Những nhân vật tâm huyết 'bước ra' từ cuộc thi học và làm theo lời Bác

Họ là những nhân vật bước ra từ Cuộc thi viết 'Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác năm học 2020 – 2021'.

Thầy Trần Văn Toản hướng dẫn học sinh học tập. Ảnh: NVCC

Thầy Trần Văn Toản hướng dẫn học sinh học tập. Ảnh: NVCC

Cuộc thi do Báo Giáo dục & Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT). Dù là tác giả hay nhân vật trong tác phẩm, họ đều là những nhà giáo luôn hết lòng với học trò, say mê, sáng tạo trong từng bài giảng.

Động lực để đổi mới, sáng tạo trong dạy – học

Cô Bùi Thị Hồng Hạnh bên học trò. Ảnh: NVCC

Cô Bùi Thị Hồng Hạnh – giáo viên Trường THPT Hòa Bình (Chi Lăng, Lạng Sơn) - giải Nhì với tác phẩm “Cô giáo miền xuôi cắm bản gieo chữ miền sơn cước”.

Bất ngờ và hạnh phúc khi là một trong những tác giả đạt giải Nhì từ cuộc thi, cô Hạnh trao đổi, lan tỏa những tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo là việc làm cần thiết, góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến, tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt trong ngành Giáo dục. Những cống hiến của các thầy cô giáo sẽ tạo sự lan tỏa lớn trong ngành và xã hội. Họ sẽ là những người truyền cảm hứng và động lực cho đồng nghiệp, học trò thêm tin yêu vào sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo của nước nhà.

Nhân vật trong tác phẩm của cô Hạnh là nữ nhà giáo miền xuôi đã dành cả tuổi xuân của mình để gắn bó với sự nghiệp giáo dục miền sơn cước. Đó là cô Nguyễn Thị Lệ - đồng nghiệp cùng cơ quan với cô Hạnh. “Cô Lệ là tấm gương sáng, tâm huyết để học sinh và những đồng nghiệp như chúng tôi noi theo” – cô Hạnh bộc bạch, đồng thời cho biết: Trở về sau Cuộc thi, tôi không cảm thấy áp lực, trái lại, đó là động lực để tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hăng say trong dạy - học và học tập làm theo lời Bác.

“Tôi học hỏi được nhiều ở đồng nghiệp, từ tấm gương người thật, việc thật ngay bên cạnh mình. Qua đây, tôi cũng dần hoàn thiện bản thân và thấy mình cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy” – cô Hạnh bày tỏ và tự hứa sẽ trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đủ tự tin, đủ kiến thức và kĩ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ “dạy chữ”, “dạy người” của mình.

Mỗi giờ lên lớp là một giờ vui

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng – giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp (Gia Lâm, Hà Nội) – giải Nhì với tác phẩm “Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai - Một tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng. Ảnh: NVCC

Trong số hơn 8.000 tác phẩm dự thi, tác phẩm của cô Hằng vinh dự được Ban tổ chức ghi nhận và đánh giá cao. Cô khẳng định: Cuộc thi có giá trị nhân văn sâu sắc, giúp các thế hệ cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh trong các nhà trường, tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo lời Bác.

Cô Hằng cho biết: Trường Tiểu học Nông Nghiệp có nhiều thầy, cô giáo tận tụy với công việc, trong đó có cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai. Cô Mai được phân công giảng dạy lớp 1 nhiều năm liền. Ngoài sự sáng tạo, tâm huyết trong dạy – học, cô còn là nhà giáo tài năng, duyên dáng, dịu dàng. “Những cống hiến, tâm huyết, sáng tạo của cô Mai khiến tôi ngưỡng mộ và khâm phục. Điều đó đã thôi thúc tôi viết bài về cô để tham dự Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác năm học 2019 – 2020” – cô Hằng chia sẻ.

Luôn nỗ lực đổi mới trong dạy học, cô Hằng được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp huyện, giáo viên dạy giỏi, danh hiệu “Người tốt, việc tốt” và là Chủ tịch công đoàn tiêu biểu nhiều năm liền. “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học là việc làm cần thiết. Bản thân tôi và các đồng nghiệp trong trường cũng luôn ý thức được điều này. Chúng tôi tâm niệm, giáo viên có tích cực đổi mới, sáng tạo mới có được những tiết học hay, giờ dạy tốt; học sinh mới tích cực, tự giác tham gia các hoạt động. Qua đó, chất lượng giáo dục được nâng cao” – cô Hằng nhìn nhận.

