Những nhân vật phái đẹp khiến khán giả rùng mình

Annie Wilkes, Lisbeth Salander hay Villanelle là những nhân vật phái đẹp từng khiến khán giả cảm thấy ám ảnh bởi những hành vi vượt ngoài tầm kiểm soát của họ.

Trong rất nhiều bộ phim, những nhân vật lệch lạc về tâm lý - chủ yếu gây ra bởi tổn thương họ từng gánh chịu trong quá khứ - thường được biết đến qua hành xử điên loạn và khó đoán. Họ chính là những kẻ phản diện lì lợm, và nguy hiểm mà nhân vật chính phải đối diện.

Đa phần, những kẻ thủ ác dạng này đều là nam giới. Tuy nhiên, khi ván cờ thay đổi, và những kẻ tâm thần trên màn ảnh là nữ giới, câu chuyện còn trở nên rùng rợn (và thú vị) hơn nhiều lần.

Sự nguy hiểm ẩn giấu đằng sau vẻ quyến rũ, hành động tàn bạo nào có thể gây ra bởi những bàn tay "liễu yếu đào tơ", và trên hết, con mồi của họ đa phần đều là nam giới... Do đó, dù khiến khán giả rùng mình, nhóm ác nữ trên màn ảnh cũng khiến họ phần nào cảm thấy tò mò, thích thú.

Annie Wilkes trong Misery (1990)

Nhân vật do nữ diễn viên Kathy Bates thủ vai trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King là một nữ y tá sống ẩn dật tại vùng núi xa xôi hẻo lánh. Wilkes đã giải cứu một người đàn ông gặp tai nạn xe hơi và bị gãy cả hai chân, rồi đưa về nhà riêng để chăm sóc.

Khi nhận ra người đàn ông là nhà văn Paul Sheldon (James Caan), Wilkes lập tức bày tỏ sự hâm mộ tột bậc của mình dành cho tác giả, cũng như nhân vật Misery trong tác phẩm của ông.

 Annie Wilkes là một phụ nữ với vẻ ngoài hồn hậu, mê đắm những câu chuyện tình do Paul Sheldon sáng tác.

Annie Wilkes là một phụ nữ với vẻ ngoài hồn hậu, mê đắm những câu chuyện tình do Paul Sheldon sáng tác.

Tuy nhiên, khi phát hiện ra Sheldon đã giết nhân vật này ở cuối cuốn tiểu thuyết mới nhất, Annie Wilkes phát điên và đưa ra điều kiện: hoặc nhà văn hồi sinh Misery, hoặc bà ta sẽ không gọi điện cho bệnh viện hay nói với bất kỳ ai về sự xuất hiện của Sheldon trong căn nhà.

Để ép buộc nhà văn sáng tác theo ý mình, Annie Wilkes đã thiêu hủy bản gốc cuốn tiểu thuyết mà Paul Sheldon tràn trề hy vọng sẽ giúp mình quay trở lại văn đàn. Không chỉ thế, bà ta còn đã tra tấn Sheldon một cách dã man, đỉnh điểm là hành động đập vỡ mắt cá chân nhà văn khi ông tìm cách bỏ trốn.

Về phần Sheldon, ông cũng phát hiện ra cuốn sổ mà Wilkes dùng để ghi lại chiến tích giết người từ ngày còn là một đứa trẻ. Nạn nhân của Wilkes gồm gia đình hàng xóm, cha ả, bạn cùng phòng thời đại học, một gã lang thang…

Annie Wilkes dùng búa đập vỡ mắt cá chân Paul Sheldon là cảnh nổi tiếng nhất phim.

Khi còn hành nghề y tá, Annie Wilkes còn sát hại vô số bệnh nhân do mình chăm sóc, bao gồm cả 11 đứa trẻ sơ sinh. Ở cuối cuốn sổ, Paul tìm thấy bài báo viết về vụ mất tích của mình - bằng chứng cho thấy ông sẽ là nạn nhân tiếp theo của nữ sát nhân tâm thần.

Nói về Annie Wilkes, cha đẻ của nhân vật - Stephen King - mô tả ả là một phụ nữ ác độc, bạo lực và gian trá ẩn sau vỏ bọc hồn hậu, hiếu khách. Cả phiên bản điện ảnh và tiểu thuyết đều mô tả nhân vật bằng chuỗi hành động điên loạn khó kiểm soát, mang triệu chứng của căn bệnh rối loạn lưỡng cực. Wilkes cũng bị ám ảnh điên cuồng với các tiểu thuyết lãng mạn, đặc biệt là bộ tiểu thuyết về nhân vật Misery của Sheldon.

Villanelle trong Killing Eve (2018 - )

Nữ sát thủ tâm thần thú vị trên màn ảnh nhỏ do nữ diễn viên Jodie Comer thể hiện. Nàng làm việc cho tổ chức tội phạm The Twelve, và là kẻ thù của nữ nhân viên tình báo Eve Polastri (Sandra Oh).

Bộ dạng của Villanelle đôi lúc khiến khán giả cảm thấy ả là phụ nữ dẫn đầu, thành đạt, phóng khoáng và mạnh mẽ, thay vì một kẻ rối loạn tâm thần chống xã hội.

