Những nhà giáo huyền thoại của mùa thu năm ấy

Mùa thu năm 1959, 860 thầy cô giáo trẻ ở miền xuôi theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tình nguyện lên đường mang 'con chữ' lên non, thắp lên ước mơ, tương lai tươi sáng cho học trò miền núi Tây Bắc.

Những người thầy miền xuôi tình nguyện lên Tây Bắc để những bản làng không còn heo hút.

Những người thầy miền xuôi tình nguyện lên Tây Bắc để những bản làng không còn heo hút.

Nhớ lại những ngày mùa thu lịch sử năm 1959, đất nước bắt đầu bước vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với nhiều khó khăn về kinh tế và văn hóa, tinh thần.

Ngày đó, 99% đồng bào các dân tộc Tây Bắc còn mù chữ, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại rất nặng nề.

Với mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục ở miền núi, góp phần làm cho vùng cao tiến kịp đồng bằng, năm 1959, hưởng ứng kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, 860 giáo viên các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ, tình nguyện xung phong lên các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào.

Báo Nhân Dân ra ngày 27/9/1959 trong bài xã luận “Hoan hô 860 giáo viên sắp lên đường phục vụ miền núi”, có đoạn: "Lớp cán bộ giáo dục miền xuôi đầu tiên xung phong lên công tác ở miền núi lần này hầu hết đều là anh chị em giáo viên quốc lập và dân lập cấp I và một số giáo viên cấp II và cấp III, ở hầu hết các tỉnh đồng bằng và trung du. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ðảng và thấm nhuần chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ, các đồng chí đã tự nguyện và quyết tâm góp phần đưa ánh sáng văn hóa tới các vùng miền núi, tới tận những vùng rẻo cao xa xôi nhất. Ðó là một thắng lợi của tinh thần yêu nước và tư tưởng xã hội chủ nghĩa, một thắng lợi của chính sách dân tộc của Ðảng và Chính phủ".

“Đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn”

Đã 60 năm trôi qua, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng kỷ niệm về những ngày đầu đến với Tây Bắc vẫn là một phần thiêng liêng trong đời sống tâm hồn của những người giáo viên tình nguyện năm nào.

Thầy Nguyễn Thanh Đàm, sinh năm 1932, tại Hà Nam, bồi hồi nhớ lại, năm 1951, thầy bắt đầu dạy bình dân học vụ, đến năm 1954, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường PTCS La Sơn (Hà Nam). Mùa thu năm 1959, phong trào xung phong tình nguyện lên Tây Bắc dạy học diễn ra sôi nổi, thực hiện lời kêu gọi của Bác, chấp nhận rời bỏ công việc ổn định, xa người vợ trẻ cùng con thơ, thầy Nguyễn Thanh Đàm cùng 48 giáo viên cấp I, cấp II của tỉnh Hà Nam đã xung phong tình nguyện lên dạy học ở Khu tự trị Thái-Mèo.

Trong lúc đất nước còn chiến tranh, đời sống còn khó khăn nhưng các thầy, cô vẫn quyết tâm đưa "con chữ" nảy mẩm trên đá. Ảnh: Thầy giáo Nguyễn Thanh Đàm ghi lại tại vùng cao Yên Bái

Dù nay đã ở tuổi 88, sức đã yếu, nhưng trong tâm trí thầy vẫn còn vẹn nguyên những kỷ niệm xúc động được đón Bác Hồ tới thăm, động viên.

Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, tất cả giáo viên được tập trung về Trường Bổ túc Công nông Trung ương tại Giáp Bát - Hà Nội để học những điều cần thiết cho công tác miền núi.

“Hôm đó, ngày 22/9/1959, đúng 15 giờ 30 phút, khi chúng tôi tập trung đông đủ như bao buổi học khác thì có một đoàn xe tiến sát cửa phía trên của hội trường. May mắn ngồi gần ở hàng ghế đầu nên tôi nhìn ngay thấy Bác Hồ từ xe bước ra trong tiếng hoan hô vang dậy của hàng nghìn người.

