Những nỗ lực của toàn ngành giáo dục cho kỳ thi Quốc gia năm 2019

Công tác tổ chức coi thi của các địa phương đều nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định. Bước đầu đã tạo được niềm tin của thí sinh, phụ huynh và xã hội.

Gác lại những tiêu cực, những thị phi sau kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 thì kỳ thi năm 2019 này, chúng ta thấy sự sốt sắng, sát sao của lãnh đạo Bộ cho thì thi quốc gia nhiều hơn.

Những mặt tích cực trong kỳ thi năm nay không chỉ là có những chỉ đạo thường xuyên trong khâu chuẩn bị mà trong những ngày diễn ra kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 thì Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục cũng liên tục có mặt ở các địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm 2019 tại Hà Nội (Ảnh: Báo Hà Nội mới)

Hy vọng, cùng với sự sốt sắng, cầu thị của lãnh đạo Bộ, cùng sự chung tay vào cuộc của các địa phương thì kỳ thi năm nay sẽ được thực hiện công bằng, không còn tái diễn tiêu cực như kỳ thi năm 2018 nữa.

Điều đáng mừng là trong những ngày diễn ra kỳ thi năm 2019, dù còn một số vi phạm lẻ tẻ của thí sinh và giám thị ở một số địa phương nhưng nhìn chung kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Nhiều thí sinh nhận định là phần lớn các câu hỏi trong các đề thi phù hợp, không đánh đố học trò. Công tác tổ chức coi thi của các địa phương đều nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định. Bước đầu đã tạo được niềm tin cho thí sinh, phụ huynh và xã hội.

Nếu so sánh với các kỳ thi trước thì kỳ thi năm 2019 này ngân sách nhà nước và các địa phương đã đầu tư nhiều hơn rất nhiều cho kỳ thi. Những máy móc hiện đại được mua sắm, lắp đặt ở các điểm coi thi, chấm thi.

Những thay đổi về phân công coi thi, đánh số phách, chấm thi, vào điểm…cũng được thay đổi hơn so với trước. Sự điều đồng đội ngũ là giảng viên các trường đại học về các địa phương coi thi cũng đông đảo hơn.

Tất cả là nhằm mục đích tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan cho toàn thể các thí sinh dự thi trên cả nước.

Những điểm nóng như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…được lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm từ những ngày chưa diễn ra kỳ thi nên thường xuyên có các đoàn lãnh đạo của Bộ về kiểm tra, phối hợp với địa phương trong công tác chuẩn bị, tổ chức.

Trước và trong những ngày diễn ra kỳ thi, chúng ta thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Lê Hải An, Nguyễn Thị Nghĩa...liên tục xuất hiện tại các điểm thi của nhiều tỉnh.

Những điều này như những liều thuốc tinh thần để động viên các địa phương, các hội đồng thi làm tốt hơn công việc của mình.

Sau khi thi, các địa phương đã bắt tay ngay vào việc chấm thi cho kịp với tiến độ đã đề ra.

Nhiều giảng viên của các trường đại học được điều động về các địa phương để tham gia công tác chấm thi các môn trắc nghiệm. Hàng chục nghìn giáo viên được điều động để chấm môn tự luận.

Đặc biệt, trong những ngày này, nhiệt độ của nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung luôn nằm ở ngưỡng cao nhưng các thầy cô vẫn miệt mài làm việc với tinh thần trách nhiệm dù ai cũng hiểu áp lực của việc chấm thi là rất lớn.

Những lãnh đạo Bộ vẫn đang luân phiên, bám sát công tác chấm thi của các địa phương trong những ngày qua. Nhiều đoàn thanh tra của Bộ luôn túc trực tại các điểm chấm thi.

Công sức, tiền của nhà nước, nhân dân đầu tư cho một kỳ thi là rất lớn, áp lực của kỳ thi này lại càng lớn hơn sau mùa thi năm 2018.

Chính vì vậy, mỗi cán bộ, giáo viên khi được điều động vào công tác coi thi, chấm thi năm nay đều hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công việc đã được phân công.

Thời điểm này các địa phương đang tiến hành chấm thi, điều này cũng có nghĩa là kỳ thi đang đi được một nửa chặng đường. Tổ chức coi thi nghiêm túc, chấm thi nghiêm túc, khách quan nhưng phần vào điểm cũng cần thiết được giám sát chặt chẽ.

Bởi, kỳ thi năm 2018 để xảy ra tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chủ yếu là ở khâu chấm trắc nghiệm và vào điểm.

Vì vậy, chúng ta hy vọng những người được phân công thực hiện nhiệm vụ cần thể hiện hết trách nhiệm của mình để công sức toàn ngành và sự chung tay của xã hội không tiêu tan như kỳ thi năm trước.

Những gì đã qua thì nó cũng sẽ qua đi. Những nỗi buồn, sự thất vọng rồi cũng sẽ qua đi nếu lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo các địa phương thực tâm cầu thị, sửa sai sau kỳ thi năm 2018.

Và, những điều này chúng ta đã đang thấy được đó là sự cầu thị từ những lãnh đạo ngành giáo dục trong quá trình tổ chức kỳ thi năm 2019.

Hy vọng, sự trung thực, khách quan của kỳ thi này sẽ được đảm bảo để làm tiền đề cho các năm sau và cũng là cách lấy lại niềm tin của xã hội sau sự việc tiêu cực của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

KHÁNH VĂN

KHÁNH VĂN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-no-luc-cua-toan-nganh-giao-duc-cho-ky-thi-quoc-gia-nam-2019-post199948.gd