Những nỗ lực đảo ngược kết quả bầu Tổng thống Mỹ

Cựu luật sư chiến dịch tranh cử của ông Trump yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ hủy 2 chiến thắng của ông Biden ở bang Michigan và Georgia.

Bà Sidney Powell, người mới rời khỏi đội ngũ pháp lý của Tổng thống Donald Trump, hồi tháng trước đã đệ đơn kiện thay mặt các cử tri của đảng Cộng hòa tại 2 bang Michigan và Georgia. Tuy nhiên, đơn kiện của bà Powell đã bị bác tại các tòa án cấp bang.

Khi bác đơn kiện của bà Powell tại Michigan, thẩm phán Linda Parker cho biết vụ kiện "không cung cấp bất kỳ điều gì ngoài các phỏng đoán rằng các phiếu bầu cho Tổng thống Trump đã bị hủy, bị loại bỏ hoặc chuyển sang cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden".

Trong khi đó, tại bang Georgia, thẩm phán Timothy Batten bác đơn kiện của bà Powell sau phiên điều trần kéo dài một giờ.

Bà Powell đã tìm cách đưa trực tiếp các đơn kiện lên tòa án tối cao, yêu cầu tòa đảo ngược chiến thắng của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tại Michigan và Georgia.

Cho tới nay, êkíp vận động tranh cử và nhóm pháp lý của ông Trump đã thất bại trong hàng chục vụ kiện khi không thuyết phục được các thẩm phán về những bất thường trong bầu cử ở nhiều bang quan trọng như Michigan, Georgia, Arizona và Nevada.

Chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 một lần nữa được củng cố vững chắc và khó có thể đảo ngược khi ngày 14/12, cử tri đoàn đã bỏ phiếu xác nhận ông vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua với 306 phiếu đại cử tri.

Ông Joe Biden đã chính thức đắc cử Tổng thống

Ông Joe Biden đã chính thức đắc cử Tổng thống

Trong tiến trình bầu cử Mỹ diễn ra 4 năm một lần, việc các đại cử tri bỏ phiếu thường được coi là mang tính hình thức nhằm chính thức hóa kết quả cuộc bầu cử sau khi 50 bang và Đặc khu Columbia chứng nhận kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri toàn quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không thừa nhận thất bại trước ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden và đưa ra các hành động pháp lý nhằm thay đổi kết quả bầu cử với cáo buộc có gian lận trong bỏ phiếu tại một số bang chiến địa, thì sự kiện này đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận cũng như mang ý nghĩa quan trọng hơn.

Hiến pháp Mỹ quy định những lá phiếu chính thức của đại cử tri mới quyết định ai sẽ là tổng thống, mặc dù các cử tri trên toàn quốc đã bỏ phiếu bầu tổng thống hơn một tháng trước đó.

Mỗi bang có những quy tắc riêng để lựa chọn đại cử tri và số đại cử tri của mỗi bang bằng số nghị sỹ của bang đó trong quốc hội (tổng số hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ). Như vậy, cử tri đoàn gồm 538 đại cử tri của các bang và ứng cử viên tổng thống nào giành được 270 phiếu bầu sẽ chính thức trở thành tổng thống đắc cử.

Vài tháng trước ngày bầu cử, mỗi đảng phái chính trị tại Mỹ có ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống sẽ đề cử hoặc bỏ phiếu lựa chọn nhóm đại cử tri của đảng đó. Trong lịch sử, trước khi được lựa chọn, các đại cử tri đã cam kết ủng hộ một ứng cử viên nhất định, vì vậy họ hầu như luôn bỏ phiếu theo cam kết.

Trên cơ sở xác định được ứng cử viên giành được đa số phiếu phổ thông của bang, đảng của ứng cử viên này sẽ được phép tiến hành chỉ định các đại cử tri của bang đó.

Theo kết quả các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, ông Joe Biden đã giành được chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri tại 24 bang, trong đó có nhiều bang chiến địa quan trọng gây tranh cãi như Michigan, Pennsylvania, Georgia và Wisconsin, trong khi đó Tổng thống Trump giành được 232 phiếu đại cử tri.

Kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn sẽ được gửi tới Quốc hội, nơi lưỡng viện sẽ nhóm họp vào ngày 6/1 tới với sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Mike Pence để kiểm phiếu và công bố chính thức ai sẽ trở thành tổng thống mới của nước Mỹ.

Nhiều nhận định trước đó cho rằng có thể có “các đại cử tri bất tín" không bỏ phiếu cho ứng cử viên như đã cam kết. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra.

Kể từ năm 1948, chỉ có 16 trường hợp đại cử tri bầu cho người khác, trong đó có 7 đại cử tri thay đổi vào năm 2016.

Để hạn chế tình trạng này xảy ra, 32 bang và Đặc khu Columbia có luật yêu cầu các đại cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ đã cam kết và thậm chí nhiều bang trong số này còn đưa ra hình phạt đối với những đại cử tri thay đổi.

Tổng thống Trump vẫn có thể tìm kiếm một cơ hội nhỏ để cản trở quá trình trên nếu một thành viên của Hạ viện và Thượng viện phản đối quá trình kiểm phiếu vào ngày 6/1. Hai viện Quốc hội sẽ hoãn lại bỏ phiếu để xem xét.

Vào năm 2016, các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã đưa ra phản đối, nhưng không có phản đối thứ hai từ một thượng nghị sỹ. Năm nay kịch tính có thể xảy ra. Tuy nhiên, cả hai viện sẽ phải duy trì sự phản đối và điều này sẽ không xảy ra với Hạ viện, nơi các đảng viên Dân chủ nắm quyền kiểm soát.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nhung-no-luc-dao-nguoc-ket-qua-bau-tong-thong-my-3424459/