Những nhóm hàng nhập khẩu chính 7 tháng năm 2018

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2018 đạt 20,95 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 1,9 tỷ USD) so với tháng trước.

10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất 7 tháng/2018 theo loại hình doanh nghiệp.

Trong đó, các mặt hàng tăng mạnh so với tháng trước là điện thoại các loại & linh kiện tăng 528 triệu USD, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 219 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 142 triệu USD, ô tô nguyên chiếc tăng 52 triệu USD. Bên cạnh đó, trong tháng một số nhóm hàng nhập khẩu bị giảm mạnh như xăng dầu các loại giảm 400 triệu USD, thức ăn gia súc giảm 140 triệu USD.

Nhập khẩu hàng hóa trong 7 tháng tính từ đầu năm 2018 tiếp tục tăng 11,1% với 45/54 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2017. Số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD là 27/54 nhóm hàng; trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng: than các loại tăng 71,6%; phế liệu sắt thép tăng 56,9%; kim loại thường tăng 35,6%; xơ, sợi dệt tăng 33%; bông tăng 32,7%; xăng dầu tăng 31,6%... so với cùng kỳ năm trước.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện : nhóm hàng có trị giá nhập khẩu lớn nhất trong 7 tháng/2018. Trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong tháng 7/2018 đạt 3,38 tỷ USD, tăng 6,9% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này trong 7 tháng/2018 đạt 23,15 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện lớn nhất sang Việt Nam là: Hàn Quốc với 9,79 tỷ USD, tăng 18,4%; Trung Quốc với 3,95 tỷ USD, tăng 3,4%; Nhật Bản với 2,12 tỷ USD, tăng 30,5%... Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác : trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 7/2018 đạt 2,94 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 7/2018, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này 18,87 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác trong 7 tháng từ đầu năm 2018 chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với 6,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng thời gian năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc với 3,69 tỷ USD, giảm 37%; nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 2,52 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2% … Điện thoại các loại và linh kiện : nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 60,3% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 7/2018 trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 7,39 tỷ USD giảm nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2017. Điện thoại các loại và linh kiện trong 7 tháng/2018 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 4,33 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 2,58 tỷ USD, giảm 6,8%; … Vải các loại : nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 7 đạt 1,13 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng từ đầu năm 2018 đạt 7,39 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Vải nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng/2018 chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với 4,05 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng thời gian năm trước; Hàn Quốc với 1,3 tỷ USD, tăng 9%; từ Đài Loan với 932 triệu USD, tăng 3%; Nhật Bản với 433 triệu USD tăng 16,1% … Sắt thép các loại : trong tháng nhập khẩu nhóm hàng này là 1,18 triệu tấn, trị giá đạt 879 triệu USD, giảm 2,6% về lượng và nhưng tăng nhẹ 0,1% về trị giá. Trong 7 tháng/2018, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 8,05 triệu tấn, trị giá 5,8 tỷ USD, giảm 10,4% về lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong 7 tháng/2018, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với gần 3,88 triệu tấn, trị giá hơn 2,77 tỷ USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 10,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 1,29 triệu tấn, trị giá 909 triệu USD, giảm 1% về lượng, nhưng tăng 15,6% về trị giá… Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 7/2018 đạt hơn 820 nghìn tấn, trị giá 558 triệu USD, giảm mạnh 41,7% về lượng và giảm 41,8% về trị giá so với tháng trước, đưa lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 7 tháng/2018 đạt 7,8 triệu tấn, trị giá 5,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Xăng dầu các loại được nhập khẩu về Việt Nam trong 7 tháng/2018 chủ yếu có xuất xứ từ Malaixia với 2,2 triệu tấn, tăng 50,5%; từ Hàn Quốc với 1,97 triệu tấn, tăng 11,6% so với 7 tháng/2017. Đặc biệt, xăng dầu các loại nhập khẩu từ Singapore trong 7 tháng qua lại giảm mạnh, chỉ nhập 1,81 triệu tấn, giảm tới 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Chất dẻo nguyên liệu : nhập khẩu trong tháng 7 của nhóm hàng này đạt 432 nghìn tấn, trị giá 720 triệu USD, giảm 4,3% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 7/2018, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 3,09 triệu tấn, trị giá 5,04 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 18% về trị giá so cùng kỳ năm 2017. Chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm chủ yếu có xuất xứ từ thị trường Hàn Quốc với 535 nghìn tấn, trị giá 925 triệu USD, tăng 4,1% về lượng và 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; từ Tiểu vương quốc Arập Thống Nhất với 578 nghìn tấn, trị giá 740 triệu USD, tăng 4,5% về lượng và tăng 16,8% về trị giá; từ Đài Loan với 426 nghìn tấn, trị giá đạt 707 triệu USD, tăng 11% về lượng và tăng 18,6% về trị giá…. Nguyên phụ liệu dệt may, da, giày: nhập khẩu trong tháng đạt trị giá 502 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng trước, qua đó đưa trị giá nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt 3,32 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng từ đầu năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 1,24 tỷ USD, tăng 3,9%; xuất xứ từ Hàn Quốc với 456 triệu USD, giảm 1,6%; xuất xứ Đài Loan với 266 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2017. Sản phẩm từ chất dẻo : nhập khẩu trong tháng có trị giá 496 triệu USD, tăng 4,3% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu nhóm hàng này 7 tháng đầu năm đạt 3,28 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm từ chất dẻo nhập khẩu trong 7 tháng tính từ đầu năm 2018 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 1,16 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng thời gian năm trước; xuất xứ từ Hàn Quốc với 975 triệu USD, tăng 9,1%; xuất xứ từ Nhật Bản với 480 triệu USD, tăng 6,9%... Hóa chất: nhập khẩu mặt hàng này trong tháng có trị giá 443 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu nhóm hàng này 7 tháng/2018 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu hóa chất trong 7 tháng tính từ đầu năm 2018 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 906 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2017; xuất xứ từ Đài Loan với 378 triệu USD, tăng 35,5%; xuất xứ từ Hàn Quốc với 245 triệu USD, tăng 27,7%...

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Hà Nhi

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhung-nhom-hang-nhap-khau-chinh-7-thang-nam-2018.aspx