Những nhà văn nghệ sĩ nổi tiếng tuổi Tuất

Nhiều người cho rằng, người tuổi Tuất thường có những 'màu sắc' tính cách đầy ưu điểm của loài vật này: thông minh, tình cảm và trung thành. Nhưng có vẻ như, những ghi nhận từ những gương mặt văn nghệ sĩ tuổi Tuất tài danh trong thế kỷ XX còn có thêm nhận định, họ là những người rất đỗi tài hoa!

Người ta cho rằng, người sinh năm Tuất là những người chính trực, thành thực, thẳng thắn. Người tuổi Tuất cũng giàu lòng nhân ái, trượng nghĩa khí, sống chân thành và thích bênh vực kẻ yếu. Ngoài ra, trong 12 con giáp, con chó chính là người bạn gần gũi nhất của con người, vì thế cũng nhiều người cho rằng, người tuổi Tuất thường có những "màu sắc" tính cách đầy ưu điểm của loài vật này: thông minh, tình cảm và trung thành. Nhưng có vẻ như, những ghi nhận từ những gương mặt văn nghệ sĩ tuổi Tuất tài danh trong thế kỷ XX còn có thêm nhận định, họ là những người rất đỗi tài hoa!

Nhân dịp đầu Xuân Bính Tuất, chúng ta cùng chiêm nghiệm lại điều này qua những gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng tiêu biểu trong kỷ XX.

Nhà văn Nguyễn Tuân (sinh năm Canh Tuất - 1910)

Nguyễn Tuân là một "cây đại thụ" của nền văn học Việt Nam trong thế kỷ XX. Các tác phẩm của ông dù ra đời từ trước hay sau Cách mạng tháng Tám như "Vang bóng một thời", "Chiếc Lư đồng mắt cua", "Chùa Đàn", "Sông Đà", "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi"... vẫn luôn là những tác phẩm văn học mẫu mực, được nhiều thế hệ độc giả yêu thích, tìm đọc.

Nhà văn Nguyễn Tuân tự nhận là mình theo "chủ nghĩa xê dịch", đã một mình đi bôn ba khám phá khắp xứ Đông Dương. Một số bạn văn cùng thời nhận xét ông là người rất... khái tính trong văn chương cũng như trong cuộc sống đời thường. Ông là nhà văn yêu tha thiết tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách điêu luyện, tài tình, chuẩn mực - đặc biệt là trong các tác phẩm truyện ngắn và ký. Mỗi trang văn của Nguyễn Tuân như đều chứa đựng sự tài hoa, uyên bác.

Theo giai thoại, khi gửi bản thảo đến NXB hay các tờ báo, ông đều ghi rõ bên lề: "Đề nghị không biên tập!". Chắc hẳn biên tập viên nào nhận được bản thảo của ông đều phải cân nhắc mỗi khi thay đổi một dấu chấm, dấu phẩy.

Không chỉ là nhà văn tài danh, Nguyễn Tuân còn được biết đến là một người có kiến thức sâu rộng, am hiểu nhiều môn nghệ thuật như hội họa, sân khấu và từng là diễn viên kịch nói, tham gia đóng phim. Ông cũng nổi tiếng là một người “sành ăn”và luôn xem ẩm thực cũng là một nghệ thuật độc đáo.

Nhà thơ Hoàng Cầm (sinh năm Nhâm Tuất - 1922)

Nhà thơ Hoàng Cầm là người con của miền Kinh Bắc. Ông làm thơ từ rất sớm; đã có thơ, truyện ngắn in trên các báo từ tuổi hoa niên. Trong gia tài thơ của ông, "Bên kia sông Đuống", "Lá diêu bông" là hai bài thơ nổi tiếng và được độc giả yêu thích nhất. Đây cũng chính là tên của 2 tập thơ với những bài thơ tiêu biểu, chọn lọc cùng với tập "99 tình khúc". Nhà thơ Hoàng Cầm đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Không chỉ là nhà thơ tài hoa, Hoàng Cầm còn là kịch tác gia nổi tiếng với những vở kịch thơ nức tiếng một thời như "Hận Nam Quan", "Kiều Loan", "Trương Chi"... Trong kháng chiến chống Pháp, ông đứng ra thành lập Đoàn kịch Đông Phương và từng được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Hoàng Cầm đồng thời cũng là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Hoàng Cầm được xem là nhà thơ "tài hoa lận đận", cuộc đời ông đã phải trải qua tới... "ba lần đò". Ngoài những người vợ chính thức, ông còn có nhiều mối tình bảng lảng khói sương mà trong thơ ông vẫn còn lưu nhiều dấu tích . Trong số đó, bài thơ "Lá diêu bông" của ông là một ví dụ điển hình và được nhạc sĩ Trần Tiến phổ thành ca khúc "Sao em nỡ vội lấy chồng" rất thành công.

