Những nỗi đau phía sau… cuộc nhâụKỳ 1: Những tai nạn thương tâm

Vấn nạn sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động. Do đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng yêu cầu cần phải xây dựng luật góp phần giảm ảnh hưởng từ tác hại của rượu, bia tới sức khỏe và kinh tế - xã hội, kể cả với truyền thống văn hóa.

Tuy nhiên, để ngăn chặn thói quen “chén chú chén anh” trong mọi cuộc vui không phải là điều đơn giản. Điều này rất cần sự đồng thuận giữa các cơ quan chức năng và ý thức tự giác của người dân.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trước Quốc hội, có vị đại biểu đã nhấn mạnh “chúng ta thử một lần lắng nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng, con mất cha do bia, rượu gây ra”. Quả thật, thực tế cho thấy, nhiều con số thống kê về nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, xích mích dẫn tới ngộ sát, bạo hành gia đình vì bia, rượu đang có chiều hướng gia tăng.

40% vụ tai nạn giao thông liên quan đến “men say”

Đêm 21/10, chiếc ôtô do nữ tài xế Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh) điều khiển đã bất ngờ mất lái, tông 5 xe máy và một taxi đang lưu thông cùng chiều, sau đó tiếp tục đâm vào một chiếc taxi. Vụ tai nạn khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ, 7 người khác bị thương. Tại cơ quan công an, bà Nga được kiểm tra nồng độ cồn với kết quả là 0,94mg/lít khí thở. “Nữ quái xế” cho hay do buổi chiều tối hôm đó uống nhiều rượu, bia nên khi lái xe về nhà đã… ngủ gục và gây ra vụ tai nạn thảm khốc.

Vụ tai nạn với nguyên nhân do người tài xế “quá chén” như trên không hề hiếm. Kinh hoàng nhất là mỗi dịp cuối năm, những ngày nghỉ Tết Âm lịch, Tết Dương lịch, nhiều người đã tham gia các cuộc nhậu rồi vĩnh viễn không bao giờ trở về với gia đình.

Bác sĩ Bùi Trung Nghĩa (Bệnh viện Việt - Đức) cho biết, mỗi năm đến ca trực cấp cứu dịp Tết, anh và các đồng nghiệp lại phải “căng mình” để cấp cứu cho hàng trăm ca tai nạn. Họ bị chấn thương sọ não, gẫy chân, gẫy tay bắt nguồn từ những cuộc nhậu.

Nhớ lại đêm 30 Tết năm 2018, bác sỹ Nghĩa đưa ra con số “giật mình”, khoảng 450 ca cấp cứu từ sáng đến gần thời khắc giao thừa. Phần lớn là tai nạn giao thông, ngoài ra là đánh nhau, gây gổ cũng do chén bia, chén rượu. Hầu như các bác sĩ tại Bệnh viện Việt - Đức đều “mất Tết” bởi càng đến những ngày nghỉ, số vụ cấp cứu càng tăng vọt.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 10 tháng năm nay, TNGT đã khiến hơn 6.600 người chết và hơn 11.500 người bị thương, trong đó, có 962 trẻ em. Trung bình mỗi ngày, TNGT cướp đi sinh mạng của 24 người, làm khoảng 60 người bị tàn phế suốt đời. Qua phân tích, hơn 40% số vụ do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia và đáng lo ngại là con số này đang có xu hướng gia tăng...

Bệnh viện Việt - Đức liên tục tiếp nhận những ca cấp cứu tai nạn giao thông xuất phát từ việc uống quá chén

PGS. TS Nguyễn Đức Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Việt Đức cho biết, là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, hàng năm Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân ngoại khoa, chủ yếu do tai nạn thương tích, tai nạn giao thông. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận từ 29.000 - 30.000 trường hợp. Tính đến tháng 11 năm 2018, tổng số tai nạn thương tích nhập viện trên 28.000 trường hợp, trong đó gần 14.000 trường hợp tai nạn giao thông, chiếm tỷ lệ 50%.

“Để giảm bớt tỷ lệ mắc và tử vong do tai nạn giao thông, bệnh viện nhận thấy việc tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao ý thức trong cộng đồng về việc phòng chống tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn giao thông là việc làm vô cùng cấp thiết. Những mục tiêu trước mắt cần tăng cường để giảm tai nạn giao thông vẫn là các chương trình giáo dục, tuyên truyền về an toàn giao thông như: Đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông”, PGS Nguyễn Đức Tiến cũng nhấn mạnh.

"Nói với người say như vay không trả"

Không ít gia đình có chồng nghiện bia rượu dẫn đến mẫu thuẫn, bạo hành, đánh đập vợ con sau cơn say. Khi gia đình tan vỡ hạnh phúc, người phụ nữ và những đứa trẻ lại là người chịu thiệt thòi nhất, gánh chịu hậu quả dù họ không được hưởng “men say”. Rượu còn làm cho những người đàn ông trụ cột của gia đình mất kiểm soát, mất nhân tính và có những hành động vô nhân tính.

Từ một người con hiếu thảo, một người chồng, người cha mẫu mực, chăm lo cho gia đình, từ một gia đình hạnh phúc, rượu bia có thể phá hoại đi mọi thứ. Đó là chưa kể hàng loạt những vụ việc đau lòng mà rượu bia gây ra như: Ngộ độc rượu gây chết người, những vụ án hình sự thương tâm, đánh nhau, gây thương tích do rượu bia…

Vui thì đi nhậu, buồn cũng nhậu, lúc liên hoan người ta cũng tìm đến bia rượu. Nhiều người cho rằng việc uống rượu bia sau những giờ làm việc căng thẳng góp phần giảm stress. Bia rượu trở thành vật ngoại giao trên bàn nhậu để bàn công việc, tiếp đối tác. Mời uống bia, rượu từ lâu đã trở thành nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều người.

Để rồi khi “rượu vào, lời ra”, khó ai có thể kiểm soát hết được bản thân mình. Người thì mất mạng, kẻ thì vướng vào vòng lao lí vì “cái nhìn đểu” trên bàn nhậu, vài câu cãi vã lúc say xỉn. Đằng sau đó còn là nỗi đau của biết bao người mẹ, người cha và cả những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh gia đình tan nát.

Theo thống kê hàng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi dưới 30 chiếm tới 70%.

Anh Quang Huân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Là đàn ông, khó ai tránh khỏi những trận nhậu say xỉn, từ những cuộc liên hoan bạn bè cho đến cơ quan, đồng nghiệp rồi những dịp giỗ chạp, ma chay, cưới xin trong họ hàng, gia đình… Tuy nhiên, điều khiến tôi lo ngại nhất trong mỗi cuộc nhậu đấy là việc chuốc rượu, ép rượu. Nó đang bị biến tướng thành một thứ lễ nghi mù quáng. Đàn ông thường sĩ diện lớn, nhiều lúc bị ép uống cũng phải chịu, uống đến bao giờ say mềm, uống đến mất ý thức, không tỉnh táo thì thôi. Rồi tàn cuộc nhậu, họ trở về nhà trong trạng thái mất ý thức như vậy… Suy cho cùng, rượu bia không hề xấu, bởi trên bàn tiệc phải có rượu, bia mới dễ nói chuyện, chia sẻ. Thế nhưng, mỗi người cần có ý thức uống sao cho hợp lý, tự biết điều chỉnh bản thân, có mời nhau thì uống đáp lễ chứ không phải uống đến say mềm”.

(Còn nữa)

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/ky-1-nhung-tai-nan-thuong-tam-d2058860.html