Những nhà tù tuyệt mật

Một số chính phủ và cơ quan tình báo đang điều hành một mạng lưới các nhà tù bí mật. Sự thật là những cơ sở giam cầm này không chính thức tồn tại và chúng được bảo vệ tránh ánh mắt 'cú vọ' từ các tổ chức nhân quyền và các tòa án.

Hoạt động tra tấn rất thường xuyên diễn ra tại những nơi này, và những người bị giam giữ phải chịu cảnh sống hết sức trần ai.

NHÀ TÙ VÔ DANH (UKRAINE)

Trong khoảng giữa thời gian 2014 và 2016, Cục An ninh Ukraine (SBU) đã cho hoạt động một nhà tù bí mật ở Kharkiv. Cơ sở này được lập ra nhằm tạm giam những người bị nghi ngờ ủng hộ hay thân Nga trong thời gian diễn ra can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine tiến tới sự sát nhập bán đảo Crưm (Cộng hòa tự trị Krym). Lúc đó, SBU phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ nhà tù bí mật nào và cáo buộc đó là đòn tuyên truyền của Nga.

SBU và quân đội Ukraine đã tổ chức một cuộc thăm dò độc lập vào sự tồn tại của các nhà tù mật, nhưng sau đó, họ dừng cuộc điều tra mà không đưa ra bất kỳ kết luận nào. Cựu tù nhân Mykola Vakaruk bị giữ trong nhà tù mật suốt 600 ngày. Lúc ông mới đến nhà tù, thì viên thẩm vấn đã nện dùi cui vào ngực ông nếu ông trả lời thiếu chính xác.

Mykola Vakaruk liên tục bị đập dùi cui và bị giam trong một buồng giam chật mà nhiệt độ bên trong lạnh như băng. Sự hà khắc cùng cực đến độ Vakaruk bị mất một quả thận. Ông nói rằng, mình bị ép khai man là ủng hộ cho phía Nga. Vakaruk được phóng thích sau đó khi Ukraine bắt đầu công bố về sự tồn tại các nhà tù dưới sức ép của các tổ chức nhân quyền.

Vakaruk nhận được khoản tiền bồi thường tương đương 100 hryvnias (3,80 USD), bản thân ông và những người đồng cảnh ngộ còn đi đe không được hé môi tiết lộ với bất kỳ ai. Nhà tù mật ở Kharkiv là một trong số những cơ sở giam giữ do SBU điều hành. Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) cáo buộc SBU còn duy trì sự tồn tại của các nhà tù bí mật khác ở Kramatorsk, Izium và Mariupol. Phe thân Nga cũng bị cáo buộc đã hoạt động các trung tâm gia giữ mật này. (Hình 2)

NHÀ TÙ LGBT VÔ DANH (CHECHNYA)

Chechnya là một khu vực tự trị với người Hồi giáo chiếm đa số ở Nga. Nơi này cũng liên quan đến nhiều cuộc chiến tranh với Nga trong một nỗ lực nhằm trở thành một quốc gia độc lập. Để chấm dứt các cuộc chiến, Nga đã áp đặt quy chế tự trị. Hôm nay Chechnya có nhà lãnh đạo riêng là Ramzan Kadyrov. Kadyrov bị cáo buộc đã cho thành lập các nhà tù mật nơi giới đồng tính nam bị tra tấn đến chết.

Cả Nga và Chechnya đều không dung thứ cho thế giới thứ 3. Trong khi Nga đã ban bố luật nhằm kiểm soát giới LGBT, thì Chechnya lại thích áp bức họ và giữ những người đồng tính trong các nhà tù mật, nơi đây họ bị tra tấn, đôi khi là chết. Một số nhà báo từng viết về sự tồn tại của các nhà tù mật ở Chechnya đã bị mưu sát trong những hoàn cảnh đáng ngờ. Novaya Gazeta, tờ báo đầu tiên viết về những vụ bắt cóc, giam giữ và giết hại, và ít nhất 6 nhà báo của tờ này đã bị giết. Một số nhà báo may mắn còn sống thì bị đe dọa, số khác buộc phải rời khỏi Chechnya để được an thân. (Hình 3)

TRẠI LEMONNIER (DJIBOUTI)

Djibouti là một quốc gia nhỏ bé, nơi này nằm ở vùng Sừng châu Phi dọc theo vài quốc gia khác bao gồm Al-Shabbab và Somalia; Djibouti cũng nằm gần Yemen, nơi đang trải qua một cuộc nội chiến tàn khốc. Vị trí chiến lược của Djibouti là lý do mà Mỹ đã cho thiết lập một căn cứ quân sự ở đây. Từ khu căn cứ quân sự này gọi là Trại Lemonnier, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay không người lái tấn công các mục tiêu ở Somalia và Yemen.