Villanelle được mô tả là một kẻ giết thuê ngọt ngào. Sự quyến rũ cũng tỷ lệ thuận với nhân cách điên loạn của nữ sát thủ. Ả tận hưởng niềm vui từ sự đau đớn của kẻ khác, và không bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn đạo đức nào. Ả có thể xuống tay giết người mà không mảy may ân hận hay cảm thấy ăn năn tội lỗi. Nữ sát thủ chính là một tâm hồn đã bị tha hóa tới tận cùng.

Thú tiêu khiển ưa thích của Villanelle là chơi trò mèo vờn chuột với các nạn nhân. Cách thức của ả là hành hạ khiến nạn nhân tuyệt vọng, lạc lối, mất hết ý chí tới độ sẵn sàng trao mạng sống cho “nữ ân nhân”. Khi đã nắm trong tay sự tin tưởng tuyệt đối của con mồi, Villanelle nhanh chóng kết liễu họ, với sự hân hoan của kẻ chiến thắng.

Villanelle thích "sở hữu" nạn nhân của mình, từ tâm hồn tới thể xác, trước khi kết liễu họ.

Nếu Killing Eve được coi là bộ phim hoàn hảo cho thời đại #MeToo, thì nữ sát thủ Villanelle chính là sự thỏa mãn khao khát được thấy những kẻ đạo đức giả trên phim phải trả giá. Nữ nhân vật phá bỏ các khuôn mẫu về tính nữ trên màn ảnh để tạo ra hình ảnh một sát thủ máu lạnh, khiến khán giả vừa thích thú, vừa sởn da gà.

Trong trường hợp của Villanelle, bạo lực và điên cuồng không phải sự phản kháng trong đau đớn hậu chấn thương tâm lý thường thấy (như nhân vật của Jennifer Garner trong Peppermint hay Jodie Foster trong The Brave One). Thay vào đó, nó là cuộc đời mà nhân vật này lựa chọn và cảm thấy hài lòng. Sự thỏa mãn ấy biến Villanelle trở thành một “vẻ đẹp chết chóc” trên màn ảnh.

Lisbeth Salander trong The Girl with the Dragon Tattoo (2009, 2011)

Lisbeth Salander là một nữ tin tặc song tính với mái tóc đen, khuôn mặt u ám nhợt nhạt, xỏ khuyên và xăm mình. Không chỉ là tin tặc siêu phàm, nữ quái còn rất giỏi trong việc che giấu danh tính. Salander đã giúp tay phóng viên điều tra Mikael Blomkvist lật mặt tập đoàn kinh tế từng khiến tòa soạn báo của anh lao đao.

Từ tấm bé, Lisbeth đã là nạn nhân của bạo lực giới, bạo lực gia đình, và xâm hại tình dục.

Từ thơ ấu, Lisbeth Salander đã chịu chấn thương tâm lý nặng nề vì bạo lực. Cô từng suýt thiêu sống cha sau khi chứng kiến cảnh mẹ mình bị ông ta đánh đập tàn nhẫn. Lisbeth bị tòa kết tội gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh khi mới 13 tuổi.

Thời niên thiếu, Lisbeth tiếp tục chịu sự bạo hành cả về thể xác lẫn tình thần gây ra bởi người giám hộ. Hắn kiểm soát tài chính của Lisbeth Salander, cưỡng bức và ép buộc cô phải nghe lời mình. Trong The Girl with the Dragon Tattoo, Lisbeth đã có một màn trả thù tàn bạo gã giám hộ bệnh hoạn trước khi giành lại tự do cho bản thân.

Quá khứ bị bạo hành khiến Lisbeth Salander thù ghét những gã đàn ông bạo hành phụ nữ, cũng như cảm thấy thỏa mãn khi vạch trần tội lỗi và tra tấn họ. Đám đàn ông bạo lực ám ảnh cuộc đời Lisbeth, khiến cô trượt dài trong cô độc và chỉ tìm thấy sự thoải mái bên những phụ nữ khác, nhưng những mối quan hệ ấy đều chẳng bền lâu.

Không chỉ là cộng sự, giữa Lisbeth Salander và Mikael Blomkvist còn phát triển mối quan hệ tình cảm phức tạp.

Cha đẻ của tác phẩm - cố nhà văn Stieg Larsson - nhấn mạnh việc Lisbeth có thể được nhìn nhận như một dạng rối loạn nhân cách chống đối xã hội hiếm gặp. Tuy nhiên, dù hành xử bạo lực, bất tuân các luật lệ xã hội, cô vẫn phân biệt rõ ràng giữa đúng và sai, cũng như biết cách trân trọng và gắn bó về mặt cảm xúc với người khác.

Điều này giúp Lisbeth Salander trở nên khác biệt với Anny Wilkes hay Villanelle. Thay vì một ác nữ máu lạnh, cô là kiểu nhân vật nữ phản anh hùng với nội tâm phức tạp.