Tôi nhớ như in, Bác mặc bộ quần áo lụa màu gụ, đi đôi dép cao su đen, thoăn thoắt bước lên giữa sân khấu, giơ hai tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Cả hội trường lớn ồn ào là vậy mà không ai bảo ai, mọi người cùng ngồi xuống và yên lặng đến lạ kỳ. Đưa mắt nhìn hàng ghế đầu thấy có một số cô còn trẻ, Bác hỏi:

- Các cháu gái cũng xung phong lên miền núi à?

Lúc đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đứng lên:

- Thưa Bác, đây là các cô ở lớp mẫu giáo học bồi dưỡng, được ban tổ chức cho dự buổi đón Bác.

Bác hỏi tiếp:

- Thế các cháu có biết mẫu giáo là gì không?

- Thưa Bác, mẫu giáo là người mẹ thứ hai để dạy các cháu - một cô đứng dậy thưa.

Bác cười và dùng ngón tay vừa viết lên không khí vừa nói: "Có hai chữ "mẫu”, một chữ là mẹ, một chữ "mẫu” có thêm chữ "nữ” đứng cạnh để dùng chỉ người con gái thay mẹ dạy trẻ. Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được như thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây mới lên tốt. Dạy trẻ tốt thì sau này thành người tốt…”.

Buổi gặp mặt đó, Bác nói với 860 giáo viên các tỉnh miền xuôi tình nguyện xung phong lên công tác ở miền núi về những khó khăn, thử thách sẽ gặp phải khi công tác ở miền núi như: Giao thông đi lại khó khăn, bà con còn nhiều hủ tục, mê tín, trình độ học vấn còn thấp kém, nhiều người mù chữ…

Bác ân cần dặn dò, muốn lên miền núi phải có sức khỏe tốt, phải biết tổ chức tăng gia sản xuất, nhất là trồng rau xanh. Bác giao nhiệm vụ: Các cô, các chú phải đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào, phải làm cho đồng bào biết chữ, biết bỏ dần các tập quán lạc hậu, biết cải tiến cách trồng trọt, chăn nuôi để cho miền núi tiến dần kịp miền xuôi…

Để làm được thì các cô, các chú phải biết giữ gìn đoàn kết với đồng bào. Đặc biệt, Người nhắc nhở: "Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn!”.

Nguồn giáo viên lớn cho vùng cao được đào tạo tại Trường Sư phạm Dân tộc tỉnh Nghĩa Lộ (cũ).

Hình ảnh và lời dặn dò ân tình của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần để thầy giáo Nguyễn Thanh Đàm và lớp thế hệ giáo viên trẻ ngày ấy đến với rẻo cao Tây Bắc, Việt Bắc, thôi thúc họ hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn được giao.

Ngày đầu gây dựng sự nghiệp giáo dục trên đất khó

Ngày ấy, các thầy, cô là những thanh niên mười tám, đôi mươi, phơi phới, lạc quan, yêu đời, tràn đầy nhiệt huyết. Thế nhưng không thể kể hết được những khó khăn, gian khổ mà các thầy, cô đã trải qua trong những năm tháng ấy.

Tuy nhiên, với sức trẻ và nhiệt huyết cách mạng, họ đã xung phong bắt tay vào công cuộc dạy chữ, xóa mù, diệt giặc dốt cho học trò vùng cao. Đồng thời, hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất, loại bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới.

Thực hiện "ba cùng" với đồng bào, các thầy, cô sáng lên lớp, chiều cùng bà con lên nương, lên rẫy trồng khoai, sắn, làm ra lương thực thực phẩm.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Đàm dù tuổi đã cao vẫn không quên ký ức một thời đầy khó khăn gây dựng sự nghiệp giáo dục vùng cao. Ảnh: VGP/Nhật Nam

44 năm công tác trong ngành giáo dục với hơn 37 năm công tác trong ngành giáo dục ở Tây Bắc, thầy Nguyễn Thanh Đàm trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó, lâu nhất là tại Trường Sư phạm Dân tộc tỉnh Nghĩa Lộ (nay là thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái).

Những năm chiến tranh leo thang, Mỹ đánh bom nhiều đợt xuống Trường Sư phạm Dân tộc tỉnh Nghĩa Lộ nên trường phải dịch chuyển sơ tán. Khó khăn chồng chất, thầy và trò vừa xây dựng trường, vừa tổ chức dạy và học...

Vượt qua khó khăn của 6 năm liền sơ tán, thầy trò nhà trường vẫn vững vàng, hăng hái thi đua. Thầy Đàm và tập thể Trường Sư phạm Dân tộc Nghĩa Lộ đã đào tạo được hơn 800 giáo viên cho vùng cao, nhà trường vinh dự đạt danh hiệu “Trường tiên tiến chống Mỹ cứu nước”.

Tôi lại có may mắn được gặp thầy Trịnh Thoại và thầy Phạm Sỹ Quang. Là một trong số 24 giáo viên trong đoàn Hà Nội xung phong tình nguyện lên Tây Bắc, thầy Thoại cùng thầy Quang (từ Nghệ An) lên Bảo Nhai (Lào Cai), đến với đồi núi gập ghềnh và cuộc sống đầy khó khăn của đồng bào vùng cao.

Với những chàng trai tuổi 23 đương độ xuân xanh, hừng hực khí thế sẵn sàng xung phong lên đầu trận tuyến, họ không màng tới những gian nan thử thách đang đón đợi mình ở phía trước.

Hành trang trên vai là chiếc ba lô nặng trĩu chỉ toàn sách vở, các thầy đã đi bộ gần 50 km đường núi để đến với Bảo Nhai.

Lên đến nơi, giáo án, sổ sách không có, trường lớp không, học sinh chắc chắn là không. Thứ duy nhất hai thầy giáo trẻ có là tấm lòng và sự quyết tâm.

Lúc này, cả xã chưa ai biết chữ, cũng rất ít người nói được tiếng Kinh, muốn đi từ bản này sang bản nọ phải mất cả ngày đường.

Gian khổ, khó khăn không làm nhụt ý chí những người thầy giáo trẻ. Các thầy tự mày mò học tiếng đồng bào và tìm đến từng nhà làm quen với bà con, lập danh sách trẻ em trong độ tuổi vận động đi học.

Có sự giúp sức của nhân dân, trường lớp đã thành hình. Một gian nhà tranh nứa được dựng lên làm trường học, những chiếc cọc tre đóng xuống thành bốn góc, đủ để ghép lên những mảnh ván mỏng làm bàn.

Học sinh đến trường được các thầy dạy cho biết chữ, tập hát, múa, biểu diễn văn nghệ, tập thể dục, thể thao. Các em còn được thầy hướng dẫn tăng gia, sản xuất, tự túc trồng lúa, khoai, sắn...

Trong những năm tháng khó khăn đó, lúc cái đói, cái rét và cả bệnh sốt rét rừng hoành hành thì lớp học của trẻ đồng bào dân tộc do hai thầy Thoại và Quang đứng lớp vẫn vang đều tiếng trẻ học bài.

“Ba lô sách nặng mòn vai khoác/ Lội suối trèo non đến mọi nhà/ Tìm trò dạy chữ yêu đất nước… Chống gậy tìm trò/ Dốc cao đèo vắng/ Suối ngàn rau đắng/ Bục giảng nứa bương/ Mõ trường gọi trẻ… Quên sao được trời Bảo Nhai nắng lửa/ Đàn ngựa thồ hí vang vọng núi non/ Mảng nứa dại vượt lũ tràn sông Chảy/ Trường đảm đang ơi cô gái Nậm Mòn…”.

Đó chính là kỷ niệm những ngày đầu gây dựng sự nghiệp giáo dục trên đất khó trong thơ người thầy Trịnh Thoại. Sau tất cả những cố gắng, nỗ lực, các thầy cũng chỉ tập hợp được hơn chục học sinh ra lớp, nhưng “Ngôi trường mới ấm tình dân bản/ Buổi đầu tiên luyện mãi chữ i - tờ…”.

Tình cảm của bà con dân bản, những gương mặt trẻ thơ trong sáng khao khát học được con chữ… chính là động lực giúp các thầy vượt qua tất cả. Từ đó, các thầy trở thành người con của các "ếm, ải" và là người thầy của các "noọng" bé thơ.

Những ngày đầu, thầy trò vừa học, vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở. Thầy dạy trò chữ quốc ngữ, trò dạy lại thầy tiếng Thái, tiếng Tày. Chỉ qua một mùa nương, các lớp học đã dần ổn định, tiếng mõ ngày ngày đã vang lên báo giờ lên lớp.

Thấm thoắt đã 60 năm kể từ ngày 860 giáo viên miền xuôi tình nguyện rời xa quê hương, xa người thân, mang theo “Ngọn cờ đỏ của Ðảng để cắm lên những ngọn núi cao nhất” của Tây Bắc, Việt Bắc như lời của Nhà thơ Tố Hữu.

Từ buổi đầu xanh đến khi mái tóc đã chuyển màu mây trắng, cuộc đời, sự nghiệp đã gắn bó các thầy một cách máu thịt với Tây Bắc. Những giáo viên ấy đã lấy miền núi làm quê hương thứ hai, coi đồng bào các dân tộc thiểu số như anh em ruột thịt nơi núi rừng thuộc Khu tự trị Thái-Mèo

Những người thầy đã bám bản, bám dân, vừa nỗ lực đưa chữ đến cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là những người cán bộ mẫn cán, giúp đồng bào giác ngộ chính trị, làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của người thanh niên và người giáo viên yêu nước. Chính họ đã tạo nên sức bật cho giáo dục miền núi trong suốt những năm tháng khởi đầu.

Chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò dân tộc

"Thế hệ các thầy Quang, thầy Thoại, thầy Đàm là biểu tượng của lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò, tinh thần vượt khó, là động lực cho lớp giáo viên trẻ hôm nay tiếp tục dâng trọn sức trẻ, tuổi thanh xuân cho miền núi, đem ánh sáng văn hóa của Đảng đến với đồng bào, giúp cho miền núi tiến dần kịp miền xuôi như lời căn dặn của Bác", Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái Vương Văn Bằng chia sẻ.

Thế hệ các thầy, cô giáo tuổi đôi mơi năm xưa giờ đều đã lên lão. Nhiều người sau khi hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình đã thanh thản về với đất mẹ.

"Thời gian lùi xa, nhiều điều đã đổi thay nhưng một điều thế hệ hôm nay luôn ghi nhận các thầy, cô năm ấy chính là những người đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp giáo dục Tây Bắc với nhiều thành tích quan trọng cho đến tận hôm nay. Đó cũng thực sự là những tấm gương sáng để thế hệ hôm nay biết ơn và tiếp nối", ông Vương Văn Bằng khẳng định.

Thầy Phạm Sỹ Quang bồi hồi khi nhắc đến các thế hệ học trò ngày càng trưởng thành, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, góp sức xây bản làng heo hút, lạc hậu năm xưa phát triển, từng bước thực hiện Nghị quyết của Đảng, đưa miền núi tiến kịp với miền xuôi.

Mồ hôi, công sức và sự hy sinh của các thầy, cô giáo miền xuôi đã đơm hoa, kết trái ngọt lành trên các vùng rẻo cao Tây Bắc.

Thầy Nguyễn Thanh Đàm cho rằng, chính những khó khăn, vất vả ngày xưa đã tôi luyện, rèn giũa để thầy và các đồng nghiệp trưởng thành, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó.

Thầy Trịnh Thoại vẫn lưu giữ kỷ niệm những ngày gian khó qua các bài thơ của mình. Ảnh: VGP/Nhật Nam

"Sáu mươi năm/ Dáng xưa... còn đó/ Lời Bác dặn còn đây.../ Hoàng Liên Sơn cao vút trời mây!". Thầy Trịnh Thoại lại ngân nga những vần thơ và trong đôi mắt thăm thẳm của ông giáo, tôi cảm nhận ông đang hồi tưởng lại những thước phim quay chậm về chặng đường gian nan gieo chữ trồng người của ông và các đồng nghiệp. Chặng đường ấy không chỉ có mồ hôi công sức, mà có cả máu, nước mắt và nhiều quãng đời thanh xuân nơi rừng sâu, núi thẳm của các thế hệ "đưa đò" thầm lặng ở vùng cao Tây Bắc.

Tin tưởng rằng, trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống cao quý của những người giáo viên "xung phong" ngày ấy, mỗi "chuyến đò" của ngày hôm nay và trong tương lai sẽ đều là những chuyến "đò đầy" chở những yêu thương, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò vùng cao đến với chân trời tri thức.
Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/nhung-nha-giao-huyen-thoai-cua-mua-thu-nam-ay/374294.vgp