Mỗi giờ lên lớp, cô Hằng thường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động khởi động, các trò chơi, hoặc những động tác thể dục theo nhạc nhẹ nhàng, giúp các em được thư giãn và cảm thấy yêu thích môn học.

Gieo niềm tin vào cuộc sống

Thầy Trần Văn Toản – giáo viên Trường THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên – Huế) - giải Ba với tác phẩm “Chuyện về người thầy… chưa một lần được đến trường”.

Từng đoạt giải Nhất cuộc thi thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác năm 2019”, thầy Toản không dấu nổi niềm vui khi biết mình đoạt giải Ba của cuộc thi năm nay. Với thầy, đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là trách nhiệm của người thầy khi đứng trên bục giảng – sẵn sàng “cháy” hết mình trong từng tiết học, để học trò có những kiến thức bổ ích từ trang sách cũng như trong cuộc sống.

Theo thầy Toản, học tập và làm theo lời Bác từ những việc làm nhỏ, giản dị như đổi mới sáng tạo trong giảng dạy. “Là giáo viên Ngữ văn, mỗi giờ lên lớp, ngoài các ngữ liệu trong sách giáo khoa, tôi luôn “biến” tiết học của mình thành những diễn đàn nhỏ để thầy – trò cùng trao đổi, thảo luận.

Ngoài ra, tôi thường kể cho các em nghe về những việc làm, hành động nhỏ, giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa trong cuộc sống, hoặc kể về những tâm gương có ý chí, nghị lực khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, tiếp thêm sức mạnh cho học trò trong học tập” - thầy Toản bộc bạch, đồng thời chia sẻ: Đây cũng là lý do thầy chọn nhân vật Nguyễn Hồng Cương – một người khuyết tật nhưng đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, sống lạc quan, có ước mơ và hoài bão. Thầy Cương đã trở thành giáo viên của hàng trăm học trò – cho dù chưa một lần thầy đến trường để đứng trên bục giảng.

“Tác phẩm “Chuyện về người thầy … chưa một lần được đến trường” đã đoạt giải Ba từ Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác năm học 2020 – 2021”. Qua đây, tôi muốn gửi tới học sinh nói riêng và các bạn trẻ nói chung về niềm tin cuộc sống, về những điều tốt đẹp ở phía trước nếu như mình biết cố gắng, nỗ lực phấn đấu vươn lên” – thầy Toản tâm sự.

Ươm mầm tri thức cho vùng khó

Cô Đào Thị Phượng – giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Nậm Ngà (Mường Tè, Lai Châu) - giải Khuyến khích với tác phẩm “Người gieo hạt”.

Cô Đào Thị Phượng. Ảnh: NVCC

Nhân vật trong tác phẩm của cô Phượng là một đồng nghiệp cùng trường - thầy Bùi Văn Dử. Thầy là giáo viên trẻ, năng động, luôn hết lòng vì học sinh. Thầy Dử có 10 năm gắn bó với giáo dục vùng cao.

“Năm 2016, khi tôi vào công tác tại Nậm Ngà, lúc đó đường sá đi lại rất khó khăn, không có sóng điện thoại, lớp học 100% là các phòng tạm bợ. Khi biết đến hành trình “gieo chữ” của thầy Dử, tôi rất ấn tượng và trân trọng. Gần 10 năm gắn bó với rẻo cao Tây Bắc, cũng là chừng ấy thời gian thầy “cõng chữ lên non”. Thầy đã cùng bà con dân bản, đồng nghiệp và học trò của mình vượt qua mọi khó khăn, vất vả để đem ánh sáng tri thức về với bản làng Nậm Ngà”- cô Phượng cho hay.

Sau khi đoạt giải, có rất nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp và các em học sinh đã gửi lời chúc mừng đến cô Phượng. Đây là động lực to lớn để cô tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong dạy - học và học tập làm theo lời Bác. “Trong thời gian tới, tôi sẽ không ngừng cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để góp một phần nhỏ bé của mình cho rẻo cao Tây Bắc” – cô Phượng nói.

Truyền cảm hứng học tập cho học sinh

Thầy Nguyễn Hồng Cương nhân vật trong tác phẩm “Chuyện về người thầy… chưa một lần được đến trường” của tác giả Trần Văn Toản.