Nhạc sĩ Hồng Đăng (sinh năm Giáp Tuất - 1934)

Nhạc sĩ Hồng Đăng có gia tài âm nhạc khá đồ sộ hơn 700 tác phẩm ở nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, khí nhạc, nhạc phim, âm nhạc cho sân khấu. Ông có nhiều ca khúc được công chúng yêu thích như "Biển hát chiều nay", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", "Hạ Long mây trắng"... nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất và được nhiều người yêu thích nhất chính là bài "Hoa sữa".

Bài hát được yêu thích đến độ, trong nhiều năm đã tạo thành làn sóng trồng cây hoa sữa lan rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Cuối năm 2017, mùa hoa sữa nở rộ khắp Thủ đô quá đỗi nồng nàn thành ra... nồng nặc, nhiều người đã nói vui rằng: "Tất cả là tại cái lão nhạc sĩ Hồng Đăng!". Phong trào phản đối và đòi chặt bỏ cây hoa sữa lên cao khiến lão nhạc sĩ khá rầu lòng và phải lên tiếng kêu gọi mọi người hãy kiên nhẫn, bởi mùa hoa cũng chỉ kéo dài 2-3 tuần mà thôi.

Không chỉ nổi tiếng với những ca khúc lãng mạn, ngọt ngào, nhạc sĩ Hồng Đăng còn được biết đến là một nhạc sĩ thành công ở mảng nhạc phim. Nhiều ca khúc của ông gắn với những bộ phim nổi tiếng nhưng sau đó lại có một đời sống độc lập đầy thi vị như: "Hoa sữa" vốn là ca khúc viết cho phim "Hà Nội mùa chim làm tổ"; "Lênh đênh" là ca khúc viết cho phim "Đời hát rong"; "Không gian xanh" là ca khúc viết cho phim "Vùng trời" và "Biển hát chiều nay" là ca khúc viết cho loạt phim về đề tài biển...

"Tài hoa và truân chuyên" cũng là cụm từ mà người ta hay dùng để nói về nhạc sĩ Hồng Đăng, vì ông cũng không kém gì nhà thơ Hoàng Cầm khi tình duyên lận đận, phải bước qua "ba lần đò". Vào tuổi "cổ lai hy", gần đây sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng không được tốt, nhưng ông may mắn có được người bạn đời trẻ hơn ông nhiều tuổi, rất tận tụy, yêu thương chăm chút cho chồng và cả sự nghiệp của chồng.

Vốn là người quảng giao và nhiều bạn bè văn nghệ sĩ, vì thế, dù không thể đi phiêu diêu sáng tác như mọi khi, nhưng cuộc sống của lão nhạc sĩ vẫn vui vẻ, lạc quan.

Nhà văn Chu Lai (sinh năm Bính Tuất - 1946)

Nhà văn Chu Lai là một người đặc biệt lợi khẩu. Chính vì thế ông hay được mời tham gia các buổi nói chuyện, tọa đàm. Với khẩu khí mạnh mẽ được ví như... bắn súng liên thanh, ở đâu có Chu Lai, ở đó không khí như rộn lên.

Nhà văn Chu Lai tâm sự rằng, người tuổi Tuất hình như cũng có xu hướng "thân làm tội đời", thích làm việc khó, hay xông pha vào những nơi gian khổ mà cuộc đời ông là một ví dụ sinh động. Nhà văn Chu Lai nói rằng, đáng ra ông không phải đi bộ đội, vì gia đình đã có người là liệt sĩ rồi, nhưng ông vẫn xin đi, lại vào đặc công với ý nghĩ rằng nếu còn sống trở về thì sẽ viết văn.

Thế mà đúng như tâm niệm, với "Nắng đồng bằng", "Phố", "Ăn mày dĩ vãng" và gần đây là "Mưa đỏ" đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016, Chu Lai trở thành một trong những nhà văn Việt Nam đương đại nổi tiếng nhất. Ông cũng được xem là một nhà biên kịch tài ba khi tự chuyển thể thành công khá nhiều tiểu thuyết của mình sang kịch bản sân khấu, điện ảnh.

