Những nỗ lực bảo vệ thỏa thuận JCPOA

Họp lần đầu tiên trong hơn 1 năm, các ngoại trưởng Iran và Nhóm P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hôm 21/12 (giờ địa phương) một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình thực thi Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm bảo vệ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân năm 2015).

Các ngoại trưởng đồng thời hoan nghênh triển vọng quay trở lại thỏa thuận của Mỹ và nhấn mạnh sẵn sàng giải quyết vấn đề một cách tích cực.

Tuyên bố trên được đưa ra sau hội nghị trực tuyến không chính thức của các bên còn lại tham gia JCPOA, do đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell chủ trì, với sự tham gia của ngoại trưởng các nước tham gia ký kết thỏa thuận. Mỹ không tham dự sự kiện do đã rút khỏi JCPOA.

Cuộc họp trực tuyến giữa Iran và Nhóm P4+1.

Cuộc họp trực tuyến giữa Iran và Nhóm P4+1.

Các ngoại trưởng đã khẳng định thỏa thuận hạt nhân, vốn được Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ quốc công nhận, vẫn là một yếu tố chủ chốt của chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu và là một thành quả quan trọng của ngoại giao đa phương, góp phần củng cố an ninh khu vực và quốc tế. Các bên tham gia JCPOA cũng tái khẳng định cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân và nhấn mạnh những nỗ lực liên quan, đồng thời cho rằng, việc các bên thực thi thỏa thuận một cách đầy đủ và hiệu quả vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Tuyên bố cũng khẳng định vai trò quan trọng của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là một tổ chức quốc tế công bằng và độc lập duy nhất được HĐBA LHQ ủy quyền giám sát và xác minh tiến trình thực thi các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ của JCPOA. Các ngoại trưởng cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác với IAEA.

Ngoài ra, Iran và các nước bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Mỹ rút khỏi JCPOA, nhấn mạnh rằng Nghị quyết 2231 vẫn có hiệu lực đầy đủ. Các ngoại trưởng cũng bày tỏ hy vọng Washington sẽ sớm tham gia trở lại văn kiện này.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh: “Để có thể đưa nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden trở lại thỏa thuận hạt nhân, điều quan trọng là không được phép có thêm bất kỳ cuộc diễn tập chiến thuật nào như đã thấy thời gian qua. Điều này sẽ chỉ càng gây tổn hại hơn nữa tới thỏa thuận. Chúng ta đang đứng trước cơ hội cuối cùng và không được phép lãng phí. Đây cũng là điều mà chúng tôi đã nói rất rõ với Iran tại cuộc họp”.

Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Mỹ nên quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran một cách vô điều kiện và càng sớm càng tốt. Nước này cũng nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, các thực thể và cá nhân của bên thứ ba”. Trên cơ sở Mỹ tham gia trở lại JCPOA, Iran cần khôi phục đầy đủ việc thực thi các cam kết hạt nhân của nước này.

Cũng theo Ngoại trưởng Vương Nghị, tình hình hạt nhân Iran đang đứng trước thời điểm quan trọng, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng nước này sẵn sàng quay trở lại JCPOA. Trong bối cảnh này, Bắc Kinh đưa ra 4 đề xuất liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, gồm: kiên trì bảo vệ thỏa thuận; khuyến khích Mỹ sớm tham gia trở lại JCPOA; giải quyết các bất đồng một cách công bằng và khách quan trong tiến trình thực thi thỏa thuận; xử lý thỏa đáng các vấn đề an ninh khu vực.

Về phía Iran, Ngoại trưởng Javad Zarif khẳng định, Tehran sẵn sàng trở lại các cam kết một khi Mỹ và 3 cường quốc châu Âu làm tròn nghĩa vụ của mình. Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, ông chắc chắn chính quyền sắp tới của Mỹ sẽ quay lại thực hiện các cam kết trong thỏa thuận JCPOA và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vô lý đối với Tehran.

Ông nhấn mạnh: “Tôi không nghi ngờ rằng cuộc kháng chiến kéo dài ba năm của nhân dân Iran sẽ thuyết phục chính phủ tương lai của Mỹ quay trở lại các cam kết của Washington và các lệnh trừng phạt sẽ bị dỡ bỏ”.

Năm 2015, Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp cùng với Đức) đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân JCPOA nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Để đáp trả lại động thái này, kể từ tháng 5/2019, Iran đã dần từ bỏ các nghĩa vụ quan trọng trong thỏa thuận JCPOA. Mới đây nhất, Iran tuyên bố đang lên kế hoạch lắp đặt các máy ly tâm hiện đại tại cơ sở làm giàu urani chủ chốt của nước này ở Natanz. Động thái này đã đối mặt với sự chỉ trích của các nước Pháp, Đức và Anh, cho rằng điều này chỉ làm xói mòn thỏa thuận và làm mất đi những cơ hội cho tiến trình thực thi JCOPA mà các bên hy vọng có thể có trong năm 2021.

Dù chưa rõ sẽ thực thi các đối sách cụ thể với Iran như thế nào, nhưng Tổng thống đắc cử Joe Biden ngay từ đầu đã cho thấy mong muốn lựa chọn giải pháp ngoại giao. Ông cũng đề cập khả năng Washington có thể quay lại Kế hoạch hành động chung toàn diện như là điểm khởi đầu để thực hiện các cuộc đàm phán hạt nhân tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thiện chí thôi vẫn là chưa đủ khi những trở ngại ngày một nhiều thêm, mà mới đây nhất là vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, người được xem là “cha đẻ” chương trình hạt nhân Iran.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhung-no-luc-bao-ve-thoa-thuan-jcpoa-624679/