Những nơi ẩn náu của người Do Thái thời Hitler

Thời kỳ Hitler nắm quyền, người Do Thái phải đối mặt với sự đàn áp, trục xuất và giết chóc tàn bạo. Những người có khả năng chạy trốn chỉ có vài lựa chọn đích đến, vì các quốc gia đều chỉ miễn cưỡng đón nhận những người tị nạn Do Thái, hầu như không có nước nào giảm bớt thời hạn nhập cư cho họ hay thực hiện bất kỳ nỗ lực hỗ trợ đáng kể nào.

Sosua

Mặc dù vậy, vẫn có những ngôi làng, thành phố và quốc gia chào đón và bảo vệ những người chạy trốn. Ở những nơi này, người Do Thái chạy trốn cuộc diệt chủng được tự do tín ngưỡng và kinh doanh. Quan trọng nhất là họ thoát khỏi nguy cơ bị đưa đến các trại tập trung, nơi họ sẽ bị đày đọa trong đói khát, bạo lực và bị đe dọa bởi cái chết.

Sosua là một địa phương ở Pháp đã dang tay đón nhận những người tị nạn Do Thái. Năm 1938, chính quyền Hitler trục xuất hàng trăm ngàn người Do Thái khỏi nhà và đất nước.

Tổng thống Roosevelt đã kêu gọi tổ chức một hội thảo quốc tế nhằm thảo luận về các vấn đề nảy sinh từ số lượng người tị nạn lớn như vậy. Đại diện từ 32 nước đã gặp gỡ tại Evian (Pháp) suốt 9 ngày.

Gần như đại biểu nào cũng bày tỏ sự cảm thông với người tị nạn, tuy nhiên họ không đề cập đến các hỗ trợ như tăng mức nhập cư hay cho phép bổ sung thị thực cho những người tị nạn. Giai đoạn này cũng là thời điểm diễn ra cuộc Đại suy thoái, đồng thời, sự thiếu hụt các nguồn lực và nguồn quỹ cũng được sử dụng như cái cớ để từ chối giúp đỡ.

Chỉ có đất nước duy nhất đưa ra sự hỗ trợ đáng kể, đó là Cộng hòa Dominica. Nhà độc tài Rafael Trujillo đã đồng ý chấp thuận 100.000 người tị nạn. Lý do để ông Trujillo làm như vậy không hoàn toàn là do lòng vị tha.

Người ta nói rằng, chỉ bằng cách chấp nhận người tị nạn thì mới nhận được các hỗ trợ tài chính đi kèm. Thêm vào đó, Trujillo đang tìm cách nâng cao danh tiếng trên trường quốc tế, sau “phốt” tàn sát hàng ngàn người Haiti.

Lý do cuối cùng là Trujillo có kế hoạch “thay màu da” cho người dân nước mình bằng cách khuyến khích người da màu bản địa kết hôn với những người tị nạn có nước da sáng màu.

Dù động cơ của Trujillo là gì đi nữa, Sosua đã trở thành quê hương của hàng trăm người di tản vô định. Trong thời chiến, việc vận chuyển từ châu Âu tới vùng Caribe vô cùng khó khăn.

Vì vậy, chỉ có khoảng 800 người tị nạn Do Thái đến được Cộng hòa Dominica. Phần lớn trong số họ ổn định ở Sosua, một thị trấn lạc hậu ven biển. Mỗi người tị nạn được nhận một mảnh đất và một số vật nuôi.

Với nhiều người tị nạn, cuộc sống ở Sosua là một sự “lột xác”, không chỉ bởi họ tới sống ở một đất nước khác, mà bởi vì rất nhiều nhà kinh doanh, tiến sĩ, bác sĩ đã phải học cách sống bằng nghề nông.

Tuy nhiên, họ đã học và đã thích nghi với cuộc sống mới. Sosua trở thành một cộng đồng cho những người tị nạn, với một thánh đường Do Thái và một trường học cho trẻ em.

(Còn tiếp)

Kiều Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-noi-an-nau-cua-nguoi-do-thai-thoi-hitler-3925207-b.html