Những nhà khoa học 'điên rồ' tự thí nghiệm trên bản thân mình

Dù tốt hay xấu, những nhà nghiên cứu này đã đóng góp những thành tựu cơ bản định hình lĩnh vực y tế ngày nay.

Chúng ta bây giờ may mắn hơn với những thử nghiệm lâm sàng được kiểm soát chặt chẽ. Nhưng ngày xưa, với sự táo bạo và đôi khi sai lầm, những nhà khoa học sau đây đã tự mình thực hiện các thí nghiệm và đóng góp những thành tựu cơ bản định hình lĩnh vực y tế ngày nay.

1. Santorio Santorio (1561-1636)

Sinh tại Venice năm 1561, Santorio Santorio đã đóng góp rất nhiều cho lĩnh vực y học khi làm bác sĩ riêng cho các nhà quý tộc và làm việc tại Đại học Padua lúc bấy giờ. Một trong những thành tựu to lớn của ông là tạo ra những máy đo nhịp tim đầu tiên.

Nhưng đóng góp nổi tiếng nhất của Santorio đến từ nỗi ám ảnh mãnh liệt về cân nặng của ông.

Santorio Santorio

Santorio Santorio

Ông phát minh ra một chiếc ghế lớn để ông có thể ngồi và theo dõi cân nặng của mình. Mục đích của ông là đo trọng lượng mỗi bữa ăn và xem mình giảm bao nhiêu kí sau khi đồ ăn tiêu hóa hết. Nghe có vẻ kì lạ, nhưng Santorio hết sức tỉ mẩn với công việc này, và các phép tính của ông đều chính xác.

Ông ghi chép chi tiết việc ông đã ăn bao nhiêu và giảm bao nhiêu cân mỗi ngày, cuối cùng ông kết luận rằng mình giảm nửa pound mỗi ngày giữa giờ ăn và giờ đi vệ sinh.

Không thể giải thích rõ ràng lý do lượng chất thải đưa ra ngoài lại ít hơn lượng thức ăn tiêu thụ, ông cho rằng do “mồ hôi vô hình” - nghĩa là chúng ta thở và tiết ra một số thứ vô hình mà cơ thể chúng ta tiêu hóa.

Giả thuyết này có phần khó hiểu vào thời điểm đó, nhưng giờ chúng ta biết rằng Santorio đã sớm hiểu rõ về quá trình trao đổi chất. Gần như mọi bác sĩ ngày nay đều có thể cảm ơn Santorio vì đã đặt nền móng cho hiểu biết của con người về quá trình quan trọng này.

2. Daniel Alcides Carríon (1857-1885)

Một số nhà nghiên cứu táo bạo đã phải trả cái giá đắt nhất trong hành trình theo đuổi hiểu biết về sức khỏe và bệnh tật con người. Daniel Carríon là một trong số đó.

Khi đang học tại Đại học Mayor de San Marcos ở Lima, Peru,cậu sinh viên y khoa Carríon nghe về đợt bùng phát một cơn sốt bí ẩn ở thành phố La Oroya. Công nhân đường sắt ở đó bị thiếu máu trầm trọng - một tình trạng sau khi mắc “cơn sốt Oroya”.

Ít ai biết được nguyên nhân gây ra tình trạng này và cách nó lây lan. Nhưng Carríon có một lý thuyết: Có thể có mối liên hệ giữa các triệu chứng cấp tính của bệnh sốt Oroya và bệnh da liễu mụn cóc. Và ông nảy ra ý tưởng để thử nghiệm lý thuyết này: tiêm cho mình mô mụn cóc bị nhiễm trùng và xem liệu ông có bị sốt không.

Đó là những gì ông đã làm.

Vào tháng 8/1885, ông lấy mô bệnh từ một bệnh nhân 14 tuổi và nhờ đồng nghiệp tiêm vào cả hai cánh tay. Chỉ hơn một tháng sau, Carríon xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, như sốt, ớn lạnh và mệt mỏi cực độ. Đến cuối tháng 9/1885, ông qua đời vì cơn sốt.

Nhưng khao khát tìm hiểu căn bệnh này của Carríon đã thúc đẩy những nghiên cứu sâu rộng hơn trong thế kỷ sau, và các nhà khoa học hàng đầu đã xác định thành công vi khuẩn gây ra cơn sốt và tìm cách điều trị bệnh. Những người kế vị ông đặt tên cho tình trạng này là “bệnh Carríon” để tưởng nhớ đóng góp của ông.

3. Barry Marshall (1951)

Không phải tất cả các thí nghiệm rủi ro đều kết thúc trong bi kịch.

Năm 1985, Barry Marshall, một chuyên gia nội khoa tại Bệnh viện Royal Perth ở Úc, và đồng nghiệp nghiên cứu của ông, J. Robin Warren, vô cùng thất vọng vì nghiên cứu vi khuẩn đường ruột trong nhiều năm của họ bị bác bỏ.