Ở tuổi 72, ông chứng tỏ mình có một sức lao động sáng tạo ít ai bì kịp khi vẫn liên tục cho ra đời những tác phẩm mới. Là người luôn tràn đầy năng lượng, ở đâu ông xuất hiện cũng khiến người người khác có cảm giác được "truyền lửa" bởi sự lạc quan, yêu đời như không bao giờ biết mệt.

Năm 2015, ông cùng vợ là Đại tá - nhà văn Nguyễn Thị Hồng thực hiện một chuyến đi xuyên Việt bằng ôtô tự lái. Chuyến đi xuyên Việt kỳ thú của cặp vợ chồng đều là "Đại tá - Nhà văn" đã chứng tỏ rằng, không có giấc mơ nào là không thể thực hiện được, ngay cả khi họ ở tuổi... 70. Chuẩn bị đón năm tuổi Mậu Tuất, tiểu thuyết "Gió xanh" của ông vừa được NXB Quân đội nhân dân ấn hành như một món quà nhà văn muốn gửi tới độc giả đã yêu quý, đồng hành cùng ông suốt mấy chục năm qua.

Nghệ sĩ Lê Vân (sinh năm Mậu Tuất - 1958)

Diễn viên Lê Vân là trưởng nữ của NSND Trần Tiến - NSƯT Lê Mai và là chị của 2 nghệ sĩ nổi tiếng không kém, đó là NSND Lê Khanh và NSƯT Lê Vy. Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm nghệ thuật nên Lê Vân cũng sớm bước chân vào con đường nghệ thuật. Chị học chuyên ngành múa bale và từng tham gia biểu diễn nhiều vở bale kinh điển. Tuy nhiên, tên tuổi nghệ sĩ Lê Vân lại được khán giả biết đến nhiều hơn ở lĩnh vực điện ảnh.

Với nét đẹp sắc sảo thuần Việt, đôi mắt sáng đậm chất điện ảnh, Lê Vân rất "ăn điểm" khi vào vai những cô gái thôn quê như chị Dậu trong phim "Chị Dậu" của đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa, vai vợ của Bờm trong phim "Thằng Bờm" của đạo diễn Lê Đức Tiến, vai Duyên trong "Bao giờ cho đến tháng mười" và vai Quyên trong "Thương nhớ đồng quê" của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh.

Đặc biệt, diễn xuất xuất thần của Lê Vân khi vào vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong phim "Đêm hội Long Trì" của đạo diễn - NSND Hải Ninh được nhiều người đánh giá cao vì trước đó, Lê Vân chủ yếu vào những vai chính diện, lấy được nhiều nước mắt khán giả.

Đến năm 2006, Lê Vân cho ra mắt tự truyện "Lê Vân - Yêu và sống", tiết lộ nhiều bí mật về bản thân, gia đình và sự nghiệp, được độc giả quan tâm và cũng có nhiều luồng dư luận trái chiều. Qua cuốn hồi ký, Lê Vân đã cho thấy, chị là một nữ nghệ sĩ có cá tính mạnh mẽ và không ngại đối đầu.

Lê Vân cũng là người tạo ra trào lưu nghệ sĩ viết hồi ký cách đây 10 năm, nhưng phải nói rằng "Lê Vân - Yêu và sống" vẫn là cuốn sách có sức hút bậc nhất. Bởi vì, đến tận bây giờ, gia đình NSND Trần Tiến - NSƯT Lê Mai và 3 ái nữ Lê Vân - Lê Khanh - Lê Vy vẫn là một trong số ít gia đình nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam.

Ca sĩ Hồng Nhung (sinh năm Canh Tuất - 1970)

Hồng Nhung cùng với Thanh Lam, Mỹ Linh và Trần Thu Hà là những ca sĩ theo đuổi dòng nhạc nhẹ được khán giả tấn phong là "Diva Việt Nam" và cho đến nay sức ảnh nóng của những ngôi sao này hình như vẫn chưa suy giảm. Hồng Nhung là ca sĩ trưởng thành từ Câu lạc bộ Họa Mi ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, nổi tiếng với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế từ khi còn ở tuổi thiếu niên và 18 tuổi đã có cho mình album đầu tay mang tên "Tiếng hát Hồng Nhung".

