Những nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới

Dưới đây là những nhà khoa học nữ đã cống hiến hết mình trong những lĩnh vực mình nghiên cứu và góp phần làm thay đổi thế giới.

Ada Lovelace (1815-52): Lovelace là một nhà toán học tài năng và là một nhà lập trình máy tính sớm nhất trên thế giới.

Marie Curie (1867-1934): Nhà vật lý và hóa học người Ba Lan được biết tới bởi những thành quả đột phá trong lĩnh vực phóng xạ, bao gồm việc phát hiện ra 2 nguyên tố polonium và radium. Ngoài việc là người phụ nữ đầu tiên giành được giải Nobel, Marie Curie còn là người phụ nữ duy nhất 2 lần giành giải thưởng cao quý này, một lần vào năm 1903 và lần thứ hai vào năm 1911.

Maria Goeppert-Mayer (1906-72): Nhà vật lý người Mỹ gốc Đức này nổi tiếng với công trình phát hiện ra mô hình vỏ hạt nhân của hạt nhân nguyên tử. Với những cống hiến hết mình cho khoa học, bà Maria Goeppert-Mayer đã trở thành người phụ nữ thứ 2 nhận được giải Nobel Vật lý vào năm 1963.

Rosalind Franklin (1920-58): Nhà hóa học người Anh nổi tiếng bởi nỗ lực tiên phong của bà trong việc xác định cấu trúc của ADN. Bà cũng là người đã có nhiều đóng góp đáng kể trong việc tìm hiểu về cấu trúc phân tử của virus, than đá và than chì.

Rita Levi-Montalcini (1909-2012): Nhà thần kinh học người Italy này được biết đến với việc phát hiện ra yếu tố phát triển thần kinh (NGF), giúp thúc đẩy sự phát triển tế bào cũng như sự tồn tại, chức năng và sự phân biệt trong hệ thần kinh. Nhờ đó, chúng ta có những hiểu biết cụ thể hơn về các vấn đề y học như bệnh sa sút trí tuệ và các bệnh về u bướu. Năm 1986, bà đã nhận được giải Nobel Y học cùng với người đồng nghiệp Stanley Cohen.

Lise Meitner (1878-1968): Bà là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong vật lý hạt nhân và phóng xạ. Nhà vật lý học người Thụy Điển gốc Áo này cùng với nhà hóa học người Đức Otto Hahn là một phần trong đội ngũ phát hiện ra phản ứng phân hạch uranium. Năm 1939, bà và người cháu trai Otto Frisch đã phát hiện ra rằng một nguyên tử khi tách ra sẽ tạo nên năng lượng. Quá trình phân hạch này đã tạo tiền đề cho Dự án Manhattan trong việc phát triển bom nguyên tử trong Thế chiến II. Dù Meitner không phải là 1 phần trong dự án nhưng bà được mệnh danh là "mẹ của bom nguyên tử". Được trao giải Nobel Hóa học cho công trình này nhưng bà đã từ chối nhận.

Irène Joliot-Curie (1897-1956): Bà là con gái của 2 nhà khoa học nổi tiếng Marie và Pierre Curie. Irène đã cùng chồng là Frédéric Joliot nghiên cứu để tạo ra phóng xạ nhân tạo. Với những nỗ lực của mình, họ đã được trao giải Nobel Hóa học năm 1935.

Barbara McClintock (1902-92): Với những cống hiến hết mình cho khoa học, nhà khoa học và nhà di truyền học tế bào người Mỹ nổi tiếng này đã giành được giải Nobel Vật lý và Y học năm 1983. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên làm được điều này cho đến nay.

Mae Jemison (1956-): Nhà vật lý, kỹ sư và cựu phi hành gia của NASA là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên bay vào không gian trên Phi thuyền Endeavor vào tháng 9/1992.

Susan Solomon (1956-): Bà là nhà khoa học tiên phong trong việc giải thích tại sao và bằng cách nào khí chlorofluorocarbons (CFCs) do con người tạo ra đã gây thủng tầng ozone ở Nam Cực./.

Kiều Anh/VOV.VN
Theo MSN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhung-nha-khoa-hoc-nu-lam-thay-doi-the-gioi-1018562.vov