Có một tuyên bố chưa được kiểm chứng rằng, CIA đang điều hành một nhà tù mật ở Trại Lemonnier. Quốc hội Mỹ từng báo cáo về sự tồn tại của nhà tù mật đó, nhưng từ chối giải thích lý do. Từng là một tù nhân ở Trại Lemonnier, Mohammed Abdullah Saleh Asad kể rằng anh bị tra tấn ở đó trước khi chuyển tới một nhà tù khác ở Afghanistan. Hay cựu tù nhân Mahdi Hashien kể rằng, anh bị các điệp viên CIA bắt cóc ở Mogadishu (Somalia) và chuyển tới nhà tù mật ở Trại Lemonnier, Mahdi kể lý do anh bị bắt vì từ chối làm điệp viên cho tình báo Anh.

TRUNG TÂM THẨM VẤN TEMARA (MA RỐC)

Trung tâm thẩm vấn Temara là một nhà tù bí mật do liên danh điều hành giữa CIA và chính phủ Ma Rốc. Nhà tù này tọa lạc ở Temara, gần Rabat, buổi ban đầu nó được thành lập như là trung tâm thẩm vấn tuyệt mật của CIA diễn ra ngay sau sự kiện 11/9. Tuy nhiên rất nhanh chóng CIA đã biến nó thành một nhà tù. Chính phủ Ma Rốc cũng tham gia nhưng chỉ tập trung vào việc giam giữ các tù chính trị. Zakaria Moumni, công dân Pháp gốc Ma Rốc đã bị giam ở Temara 4 ngày vì các lý do chính trị, kể rằng các nhà thẩm vấn Ma Rốc từng hù ông đây là “lò mổ” và sẽ biến tù nhân thành “lợn xẻ thịt”.

Hay tù nhân Oussama Boutahar, người từng chiến đấu chống lại nhóm phiến quân Hồi giáo Bosnia trong suốt thập niên 1990 và trong năm 2003, kể rằng người Ma Rốc nói với ông rằng họ nhận lệnh của Mỹ để làm điều đó. Một báo cáo của Thượng viện Mỹ đã hé lộ rằng CIA biết tỏng người Ma Rốc đang tra tấn các tù nhân tại Temara. CIA cũng có lên kế hoạch sẽ hủy bỏ nhà tù mật ở Temara nhưng phút cuối đã đổi ý. Ma Rốc phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến tra tấn.

MẮT MÈO (THÁI LAN)

Cũng còn có tên khác là Trại giam xanh, Mắt Mèo là một nhà tù bí mật của CIA tại Thái Lan. Nhưng không một ai hay biết vị trí chính xác của điểm giam giữ này. Một số người nói rằng, nhà tù mật nằm ở ngoại ô Bangkok, số khác lại nói rằng nó nằm ở Udon Thani. Và trên hết đều nhất trí rằng nó đang ở Thái Lan dù cả CIA và chính phủ Thái đều bác tin về sự tồn tại của nó. Nhà tù Mắt Mèo bị phát giác vào năm 2014 bởi một báo cáo của Thượng viện Mỹ liệt kê cái gọi là “Quốc gia”.

Nhà tù này được dựng lên hồi năm 2002 nhằm giam giữ Abu Zubaydah, chiến binh Thánh chiến bị nghi ngờ là một trong các thuộc hạ tâm phúc của Osama bin Laden. Abu Zubaydah bị bắt giữ ở Pakistan vào tháng 3/2002, và CIA phân vân tìm ra nơi để giam giữ tên này, họ muốn nơi đó phải xa ánh mắt của các cơ quan luật pháp Mỹ và Hội Chữ thập Đỏ.