Hồng Nhung cũng là ca sĩ trẻ đầu tiên của Hà Nội "Nam tiến" và có những thành công rực rỡ ở miền đất Sài Gòn náo nhiệt. Sở hữu giọng hát trong trẻo mà tinh tế, giàu nội lực với âm vực cao và sáng, Hồng Nhung là ca sĩ thể hiện thành công ca khúc của nhiều nhạc sĩ danh tiếng như Dương Thụ, Trần Tiến, Thanh Tùng, Hồng Đăng, Duy Thái, Quốc Trung... và đặc biệt là đã làm mới âm nhạc của Trịnh Công Sơn và thổi vào các tác phẩm ấy một làn gió trẻ trung, tươi mát.

Cho đến nay, Hồng Nhung đã có cho mình hàng chục album đặc sắc, được đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu như "Đoản khúc thu Hà Nội", "Bài hát ru cho anh", "Khu vườn yên tĩnh", "Như cánh vạc bay"... và những liveshow hoành tráng, công phu bậc nhất như liveshow xuyên Việt "Hồng Nhung - Bống Bồng ơi" (1997), liveshow nhạc Trịnh Công Sơn "Thuở Bống là người" (2003), liveshow "Hồng Nhung - Có phải em mùa thu Hà Nội" (2012), liveshow "Phố à phố ơi... Bống à Bống ơi" (2013).

Hiện Hồng Nhung kết hôn với một người ngoại quốc và sinh được 2 bé sinh đôi (một trai, một gái) rất kháu khỉnh, đáng yêu. Mặc dù đã gần vào tuổi 50, song với ngoại hình trẻ trung và giọng hát đầy nội lực, cuốn hút, cái tên Hồng Nhung cho đến nay vẫn chưa bao giờ trở nên nhàm chán và mỗi lần chị xuất hiện trên sân khấu vẫn tạo ra sức hấp dẫn đối với người hâm mộ

Nhạc sĩ Sỹ Luân (sinh năm Nhâm Tuất - 1982)

Sỹ Luân được biết đến là một nghệ sĩ đa tài khi anh vừa là nhạc sĩ, vừa là ca sĩ sở hữu một giọng hát truyền cảm, đồng thời còn là diễn viên và là người dẫn chương trình được nhiều khán giả yêu thích như "VietNam Idol", "Hát với ngôi sao", "Let's Viet".

Sỹ Luân là tác giả của nhiều ca khúc nhạc trẻ được yêu thích như "Tuổi hồng", "Mắt nai cha cha cha", "Áo dài ơi", "Cô gái Trung Hoa", "Ánh sao băng"... Bên cạnh đó, Sỹ Luân cũng được biết đến với vai trò diễn viên khi tham gia các điện ảnh và phim truyền hình như "Chuông reo là bắn", "Tấm hộ chiếu vào đời" và "Khi người ta đẹp".

Năm 2009, có một biến cố lớn đã xảy ra với cuộc đời Sỹ Luân khi anh bị tai nạn xe hơi trên đường đi thiện nguyện từ Đà Lạt trở về TP Hồ Chí Minh và rơi vào trạng thái vô thức suốt một thời gian dài. Trải qua 2 cuộc phẫu thuật chỉnh hình vì vỡ xương gò má và xương hàm. Mặc dù vậy, với nghị lực phi thường, Sỹ Luân đã chống chọi và vượt qua được bệnh tật và tiếp tục phát triển sự nghiệp.

Sỹ Luân đánh dấu sự trở lại với âm nhạc bằng album "Khoảng lặng" như một món quà mà anh muốn gửi đến khán giả sau một thời gian dài vắng bóng. Năm 2015, anh tiếp tục cho ra mắt album "Bốn mùa yêu" để đánh dấu chặng đường 10 năm theo đuổi nghệ thuật của mình.

Nhiều bạn bè nhận xét rằng, sau biến cố lớn kể trên, cả diện mạo và tâm tính của Sỹ Luân có nhiều thay đổi. Anh sống chậm lại, yêu thương cuộc sống nhiều hơn, chí thú với công việc giảng dạy âm nhạc và có xu hướng hướng âm nhạc của mình đến với nhạc Thiền. Anh vẫn tiếp tục tham gia các show giải trí trên truyền hình, nhưng chủ yếu là với tư cách khách mời.
Nguyệt Hà - Xuân 2018

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhung-nha-van-nghe-si-noi-tieng-tuoi-tuat-478047/