Lý thuyết của họ là vi khuẩn đường ruột có thể gây ra các bệnh đường tiêu hóa - ở đây là Helicobacter pylori (vi khuẩn HP). Nhưng hết tạp chí này đến tạp chí nọ đều phản bác tuyên bố của họ, cho rằng những bằng chứng từ các mẫu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không thuyết phục.

Thời điểm đó, lĩnh vực y tế không tin rằng vi khuẩn có thể tồn tại trong axit dạ dày. Nhưng Marshall chắc chắn mình đã khám phá ra một điều quan trọng. Vì vậy, ông tự mình chứng minh điều này bằng… dạ dày của chính mình.

Ông uống một dung dịch có chứa H. pylori, và nghĩ rằng mình sẽ bị loét dạ dày trong tương lai. Nhưng nhanh chóng cơ thể ông xuất hiện các triệu chứng nhỏ, như buồn nôn và hôi miệng. Và trong chưa đầy một tuần, ông cũng bắt đầu nôn mửa.

Trong một cuộc nội soi ngay sau đó, người ta thấy rằng H. pylori đã lấp đầy dạ dày của ông với các khuẩn lạc khác. Marshall phải uống thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng gây ra viêm nhiễm và bệnh tiêu hóa có thể gây chết người.

Hóa ra đúng như ông dự đoán: Vi khuẩn thực sự có thể gây ra bệnh dạ dày.

Trải nghiệm “cận tử” này của Marshall được đền đáp xứng đáng khi sau đó ông và Warren được trao giải thưởng Nobel về y học vì khám phá này.

4. August Bier (1861-1949)

Trong khi một số nhà nghiên cứu thay đổi tiến trình của y học để chứng minh một giả thuyết thuyết phục, thì những người khác, như bác sĩ phẫu thuật người Đức August Bier, lại làm như vậy vì lợi ích của bệnh nhân.

Năm 1898, một trong những bệnh nhân của Bier, tại Bệnh viện Phẫu thuật Hoàng gia - Đại học Kiel, Đức từ chối phẫu thuật nhiễm trùng mắt cá chân, vì ông có một số phản ứng nghiêm trọng đối với gây mê toàn thân trong các ca phẫu thuật trước đây.

Vì vậy, Bier đề xuất giải pháp thay thế: tiêm cocaine trực tiếp vào tủy sống. Vànó thực sự có hiệu quả. Với cocaine trong cột sống, bệnh nhân tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật mà không hề thấy đau đớn. Nhưng vài ngày sau, bệnh nhân nôn và đau kinh khủng.

Quyết tâm cải thiện tình trạng, Bier tự mình hoàn thiện phương pháp này bằng cách yêu cầu trợ lý August Hildebrandt tiêm một dạng biến đổi của dung dịch cocaine này vào cột sống của ông.

Nhưng Hildebrandt đã làm hỏng mũi tiêm khi sử dụng sai kích cỡ kim vàBier nảy ra ý tưởng thử tiêm dung dịch vào Hildebrandt. Kết quả mỹ mãn. Trong vài giờ, Hildebrandt hoàn toàn không cảm thấy gì. Bier đã thử nghiệm điều này theo những cách “thiếu tế nhị” nhất có thể. Ông nhổ tóc, đốt da và thậm chí… bóp tinh hoàn của Hildebrandt.

Mặc dù nỗ lực của Bier và Hildebrandt đã khai sinh phương pháp gây tê tủy sống bằng cách tiêm trực tiếp vào cột sống (nó vẫn được sử dụng đến ngày nay), tình trạng sức khỏe của cả hai trở nên tồi tệ một tuần sau đó.

Nhưng trong khi Bier ở nhà và sức khỏe dần ổn định, Hildebrandt - với tư cách là trợ lý, phải cáng đáng công việc cho Bier dù đang điều trị trong bệnh viện. Hildebrandt không bao giờ hồi phục hoàn toàn và sau đó đãchấm dứt làm việc với Bier.

Ơn trời, khoa học đã tiến một chặng đường dài

Ngày nay, không có lý do gì để một nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm khiến cơ thể họ gặp nguy hiểm theo những cách cực đoan như vậy.

Mặc dù dùng cơ thể để tự thử nghiệm ở nhà chắc chắn hấp dẫn với nhiều nhà nghiên cứu, nó lại là một rủi ro không cần thiết. Các phát hiện y học ngày nay phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được đưa vào sử dụng. Chúng ta cũng may mắn được tiếp cận với lĩnh vực nghiên cứu y học đang phát triển - cho phép các nhà khoa học đưa ra quyết định an toàn và lành mạnh hơn.

Theo Viên Lâm/Khám phá

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhung-nha-khoa-hoc-dien-ro-tu-thi-nghiem-tren-ban-than-minh/20210306080629294