Thầy Nguyễn Hồng Cương. Ảnh: NVCC

“Tôi rất vui khi là nhân vật trong bài viết của thầy Toản. Càng vinh dự và tự hào hơn khi tác phẩm đã đạt giải cao của cuộc thi. Đây là nguồn động viên và là động lực rất lớn để tôi tiếp tục phấn đấu trong công việc cũng như giảng dạy. Với tôi, việc học tập, trau dồi, thay đổi bản thân và bổ sung cho mình những kiến thức mới mỗi ngày vô cùng quan trọng. Chính bài viết của thầy Toản là chất xúc tác mạnh mẽ để tôi cố gắng và tự tin hơn” – thầy Cương trải lòng.

Tâm niệm “Muốn học tốt kiến thức, đầu tiên phải học cách làm người”, vì thế với tất cả học sinh, ngoài kiến thức trên lớp, thầy Cương luôn hướng các em đến những điều tốt đẹp. Thầy thường kể những câu chuyện của chính mình để truyền cảm hứng học tập cho học trò; từ đó giúp các em có động lực vươn lên trong học tập, trở thành người tử tế. “Tôi tin, nếu mình quan tâm chăm sóc các em hết lòng, thì sau này các em cũng sẽ ứng xử với những người xung quanh như thế” – thầy Cương bộc bạch.

Học tập và làm theo lời Bác từ những việc nhỏ

Cô Nguyễn Thị Lệ - nhân vật trong tác phẩm “Cô giáo miền xuôi cắm bản gieo chữ miền sơn cước” của cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh.

Cô Nguyễn Thị Lệ (bên phải) cùng cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh – người viết bài về mình. Ảnh: NVCC

Khi được biết mình là nhân vật trong tác phẩm đạt giải cao của Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết sáng tạo học và làm theo lời Bác lần thứ IV”, cô Lệ rất bất ngờ và hãnh diện. Đây là cuộc thi lớn, có sức lan tỏa trong các nhà trường và nhân lên những tấm gương tâm huyết, sáng tạo vì học sinh thân yêu. “Cuộc thi đã tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo nói chung và cá nhân tôi nói riêng, nguyện đem công sức, trí tuệ của mình để đóng góp cho sự nghiệp trồng người” – cô Lệ chia sẻ.

Là giáo viên của bộ môn không nằm trong các môn thi tốt nghiệp THPT, đôi khi học sinh còn chưa tích cực trong giờ học. Chính vì vậy, để thu hút học sinh, cô Lệ luôn đổi mới, sử dụng phương pháp dạy học tích như: mô hình lớp học đảo ngược, ứng dụng công nghệ thông tin, mô hình động trong giảng dạy. Qua đó, học sinh được quan sát trực quan, tích cực và hứng thú hơn trong các giờ học của mình.

Theo cô Lệ, học tập và làm theo lời Bác không phải là từ những việc làm to lớn, cao siêu, mà từ những việc làm nhỏ, giản dị tùy theo sức của mình. Chính vì thế, trong quá trình giảng dạy, cô Lệ luôn lấy những tấm gương người tốt, việc tốt ngay tại trường mình công tác để giáo dục nhân cách cho học trò. Cô dạy học trò làm người, dạy các em những kỹ năng mềm để làm hành trang bước vào cuộc sống.

“Tôi thường giáo dục các em: Hãy luôn học tập không ngừng, vì “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”. Những người không cố gắng tu dưỡng, rèn luyện bản thân sẽ ngày càng tụt hậu. Hãy luôn nỗ lực, rèn luyện, xứng đáng là thế hệ viết tiếp truyền thống vẻ vang trên quê hương Chi Lăng anh hùng” – cô Lệ nhắn gửi.

“Qua tác phẩm của mình, tôi muốn gửi tới những đồng nghiệp đang dạy học trên mọi miền của Tổ quốc, đặc biệt là giáo viên “cắm bản”: Hãy mạnh mẽ, vượt qua khó khăn; mong các thầy, cô giáo “chân cứng đá mềm” để tiếp tục ươm mầm xanh tri thức cho vùng đất khó” - cô Đào Thị Phượng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhan-len-nhung-tam-guong-tu-cuoc-thi-nhieu-y-nghia-5c8PWG3Gg.html