Abu bị tra tấn tàn khốc ở nhà tù mật. Trong vài tháng, hắn ta là phạm nhân duy nhất ở đó, còn những kẻ tra tấn hắn thì có thời gian rỗi rãi. Abu sống trong buồng giam không lớn hơn cỗ quan tài là mấy và liên tục bị tạt nước sau mỗi lần tra tấn cho đến khi ngất xỉu. CIA sử dụng Abu trong các thí nghiệm về “các kỹ thuật thẩm vấn tăng cường”, tên của một trò tra tấn nào đó.

Tù nhân thứ 2 của nhà tù Mắt Mèo là Abd al Rahim al-Nashiri, hắn đến đây vào tháng 11/2002. Cả Abu và Abd đều “ăn” tát, bị lột trần như nhộng và mất ngủ trầm trọng. Họ cũng bị đập vào tường nhà tù trong một thứ hình phạt kỳ quái gọi là “trát vữa”. Nhà tù Mắt Mèo được báo cáo là đã đóng cửa vào tháng 12/2002, sau khi CIA chuyển các tù nhân sang một nhà tù khác ở Ba Lan. (Hình 6)

PENNY LANE (VỊNH GUANTANAMO,CUBA)

Penny Lane là một nhà tù bí mật ở vịnh Guantanamo (Cuba). Đi vào hoạt động vào năm 2003, tù nhân được hưởng thụ một lối sống thoải mái ở đây. Họ sống trong các khu riêng và được trang bị đầy đủ giường, bếp, hành lang, vòi hoa sen và cả tivi. Tù nhân có thể đòi thêm những thứ họ muốn, bao gồm cả tranh ảnh khiêu dâm. Cũng không quá ngạc nhiên khi có sự đãi ngộ đặc biệt tại Penny Lane, nơi này chuyên đào tạo các phần tử “khủng bố” để trở thành điệp viên hai mang.

Sau thời gian huấn luyện, những người này được phóng thích và họ sẽ quay lại tổ chức của họ để ở đó sẽ bí mật gửi các tin tức tình báo trở lại cho CIA. CIA sẽ sử dụng các tin mật báo này để tung các kế hoạch tấn công không người lái nhắm vào các mục tiêu được chỉ điểm. Đổi lại CIA sẽ trả tiền hàng triệu USD cho các điệp viên 2 mang. Nhưng không phải CIA lúc nào cũng đạt ý nguyện.

Một số phần tử “khủng bố” sau khi được thả ra đã không làm việc cho CIA. Một số chỉ miễn cưỡng làm việc cho CIA khi cơ quan này đe dọa tính mạng con cái của họ. Bản thân al-Qaeda thừa biết CIA lợi dụng các thành viên của họ để biến thành điệp viên hai mang, và đã đề phòng những người được phóng thích khỏi vịnh Guantanamo. Chương trình điệp viên 2 mang bị hủy bỏ trong năm 2006. (Hình 8)

SALT PIT (AFGHANISTAN)

Salt Pit (Hố Muối) là một nhà tù bí mật do CIA điều hành ở Afghanistan, nó là một trong số các nhà tù của CIA lập ra ngay sau vụ 11/9 và giam giữ những người bị tình nghi liên quan tới “khủng bố”. Tra tấn là một phần hoạt động ở Salt Pit, và các tù nhân bị đối xử vô nhân đạo.

Các buồng giam ở đây nhỏ, không có cửa hay toa-lét. Tù nhân đi tiểu hay đại tiện vào một chiếc xô. Tù nhân buộc cởi trần và phải ngủ trên nền nhà bê tông lạnh cóng. CIA liên tục mở loa phát ra âm thanh ầm ĩ như một đòn tra tấn tâm lý. Bác sĩ Ghairat Baheer, người bị bắt giữ tại nhà tù Salt Pit trong suốt 6 tháng kể rằng các thẩm vấn viên CIA đã trói ông vào ghế và họ ngồi lên bụng ông.

Hay tù nhân Gul Rahman còn bị lột trần truồng, tay bị còng trong khi cơ thể ông bị đánh đập và dìm đầu vào xô nước. Những đòn tra tấn tàn ác đã tước đi mạng sống của Gul Rahman. Rahman qua đời do chứng hạ thân nhiệt vào sáng ngày 20/11/2002 trong tư thế trần truồng một nửa. CIA không trả xác Rahman cho gia đình hay báo họ về cái chết của ông.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-nha-tu-tuyet-mat-3956803-b.html