Những nhạc công nhí trên đảo Song Tử Tây

Người ta bảo, ở Trường Sa giữa bạt ngàn biển xanh, sóng trắng chỉ gọi tên nhau thôi mà cũng bị tiếng gió át đi rồi. Và cũng ở trên quần đảo tưởng như xa xôi mà lại gần gũi ấy luôn có những thanh âm kỳ lạ, vi vu hơn cả tiếng gió, réo rắt hơn tiếng sóng và không thể nhầm lẫn vào đâu được… Ấy là tiếng sáo trúc của lũ trẻ trên đảo Song Tử Tây.

Các thành viên CLB Sáo trúc trên đảo Song Tử Tây - Trường Sa.

Các thành viên CLB Sáo trúc trên đảo Song Tử Tây - Trường Sa.

Nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa với diện tích vỏn vẹn chỉ hơn 10 ha, xã đảo Song Tử Tây thuộc huyện Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa được coi là một khu rừng thu nhỏ, với đủ những loại cây đặc trưng như: Phong ba, bão táp, keo lá tràm, nhầu, phi lao, bàng vuông, tra biển…

Một góc đảo Song Tử Tây lung linh trong nắng

Nhưng thú vị hơn cả là ở Song Tử Tây có một CLB Sáo trúc luôn ríu rít tiếng nói cười của những công dân nhí trên đảo. Trong số gần chục nhạc công đang cầm trên tay sáo trúc, thi nhau chạy lon ton ấy thì bạn nhỏ nhất cũng chưa đầy 5 tuổi, anh cả của dàn nhạc cũng vừa mới lên 10.

CLB Sáo trúc của các em học sinh trên đảo Song Tử Tây

Phụ trách lớp học đặc biệt này là thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1993) quê ở Khánh Sơn, Khánh Hòa. Đã qua những ngày đầu say sóng say gió, giờ đây thầy giáo 9x đã quen với nếp sống nhà binh, tác phong người lính.

Những lúc rảnh rỗi, anh thích nhất là bày trò chơi cho học trò, dạy chúng tập viết trên nền cát, tập đếm bằng vỏ sò. Không chỉ có thế, anh cũng là người thầy dạy cho các em môn võ cổ truyền và thể hiện những bài ca về biển đảo bằng cây sáo trúc. Thầy Ngọc chia sẻ : “Ở đây, xa cách với công nghệ, đôi khi lại hay. Các cháu rất tập trung vào học tập, vui chơi lành mạnh”.

Được thành lập từ 3/3/2019, trong suốt hơn một năm qua cứ đều đặn sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, với cây sáo trúc cả thầy và trò của CLB lại ngân nga những giai điệu quê hương trên vùng biển thuộc chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Cũng chính vì thế mà hình ảnh những nhạc công nhỏ tuổi chăm chú đưa bàn tay búp măng, rê rê theo từng lỗ trên thân sáo từ lâu đã trở nên quen thuộc với quân và dân trên đảo. Cũng phùng má, cũng nín thở để lấy hơi như người lớn, thế nhưng thi thoảng lại có một cô cậu nào đó, tinh nghịch thổi toáng lên khiến lũ chim ngơ ngác giật mình. Khi ấy niềm vui của con trẻ cũng khiến người lớn phải tít mắt cùng cười.

Nơi tập luyện của thầy và trò trên đảo khi thì ở trước cửa chùa Song Tử Tây, lúc lại bên bờ kè chắn sóng…

Lớp học này còn đặc biệt ở chỗ chưa một thành viên nào chịu vắng mặt bao giờ! Đây như là một buổi sinh hoạt ngoại khóa và sâu xa hơn là cách mà người thầy giáo trẻ muốn dạy cho các thế hệ tương lai của Song Tử Tây về tinh thần dân tộc, ý thức gìn giữ quê hương của cha ông bằng âm nhạc. Nơi tập luyện của thầy và trò trên đảo khi thì ở trước cửa chùa Song Tử Tây, lúc lại bên bờ kè chắn sóng… Nhiều hôm, các cháu còn đi theo bộ đội tới tập thổi sáo tại chân cột mốc chủ quyền.

Anh Ngọc cười: “Một nửa các cháu đã thổi được nhiều ca khúc nhạc thiếu nhi, nào là: Chiến sĩ tí hon, Sắp đến Tết rồi, Đàn gà con… Số còn lại thì học được cách cảm âm và thuộc lời những bài hát. Những dịp có liên hoan văn nghệ dàn nhạc mini ấy cũng “ra trò” lắm”!

Giữa biển đảo bao la, hình ảnh những em nhỏ ríu rít lên lớp và tập luyện khiến nhiều đoàn khách thăm đảo vô cùng xúc động. Tiếng sáo của lũ trẻ đôi khi còn chưa rõ cả âm điệu thế nhưng lại vang vọng lạ lùng! Nó lan xa đuổi theo từng cánh chim hải âu đang bay lượn trên mặt nước xanh biếc. Réo rắt theo tiếng gió thổi phần phật trên lá cờ đỏ sao vàng của những con tàu. Và trong lòng của quân dân trên đảo, đó còn là thanh âm của niềm tự hào dân tộc được cất lên bởi những thế hệ tương lai của Song Tử Tây giữa biển khơi sóng gió muôn trùng.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/nhung-nhac-cong-nhi-tren-dao-song-tu-tay-4071131-c.html