Những nhịp cầu góp phần thay đổi vùng biên

Từng cây cầu nông thôn được hoàn thành trong niềm phấn khởi của chính quyền và nhân dân trên địa bàn các tỉnh có đường biên giới chung với nước bạn Campuchia (khu vực phía Nam), đã khẳng định ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình Cầu nông thôn (CTCNT) do Tạp chí Nông thôn Việt thực hiện.

Chương trình như một đòn bẩy để tiếp sức cho các địa phương vùng biên giới phát huy truyền thống, đoàn kết, cùng thi đua phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tiếp sức xây dựng nông thôn mới

Bước qua cầu Nam Hang vừa được khánh thành, bà Lê Thị Thu Buôl (52 tuổi), ngụ xã Thượng Thới Tiền, (Hồng Ngự, Đồng Tháp) tâm sự: “Gần 20 năm mong đợi, đến nay người dân mới có cầu lớn để đi lại. Thế là từ nay, chúng tôi khỏi phải lo lắng mỗi khi mùa lũ về, nhất là mấy cháu nhỏ an toàn để đến trường”.

Người dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) phấn khởi đi qua cầu Nam Hang vừa hoàn thành.

Hồng Ngự là huyện biên giới, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, điều kiện đi lại khó khăn, nhất là các xã khu vực biên giới. Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự Nguyễn Văn Khơi, cho biết: "Huyện phấn đấu đến cuối năm 2020 có ít nhất 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Khó khăn lớn nhất là thực hiện tiêu chí về giao thông, bởi địa phương là huyện thuần nông. Bảy cây cầu nông thôn trong CTCNT vừa đưa vào sử dụng tạo sự kết nối giao thông giữa các xã biên giới, thúc đẩy kinh tế-xã hội (KT-XH) phát triển".

Nằm trong vùng lõm Đồng Tháp Mười, thường xuyên bị lũ lụt, giao thương khó khăn do thiếu cầu giao thông, sau khi hoàn thành 15 công trình cầu, cống của CTCTN, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn hai xã biên giới Thuận Bình và Tân Hiệp thuộc huyện Thạnh Hóa (Long An) được cải thiện đáng kể. Các cây cầu đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân trong khu vực, góp phần rất lớn phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương. Nhờ tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển nên giá các loại nông sản, như: Lúa, chanh, ổi, khóm (dứa) tăng thêm từ 500 đến 1.000 đồng/kg.

CTCNT được phát động từ tháng 10-2016, nhằm vận động các doanh nghiệp chung tay với địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các xã khu vực biên giới. Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cơ quan chủ quản của Tạp chí Nông thôn Việt nhấn mạnh: "Chương trình mong muốn góp phần cải thiện đời sống của người dân, giải quyết nhu cầu mở rộng vùng sản xuất, kết nối giữa khu vực dân cư và khu vực sản xuất, bảo đảm phục vụ việc đi lại, giao thương, vận chuyển vật tư và sản phẩm của người dân. Tuy vậy, sự đóng góp của doanh nghiệp là có hạn, chương trình chỉ như một lực đẩy, trợ sức cho các xã biên giới có điều kiện để hăng hái thi đua xây dựng NTM. Chương trình sẽ tiếp tục đến những vùng biên giới khó khăn để góp sức nâng cao điều kiện, đời sống của người dân".

Đến nay, CTCNT đã vận động được 12 doanh nghiệp tham gia với 84 công trình (80 cầu và 4 cống) cam kết tài trợ, tổng vốn đầu tư hơn 81 tỷ đồng. Trong đó, 58 công trình cầu và cống đã hoàn thiện đưa vào sử dụng trên địa bàn hai tỉnh Long An và Đồng Tháp. Giữa tháng 4-2018, Ban tổ chức CTCNT đã hoàn thành việc khảo sát 12 điểm cầu và sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới tại huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp).

Người dân huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) phấn khởi đi qua cầu Nam Hang vừa hoàn thành.

Nỗ lực khép kín giao thông vùng biên giới

Là người theo dõi từng bước đi của CTCNT, theo nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Việc đưa vào sử dụng các công trình cầu, cống nông thôn rất có ý nghĩa, góp phần tạo nền tảng vững chắc về cơ sở hạ tầng cho bộ mặt nông thôn của địa bàn vùng biên giới. Đây cũng là động lực để các địa phương có thêm điều kiện thuận lợi củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển KT-XH. Các địa phương phải quyết tâm nhiều hơn, huy động đa dạng nguồn lực để khép kín giao thông trên tuyến biên giới. Chính quyền và người dân phải luôn đồng lòng, đồng sức để hoàn thành các tiêu chí NTM và sử dụng hiệu quả các thành tựu đạt được. Đạt chuẩn NTM chỉ là mục tiêu trước mắt, về lâu dài của địa phương là phải giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, không ngừng cải thiện đời sống người dân.

Trở lại địa phương đầu tiên được thụ hưởng cây cầu đầu tiên của CTCNT-xã Mỹ Thạnh Đông (Đức Huệ, Long An). Đây là xã vùng sâu nằm sát biên giới với nước bạn Campuchia. Các công trình của CTCNT không chỉ giúp địa phương giải bài toán tiêu chí về giao thông trong xây dựng NTM, mà còn là điểm nhấn trên vùng quê nghèo khó. Từ đó, tạo động lực cho chính quyền địa phương, nhân dân thi đua lao động sản xuất. Trung tá Phạm Hồng Vân, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Vĩnh Hưng (Long An) nhận định: Trên tuyến biên giới khi giao thông khép kín sẽ tạo điều kiện quan trọng củng cố khu vực phòng thủ, xây dựng các phương án sẵn sàng chiến đấu...

Tuy nhiên, do đặc thù về địa lý, hiện nay, nhu cầu xây dựng cầu nông thôn tại nhiều địa phương khu vực biên giới rất lớn. Tiêu chí về giao thông đang gặp khó khăn với nhiều cầu và đường giao thông liên ấp, liên xã chằng chịt chưa có kinh phí thực hiện. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần: Giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đề ra mục tiêu có 83 xã đạt chuẩn NTM. Hiện hiệu quả khai thác sử dụng các tuyến đường trong tỉnh chưa cao do cầu và đường thiếu đồng bộ. Tỉnh đã có chính sách huy động nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm đối với chương trình xây dựng NTM, nhưng khi triển khai lại gặp không ít khó khăn. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đặt ra, đòi hỏi từng địa phương phải huy động được sức mạnh của toàn dân. Thực tế cho thấy, để KT-XH của từng địa phương phát triển, vấn đề quan trọng là phải không ngừng nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG - NGỌC PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn//xa-hoi/cac-van-de/nhung-nhip-cau-gop-phan-thay-doi-vung-bien-538323