Những nhà đồng sáng lập ít được biết đến của các công ty công nghệ lớn

Không phải ai cũng biết hãng xe điện Tesla được thành lập bởi 5 người, chứ không chỉ một mình tỷ phú Elon Musk. Có không ít nhà đồng sáng lập đã góp công trong việc tạo ra những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, nhưng tên tuổi của họ lại ít được biết tới.Steve Wozniak - nhà đồng sáng lập AppleRonald Wayne – nhà đồng sáng lập AppleCác nhà đồng sáng lập Tesla Paul Allen – nhà đồng sáng lập Microsoft

Apple (ban đầu có tên là Apple Computer) được thành lập vào năm 1976 bởi Steve Wozniak, Steve Jobs và Ronald Wayne. Steve Wozniak thiết kế máy tính, trong khi Steve Jobs phụ trách marketing, còn Ronald Wayne là người hòa giải.

Hai nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobbs (trái) và Steve Wozniak (phải) (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Hai nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobbs (trái) và Steve Wozniak (phải) (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Steve Wozniak (hay còn gọi là Woz) từng làm việc tại tập đoàn công nghệ Hewlett-Packard (HP). Vào năm 1976, ông đã tạo ra một máy vi tính mới, nhưng không được công ty chấp thuận. Người đồng nghiệp Steve Jobs đã thể hiện sự nhiệt tình với thiết kế của Woz. Hai kỹ sư máy tính quyết định hợp tác cùng nhau và thành lập công ty có tên Apple Computer.

Bộ đôi từng hợp tác vô cùng ăn ý, minh chứng là các thành công liên tiếp của máy tính cá nhân Apple I và Apple II. Thế nhưng khi công ty ngày càng mở rộng, giữa Steve Jobs và Steve Wozniak bắt đầu xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Trong cuộc phỏng vấn với chuyên gia Công nghệ Guy Kawasaki trên Apple Podcast, Woz chia sẻ rằng dường như Steve Jobs vô cùng chú trọng về vấn đề tiền bạc trong khi ông lại không mấy đặt nặng chuyện này. Trong suốt những năm làm việc tại Apple, Wozniak để Jobs tập trung vào kinh doanh, còn mình dành thời gian phát triển phần mềm và phần cứng.

Vào tháng 2/1985, Steve Wozniak đã rời Apple sau gần 10 năm cống hiến và gắn bó. Cùng năm đó, nhà phát minh đã thành lập CL 9, công ty sản xuất điều khiển từ xa đa năng. Ngoài ra, ông còn là nhà đồng sáng lập của Electronic Frontier Foundation, một tổ chức cung cấp trợ giúp pháp lý cho các hacker máy tính đang bị truy tố hình sự. Vào năm 2002, Wozniak tiếp tục thành lập Wheels of Zeus (WoZ), một liên doanh bắt đầu với mục đích phát triển công nghệ GPS không dây.

Wozniak cho biết mặc dù đã rời Apple từ lâu, ông vẫn tiếp tục nhận lương đều đặn mỗi tuần. Dù số tiền nhận được chỉ khoảng 50 USD sau thuế, con số này vẫn là một giá trị mang tính biểu tượng.

Nhà đồng sáng lập ít được biết đến hơn cả của Apple là Ronald Wayne. Trong khi 90% cổ phần được chia đều cho Steve Jobs, và Steve Wozniak, Ronald Wayne chỉ nắm giữ 10% cổ phần còn lại và đóng vai trò hòa giải trong các cuộc thảo luận.

Ronald Wayne - nhà đồng sáng lập ít được biết đến của Apple (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Theo lời ông Wayne, Wozniak là một thiên tài về chế tạo, nhưng không hề quan tâm đến việc kinh doanh, ông chỉ làm mọi thứ vì đam mê. Trong khi đó Steve Jobs lại là một chuyên gia bán hàng nhận thấy tiềm năng và muốn thương mại hóa sản phẩm của Wozniak. Chính ông Wayne đã thuyết phục Wozniak về việc thành lập công ty, đồng thời là người soạn thảo ra một văn bản thỏa thuận, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng người.

Tuy nhiên, Ronald Wayne chỉ đồng hành cùng Apple 12 ngày. Giai đoạn đầu, Steve Jobs đã vay 15.000 USD để mua vật tư cần thiết cho hợp đồng bán máy tính với The Byte Shop - công ty từng có tiền lệ quỵt thanh toán.

Khi ấy, cả Steve Wozniak và Steve Jobs đều còn trẻ và không có tiền mặt, trong khi Wayne đã 42 tuổi và xây dựng được tài sản riêng. Ông lo ngại mình sẽ trở thành người phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu công ty không trả được khoản vay 15.000 USD. Do đó, Wayne đã bán toàn bộ cổ phần của mình với giá 800 USD và rời Apple. Nhà đồng sáng lập từng chia sẻ ông không hối hận về quyết định này.

Tesla được thành lập vào năm 2003 bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning, lần lượt là Giám đốc điều hành và Giám đốc tài chính của công ty. Ian Wright đã gia nhập Tesla chỉ vài tháng sau khi công ty được thành lập.

Martin Eberhard (trái) và Marc Tarpenning (phải) (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Ba nhà đồng sáng lập tham vọng tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô bằng cách tạo ra những chiếc xe điện giá cả phải chăng, thân thiện với môi trường và hiệu suất tốt. Để thực hiện giấc mơ này, họ cần có vốn. Đó là khi Elon Musk xuất hiện.

Đến tháng 2/2004, Tesla đã huy động được 7,5 triệu USD trong vòng huy động vốn Series A, trong đó Elon Musk là nhà đầu tư rót nhiều tiền nhất với khoản vốn 6,36 triệu USD. Kết quả là, ông Musk trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tesla. Nhà đồng sáng lập cuối cùng - JB Straubel đã gia nhập công ty vào tháng 5/2004 với tư cách là Giám đốc Công nghệ.

Vào năm 2007, Elon Musk trở thành Giám đốc điều hành của Tesla thay cho Eberhard. Hai nhà sáng lập đầu tiên đã rời đi ngay sau đó.

Vào năm 2009, Martin Eberhard đã kiện Elon Musk với cáo buộc vị CEO mới đã cố gắng "viết lại lịch sử" Tesla một cách sai trái khi chối bỏ vị trí nhà sáng lập của ông. Sau nhiều tháng tranh luận, Eberhard cuối cùng đã rút đơn kiện và tòa án kết luận rằng cả 5 người – Elon Musk, Martin Eberhard, Marc Tarpenning, JB Straubel, và Ian Wright đều là các nhà đồng sáng lập Tesla.

Sau khi rời công ty, Eberhard và Tarpenning đã làm việc cùng nhau trong một số dự án xe điện khác, bao gồm Volkswagen và SF Motors. Wright rời đi một năm sau khi gia nhập Tesla và thành lập Wrightspeed - công ty phát triển các bộ phận điện cho xe tải. Straubel giữ vị trí Giám đốc công nghệ của Tesla cho đến tháng 7/2019, sau đó tham gia vào hội đồng quản trị của QuantumScape – công ty phát triển pin lithium cho xe điện.

Bill Gates và Paul Allen quen nhau từ khi học cấp 2 tại trường Lakeside. Hai người bạn đã cùng nhau thành lập Microsoft vào năm 1975. Tên gọi ban đầu của công ty là "Micro-soft" với nghĩa "vi tính" và "phần mềm". Năm 1980, