Những nhà giáo 'truyền cảm hứng' trong lịch sử giáo dục Việt Nam

Trong lịch sử giáo dục của đất nước, có rất nhiều tấm gương nhà giáo mẫu mực, được các thế hệ học trò và người dân ca ngợi, tôn vinh.

Chu Văn An, bậc sư biểu của giáo dục Việt Nam. Ảnh: NH

Các bậc thầy nổi tiếng như Chu Văn An (1292 - 1379), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), Lê Quý Đôn (1726 - 1784), “La Sơn Phu Tử” Nguyễn Thiếp (1723 - 1804), Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)… của thời xưa, hay Nguyễn Ngọc Ký... của thời hiện đại, đều là tiêu biểu cho trí tuệ.

Để trở thành bậc trí tuệ cao minh, các thầy đã hi sinh, dành tâm huyết, khổ công học hỏi, rèn luyện, “học nhi bất yếm” (học không biết chán), như ngọn nến cháy hết mình cho trí tuệ rực sáng.

Nhiều nhà giáo trở thành tấm gương của nghị lực phi thường, tự học và sáng tạo như Nguyễn Đình Chiểu dù mù hai mắt vẫn dạy học, bốc thuốc, làm thơ. Nguyễn Ngọc Ký dù liệt hai tay vẫn trở thành nhà giáo ưu tú, xuất sắc, với đôi chân kỳ diệu.

Các bậc thầy, xưa và nay, đều thắp lên trong lòng các thế hệ học trò tình cảm yêu nước, thương dân, trách nhiệm với cộng đồng, nòi giống. Trước thời thế nhiễu nhương, Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” đòi vua chém 7 tên lộng thần. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đem tài đức để giúp vua trị nước, an dân, dâng sớ hạch tội 18 gian thần. Nguyễn Đình Chiểu thẳng thừng từ chối những cám dỗ vật chất của kẻ thù, kiên cường chống giặc bằng ngòi bút cho đến hơi thở cuối cùng.

Trọng nghĩa, khinh tài, coi thường danh lợi tầm thường, là cảm hứng được các bậc sư biểu truyền đạt cho học trò, bằng chính cuộc đời mình.

Thời hiện đại, cũng có rất nhiều tấm gương nhà giáo mẫu mực về trí tuệ và nhân cách, hết lòng thương yêu học sinh, được các em coi như thần tượng của mình.

Những bậc thầy xưa và nay, không chỉ tiêu biểu cho một ngành nghề, mà còn tiêu biểu cho truyền thống, phẩm chất cao đẹp của con người, dân tộc Việt Nam.

QUANG HIỂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/nhung-nha-giao-truyen-cam-hung-trong-lich-su-giao-duc-viet-nam-577118.ldo