Những nỗi lo dễ gặp khi tìm việc

Bị choáng ngợp, lo sợ khó hòa đồng, lo sợ không được tuyển dụng… là tâm lý thường thấy khi tìm việc. Dẫu vậy, những điều này đều có cách 'hóa giải' khi bạn bình tâm và lên kế hoạch rõ ràng.

“Săn việc” không phải việc dễ dàng, và càng khó khăn hơn khi bạn thuộc tuýp hướng nội, khép kín, ngại cạnh tranh. Trong một số trường hợp, nếu đang phải đối mặt với các vấn đề tâm lý như: rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm, lưỡng cực... thì việc đặt mình vào một môi trường mới, tiếp xúc với những người lạ, với áp lực phải tìm được việc càng khiến ứng viên mệt mỏi hơn.

3 nỗi lo thường thấy

Bị choáng ngợp

Đôi khi, bạn bị choáng ngợp. Vì để trở thành ứng viên tiềm năng cho 1 công việc hấp dẫn, bạn phải trải qua nhiều bước để hoàn thiện bản thân và hồ sơ.

Lúc này, bạn có thể thực hiện chiến lược “bẻ nhỏ bó đũa”. Cụ thể, hãy chia kế hoạch “săn việc” thành các nhiệm vụ nhỏ lẻ và làm lần lượt. Mỗi đầu việc được hoàn thành sẽ đưa bạn đến gần hơn với vị trí mà bạn tìm kiếm.

Lo lắng về sự không chắc chắn

Không dễ để xác định chính xác được khi nào bạn có thể mở ra “cánh cửa” sự nghiệp mới. Khi nếu quá trình kéo dài hơn kỳ vọng, bạn thường lo sợ.

Để xua đi nỗi lo này, bạn nên chuyển sự chú tâm từ kết quả chung cuộc sang kết quả của từng phần việc mà bạn sẽ thực hiện.

Lo ngại không được tuyển dụng

Tự khiến mình lo lắng về những viễn cảnh đáng sợ như: “Sẽ không có ai muốn tuyển mình mất!” hoặc “Khéo không có công việc nào phù hợp với mình”... sẽ khiến bạn thêm áp lực không đáng có.

Bạn nên tìm lại cảm hứng bằng cách đọc những câu chuyện thành công từ khó khăn. Bạn cũng có thể chuyển tâm trí của mình vào hành động cụ thể, ví dụ như gặp gỡ những người mới và phát triển các kỹ năng chuyên môn mới.

“Thuốc chống lo” khi tìm việc làm

Tập trung vào việc cần làm

Đôi khi, chúng ta căng thẳng bởi khi nghĩ và suy đoán quá nhiều về tương lai, nhất là những chuyện bi quan. Vậy, để bớt căng thẳng, ứng viên nên tập trung vào những việc thiết thực khác.

Nếu bạn đã nghỉ việc, bạn có thể nộp đơn xin nhận bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, bạn nên tìm hiểu kỹ các quyền lợi, cũng như với các khoản bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Thời gian này, bạn nên tạo các bản CV và thư xin việc dễ tùy chỉnh, với từng vị trí khác nhau mà bạn hướng tới. Bạn có thể cập nhật các tài khoản tìm việc như: CareerBuilder, LinkedIn…

Lúc này, bạn có thể tham khảo ý kiến của người có chuyên môn về nghề nghiệp đang hướng tới. Bạn có thể tìm kiếm những người có thể chứng thực kỹ năng và trình độ của bạn.

Hệ thống hóa việc “săn việc”

Tìm kiếm việc làm sẽ bớt căng thẳng nếu bạn coi nó như một công việc. Nếu bạn chưa có việc làm, hãy coi đó là công việc toàn thời gian của bạn. Nếu bạn đang đi làm, hãy lên thời gian biểu để có thời gian tìm việc. Bên cạnh đó, bạn nên tổ chức từng bước trong quy trình tìm kiếm việc làm, theo dõi các công việc đã ứng tuyển và tiếp tục tham gia các sự kiện networking, tọa đàm chuyên môn.

Khi có sẵn một kế hoạch và theo dõi được việc đã làm, việc cần làm tiếp, bạn sẽ không phải lo lắng về những đầu việc chưa đến lượt.

Đánh giá khả năng hòa nhập

Với cá tính đặc thù từng người, không dễ dàng để hòa nhập với môi trường mới.

Vậy, câu hỏi quan trọng là: “Liệu công ty đó có phù hợp cho bước tiếp theo trong sự nghiệp của bạn không?”. Để tránh sự thất vọng và lạc lõng mà bạn có thể nhìn thấy trước, hãy dũng cảm từ chối nếu câu trả lời là “Không”.

Khi bạn đã tìm được công việc phù hợp, việc đi làm và trở thành một phần của tập thể sẽ có nhiều phấn khích, hào hứng hơn là căng thẳng.

Giải lao

Nhờ có điện thoại và Internet, việc cập nhật tình hình ứng tuyển giờ đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn không nên luôn chăm chăm check email từ nhà tuyển dụng mà “bỏ bê” bản thân.

Một công việc yêu thích có thể mất nhiều thời gian để tìm ra. Bạn càng nghĩ về nó, bạn sẽ lo lắng nhiều hơn. Thay vì thế, bạn có thể nghỉ ngơi, tập thể dục, yoga, đọc sách, dắt chó đi dạo, tắt máy tính và bỏ qua điện thoại khi hết “giờ tìm việc”.

(Nguồn: Careerbuilder.vn)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/viec-lam/nhung-noi-lo-de-gap-khi-tim-viec-733457.html