngày, trong đó các kho dự trữ tăng tuần thứ chín liên tiếp.

Diễn biến giá dầu thô WTI giao sau tại New York trong tháng 11. Đơn vị: USD/thùng. Ảnh: TradingEconomics.

Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 3,5 triệu thùng trong tuần tính đến 23/11 lên 442,7 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 769.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra.

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 28/11 do lượng dầu dự trữ của Mỹ tiếp tục tăng vượt mức kỳ vọng của thị trường.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 10 tuần liên tiếp, tăng thêm 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/11, gây lo ngại về khả năng nguồn cung dư thừa.

Tuy nhiên, “vàng đen” đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 29/11, sau khi các nguồn tin trong ngành cho biết Nga sẽ xem xét việc tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trước thềm cuộc họp của tổ chức này dự kiến sẽ diễn ra ngày 6/12 tới.

Trong phiên cuối tuần (30/11), giá dầu chịu sức ép do những lo ngại về tình trạng dư cung và sự tăng giá của đồng USD.

Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng 2/2019 giảm 45 xu Mỹ xuống 59,46 USD/thùng; còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 52 xu Mỹ (1%) xuống 50,93 USD/thùng.

Trong phiên này, đồng bạc xanh tăng giá so với rổ tiền tệ, giữa những hy vọng của giới đầu tư về một thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã bị hạn chế bởi đồn đoán rằng các nhà xuất khẩu “vàng đen” sẽ nhất trí kế hoạch cắt giảm sản lượng tại cuộc họp của OPEC sắp tới.

OPEC sẽ nhóm họp vào tuần tới tại Vienna, Áo để thảo luận chính sách sản lượng với một số nhà sản xuất không thuộc tổ chức này, trong đó có Nga.

Các nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Reuters cho hay Saudi Arabia đã nâng sản lượng lên mức cao kỷ lục trong tháng 11/2018. Tuy nhiên, quốc gia này đang chuẩn bị cho một thỏa thuận cắt giảm sản xuất chung, đồng thời đang thảo luận đề xuất hạn chế sản lượng từ OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt lên tới 1,4 triệu thùng/ngày.

Tin vui chính thức đến với thị trường dầu mỏ thế giới khi ngày 1/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Saudi Arabia đã nhất trí làm mới hiệp ước về cắt giảm sản lượng dầu.

Hiện nay chưa có con số cụ thể về sản lượng dầu bị cắt giảm tuy nhiên, theo nhà phân tích thị trường hàng hóa cơ bản Giovanni Staunovo thuộc UBS Wealth Management, thị trường đang kỳ vọng mức cắt giảm sản lượng ít nhất 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ OPEC và Nga.

"Mức cắt giảm như vậy sẽ giúp giá dầu ổn định và phục hồi chắc chắn trong năm 2019", ông Staunovo nói.

Giới phân tích nói rằng nếu OPEC không hạ sản lượng, hoặc giảm sản lượng ít hơn mức kỳ vọng, thì giá dầu sẽ tuột khỏi mốc 50 USD/thùng.

Mỹ hiện đang khai thác dầu với tốc độ mạnh hơn bao giờ hết, và điều này gia tăng sức ép giảm giá đối với dầu.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nhung-noi-lo-khien-gia-dau-the-gioi-thap-ky-luc-3370277/