Nhùng nhằng giải pháp 'cứu' trạm BOT T2

Người dân cho rằng việc đặt trạm BOT T2 trên Quốc lộ 91 (TP Cần Thơ) là thiếu công bằng và thiếu minh bạch, bởi sự tính toán 'nắm đằng chuôi' của chủ đầu tư. Cho dù hiện nay Bộ GTVT quyết định tạm dừng thu phí để thống kê xe qua trạm nhằm thực hiện chính sách miễn giảm nhưng 'lòng dân' vẫn không yên.

Trạm thu phí BOT T2 Quốc lộ 91 đang phải dừng thu phí vì bị tài xế phản ứng. Ảnh: Phạm Thanh

Trạm thu phí BOT T2 Quốc lộ 91 đang phải dừng thu phí vì bị tài xế phản ứng. Ảnh: Phạm Thanh

Bất ổn rình rập

Thời gian qua, một số trạm BOT đang trở thành điểm nóng về mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông như: Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, trạm BOT Ninh Lộc, trạm BOT Quốc lộ 5, trạm BOT Quốc lộ 18, trạm BOT Cai Lậy, trạm BOT T2 Quốc lộ 91… Trong khi đó, một số trạm BOT thu vượt số tiền đầu tư và lợi nhuận, phải dừng thu khẩn cấp như: Trạm BOT Tào Xuyên (sau di dời ra Dốc Xây, Thanh Hóa), trạm BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm BOT hầm Đèo Ngang…

Mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc tài xế phản đối trạm BOT T2 Quốc lộ 91. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trước đây chưa có cầu Vàm Cống, dự án này hoạt động ổn định. Tuy nhiên, khi cầu Vàm Cống đi vào hoạt động, còn tuyến tránh TP Long Xuyên (An Giang) chưa thi công, nên có một số tài xế phản đối vì họ qua lại An Giang - cầu Vàm Cống chỉ sử dụng khoảng 1,3km BOT Quốc lộ 91 phía Cần Thơ vẫn phải trả phí qua trạm BOT T2.

Nhiều chuyên gia chỉ ra, việc tạm dừng thu phí trạm BOT T2 từ ngày 25/5 vừa qua với lý do để thống kê xe qua trạm nhằm thực hiện chính sách miễn giảm sẽ chỉ tạm thời làm giảm “sức nóng”. Tuy nhiên, với trạm BOT T2, người dân rất “tâm tư”, bởi phần gốc của vấn đề vẫn là tính minh bạch và lẽ công bằng.

Về phía tỉnh An Giang, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Việt Trí nêu rõ, hiện nay kinh tế An Giang vẫn còn khó khăn. Thế nhưng với trạm BOT T2, liên tục có những phản ứng của lái xe, mà những xe này thuộc trong Hiệp hội, xe của các công ty và cả xe của tư nhân. Vì vậy, theo ông Trí, những giải pháp để xử lý, tạo một đồng thuận thì cần phải được xem xét lại một cách thấu đáo.

“Chúng tôi đề xuất một giải pháp đơn giản là: Những xe từ kiên Giang, xe từ cầu Vàm Cống rẽ xuống để về An Giang sẽ phát một cái thẻ, khi tới trạm T2 thì họ sẽ trả thẻ và mua vé 2.000 đồng, tương đương với 300m đường. Đối với xe đi hướng đi cầu Vàm Cống hoặc đi về Cần Thơ, thì có 2 phương án: Bán vé 2.000 đồng, nếu họ đi Kiên Giang, Cầu Vàm Cống thì đi tự do. Còn xe đi về Cần Thơ, khi xuống tới trạm T1 thì họ mua tiếp một vé 33.000 đồng vậy là đủ 35.000 đồng, đó là phương án một”, Giám đốc Sở GTVT An Giang nói.

Xin nhắc lại cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn thuộc địa phận TP Cần Thơ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT. Đầu năm 2016, dự án hoàn thành và trạm BOT T1 được đặt tại Km 16+905 QL91 để hoàn vốn. Cùng với đó, năm 2015, cũng liên doanh này tiến hành khởi công dự án tăng cường 15km mặt đường Quốc lộ 91B theo hình thức BOT. Cuối năm 2016, khi dự án này hoàn tất, Bộ GTVT có quyết định lập trạm BOT T2 thuộc khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt.

