Những 'nhà giáo nhân dân'

'Nhà giáo nhân dân' - cách gọi yêu thương và thân thuộc của bà con dân bản dành cho những thầy cô giáo đã mang con chữ về với bản làng của họ. Những gì mà các thầy cô đã và đang làm, sẽ luôn khắc sâu trong tâm khảm của người dân địa phương.

Ảnh minh họa/ Internet

Ảnh minh họa/ Internet

Là người may mắn được đến với nhiều vùng đất xa xôi, hẻo lánh và được đến thăm nhiều điểm trường nơi “thâm sơn cùng cốc” nên tôi cũng từng được chứng kiến những câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” giữa GV với HS và GV với bà con dân bản. Vì thế tôi càng hiểu hơn về những tình cảm đặc biệt của người dân các vùng khó dành cho những người thầy, người cô. Bởi khó có thể kể hết bằng lời về những hy sinh, cống hiến của các GV “cắm bản”; họ không chỉ mang con chữ mà còn mang ánh sáng tri thức về với bản làng.

Tôi cũng như nhiều người khác không khỏi xúc động khi biết đến Lễ khai giảng ấn tượng của hai cô giáo trẻ với 34 em HS ở điểm trường Tắk Pổ, Trường Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam). Đó là một lễ khai giảng đơn sơ nhưng vô cùng ấm cúng. Nhiều người đã bật khóc khi thấy những hình ảnh của cô và trò trong ngày khai giảng năm học mới. Các cô chính là tấm gương sáng ngời về tình yêu thương học trò và là người mẹ hiền thứ hai của HS. Nụ cười, ánh mắt và những nét vô tư, trong sáng của cô và trò đã chạm đến tận cùng của cảm xúc: Nghẹn ngào, hạnh phúc... và đong đầy yêu thương.

Lại nhớ đến câu chuyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một thầy giáo nghèo ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long). Mặc dù sức khỏe kém và hoàn cảnh gia đình rất nghèo, nhưng thầy đứng ra vận động quyên góp quần áo, sách vở cho các em ở xã khó khăn, nơi mà thầy công tác. Do bệnh tật, thầy đã qua đời. Trong câu chuyện của Thủ tướng, chúng tôi nhận thấy rõ niềm xúc động trước tấm gương của một nhà giáo luôn tận tụy với nghề, hết lòng vì HS.

Tôi đã từng nghe và cũng từng chứng kiến một vài người có những nhận xét không mấy thiện cảm nếu không muốn nói là cực đoan về GD, về đội ngũ nhà giáo. Nhưng những hình ảnh của cô và trò tại điểm trường Tắk Pổ, hay câu chuyện về thầy giáo nghèo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xóa đi mọi ấm ức trong lòng về những nhận xét đó. Bởi những hình ảnh đó đã thay lời muốn nói về sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của đội ngũ nhà giáo và về những điều tốt đẹp mà GD mang lại. Các thầy cô đã gieo thêm niềm tin về GD, về đội ngũ nhà giáo của chúng ta.

Tôi vẫn nhớ như in những trải lòng của lãnh đạo một doanh nghiệp lớn rằng, đó là những “người gieo chữ” đã can đảm gác lại sau lưng những cơ hội tốt nơi thành thị, thậm chí rời xa người thân, gia đình để đến với những bản làng sâu, xa, với những vùng miền còn khó khăn. Tại nơi đó, dù rào cản ngôn ngữ có lớn đến đâu, địa hình rừng núi, vùng sâu có hiểm trở cách mấy, điều kiện giảng dạy, sinh hoạt có thiếu thốn đến nhường nào, nhưng họ vẫn vui và luôn sẵn sàng cống hiến.

Kể sao cho hết những câu chuyện đầy cảm động ấy. Nhưng điều khiến nhiều GV thấy vui và thấy có động lực đó là, xã hội đã có cái nhìn thiện cảm hơn và luôn đồng hành cùng thầy - trò trên mọi nẻo đường. Điều đáng nói là, nhiều người đã thay đổi thái độ với GD.

Trước đây, một số người từng không mấy thiện cảm với GD nhưng nay họ đã phải thốt lên rằng, GD đã mang đến cho họ quá nhiều cảm xúc, từ bức xúc cho đến ngưỡng mộ. Và bây giờ là niềm tự hào! Tự hào vì ngành GD đã có những người thầy, người cô luôn hết mình vì học trò. Tự hào vì nhờ có các thầy, các cô mà ánh sáng tri thức đã về với buôn làng.

Trên thực tế, còn có vô vàn những câu chuyện xúc động về các thầy cô đang ngày đêm lăn lộn, bám trường, bám lớp và gắn bó với các em HS nơi vùng sâu, vùng xa của mảnh đất hình chữ S này. Họ chính là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa, cộng hưởng những giá trị tốt đẹp, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm đến với cộng đồng xã hội.

Tâm An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-nha-giao-nhan-dan-4033054-b.html