Amy Elliott-Dunne trong Gone Girl (2014)

Không ai ngoài nhóm người tình của Amy Elliott-Dunne (Rosamund Pike) thấm thía hơn sự thật cô gái tóc vàng xinh đẹp mà họ đang hẹn hò là một phụ nữ xảo quyệt, không từ thủ đoạn để hủy hoại những người đàn ông muốn rời bỏ mình.

Tất cả đàn ông rời bỏ Amy Elliott-Dunne đều trở thành nạn nhân của người phụ nữ nguy hiểm.

Mọi người chỉ biết về Amy thông qua hình ảnh nhân vật “Amy tuyệt vời” được bố mẹ cô xây dựng trong chuỗi tiểu thuyết lấy cảm hứng từ con gái. Amy không có tính cách thực sự. Cô chỉ bắt chước thái độ và cư xử của những cô gái khác, tùy thuộc vào việc người đàn ông cô đang theo đuổi thích mẫu phụ nữ như thế nào.

Cuộc hôn nhân tưởng chừng hoàn hảo của Amy Elliott-Dunne với Nick Dunne (Ben Affleck) cũng là một phần trong kế hoạch của cô để trở nên “vừa vặn” với cái kết hoàn hảo của Amazing Amy.

Bản chất của Amy là ích kỷ và xảo trá. Khi phát hiện ra Nick phản bội mình, Amy dày công lên kế hoạch cho một vụ trả thù mà cao trào là cái chết của cô và gán ô danh giết vợ cho Nick. Chính việc Nick Dunne không thể bị kết án sẽ càng khiến công chúng khinh ghét và ruồng rẫy anh. Đó là hình phạt đáng sợ hơn bất cứ bản án nào.

Tuy thông minh và xảo quyệt, nhưng chính Amy cũng bị mắc kẹt trong mối quan hệ với Nick mà không thể thoát ra.

Tuy nhiên, bất ngờ mà Amy mang đến cho người chồng khốn khổ (và cả khán giả) chỉ đến khi cô đột ngột quay trở về với Nick. Sau khi thấy Nick xuất hiện trên truyền hình và thừa nhận vụ ngoại tình, Amy cảm thấy mình yêu Nick trở lại. Để rộng đường về với chồng, nữ nhân vật đã sát hại người bạn trai cũ cưu mang mình suốt thời gian vừa qua.

Amy đủ thông minh để hiểu tình thế lưỡng nan mà Nick lâm vào. Nick không giết Amy, nhưng ai sẽ tin khi anh nói mình chưa từng có ý định ấy? Vì thế, Nick buộc phải gắn bó với người vợ ác quỷ Amy, dù cho cuộc sống chung giữa hai người có là địa ngục trần gian.

Asami Yamazaki trong Audition (1999)

Trong bộ phim kinh dị được Takashi Miike chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Ryu Murakami, Asami Yamazaki (Eihi Shiina) gây ấn tượng là một phụ nữ xinh đẹp với nội tâm sâu sắc. Yuy nhiên, sau tất cả, đây là một ác nữ với nỗi ám ảnh điên cuồng về sự sở hữu.

Asami là hiện thân cùng lúc của cả vẻ đẹp bí ẩn lẫn sự nguy hiểm chết người.

Phương thức hành động của Asami là gặp gỡ, quyến rũ, buộc người đàn ông thề nguyện chỉ yêu duy nhất cô ta, rồi sau đó tra tấn và sát hại họ vì tội bỏ rơi mình.

Bản danh sách nạn nhân của Asami kéo dài từ nhà sản xuất âm nhạc cô từng cộng tác, chủ quán rượu nơi Asami từng làm việc, cho tới Shigeharu Aoyama (Ryo Ishibashi) - người đàn ông góa vợ được cậu con trai tuổi thiếu niên khuyến khích đi bước nữa.

Sau khi đã chiếm được cảm tình của Aoyama, và có được từ người đàn ông lời thề trọn đời yêu thương, Asami biến mất. Sự kiện kéo Aoyama vào cuộc truy tìm tung tích cô vợ tương lai bí ẩn với những vết sẹo bỏng trên người.

Ám ảnh điên cuồng về sự sở hữu khiến Asami lần lượt ra tay sát hại những người đàn ông đến bên mình.

Càng tìm kiếm, Aoyama càng phát hiện ra quá khứ chết chóc của Asami. Những người đàn ông từng tiếp xúc với cô, không mất tích thì cũng đã vong mạng. Người đàn ông không ngờ ác nữ đã giăng sẵn một cái bẫy chờ mình sa vào. Asami tấn công và tra tấn Aoyama vì người đàn ông đã phản bội lời thề khi vẫn còn nhớ nhung vợ cũ và yêu thương con trai.

Ban đầu, động cơ của Asami cũng giống như Amy của Gone Girl: trừng trị những gã đàn ông đã phản bội hay bỏ rơi mình. Tuy nhiên, với ác nữ này, trả thủ xét cho cùng chỉ là cái cớ lấp liếm cho thú vui săn mồi của kẻ giết người khát máu.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nhan-vat-phai-dep-khien-khan-gia-rung-minh-post1081774.html