Tổng mức đầu tư hai dự án nâng cấp Quốc lộ 91 và Quốc lộ 91B nói trên là trên 1.700 tỷ đồng. Mức phí ở 2 trạm này thấp nhất 35.000 đồng/lượt xe, cao nhất 200.000 đồng/lượt xe. Từ khi đi vào khai thác, trước sự bất hợp lý của trạm BOT T2, đầu tháng 12/2017, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá để có đề án đặt trạm BOT T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. Tuy nhiên, đến nay, cầu Vàm Cống đã khánh thành, nhưng trạm BOT T2 vẫn nằm ở vị trí cũ.

Đâu là giải pháp?

Vị trí đặt trạm BOT T2 gây bức xúc dư luận.

Ông Mai Bá Thiện, Phó Chủ nhiệm HTX vận tải Quang Thanh ở tỉnh An Giang cho rằng: “HTX của tôi có 200 xe tải, tính mức đóng phí như hiện nay thì hàng năm phải chi số tiền rất lớn. Khi cầu Vàm Cống hoàn thành thì có sự bất hợp lý. Từ An Giang đi xuống chỉ sử dụng có 300m thôi mà lại đóng phí. Ví dụ một chiếc xe tải của tôi, mặc dù đã miễn giảm 50% phí nhưng vẫn đóng 70.000 đồng/xe. Vậy một tua chúng tôi phải đóng 140.000 đồng/xe. Một tháng chúng tôi phải mất 1,4 triệu đồng/xe; một năm mất gần 20 triệu đồng/ xe. Nếu nhân cho 200 xe thì số tiền này không phải nhỏ và chúng tôi mất doanh thu. Không chỉ riêng HTX tôi mà cả An Giang có gần 7.000 chiếc, thiệt hại bao nhiêu?”.

Diễn biến mới nhất, Bộ GTVT vừa đưa ra 2 phương án xử lý những bất cập tại dự án trạm BOT T2. Theo đó, phương án 1 là mở rộng diện miễn giảm giá vé qua trạm BOT T2 cho phương tiện của người dân khu vực An Giang, Đồng Tháp quanh trạm thu phí, với bán kính 8-10km (như đang áp dụng với phương tiện của người dân Cần Thơ). Phương án này cần phải kiểm đếm lưu lượng xe, sau đó tính toán số phương tiện miễn giảm, mức giảm, phương án tài chính...

Phương án 2 là tính toán có thể di dời trạm BOT T2 lùi về phía cầu Vàm Cống khoảng 500m (xe qua lại đoạn An Giang - cầu Vàm Cống không phải qua trạm BOT T2). Phương án này phải tính toán về chi phí đầu tư di dời trạm, phương án tài chính, mức thu phí có đủ trả tiền vay ngân hàng…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đơn vị sẽ tính toán để lựa chọn phương án nào hợp lý nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Ông Nhật giải thích: “Cụ thể, phương án nào giải quyết được bất cập, nhận được sự đồng tình của người dân, nhưng vẫn đảm bảo để chủ đầu tư thu hồi vốn, trả nợ sẽ được lựa chọn. Vì nếu doanh thu thu phí không đạt để trả nợ có thể đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, khoản vay ngân hàng đầu tư dự án trở thành nợ xấu”.

Ảnh hưởng đến đầu tư kinh tế xã hội của địa phương

“Bất cập tại trạm BOT T2 không chỉ doanh nghiệp chúng tôi thiệt mà thiệt cho đầu tư kinh tế xã hội của tỉnh. An Giang có nhiều khu du lịch tâm linh, hàng năm hàng triệu du khách đến đây, mà An Giang tập trung phát triển kinh tế lấy du lịch là mũi nhọn, những công ty lữ hành ai mà đi cầu Vàm Cống. Anh thu trên xe như này thì người ta kiếm đường khác để đi. Thu như này là kẹt cho phát triển kinh tế của tỉnh. Có cầu miễn thu phí mà tự nhiên qua một đoạn đường này lại phải trả phí thì cực kỳ vô lý”, ông Lê Thành Mẫn, Công ty TNHH Nguyễn Huệ, tỉnh An Giang chia sẻ.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-nhang-giai-phap-cuu-tram-bot-t2-20190603200023104.htm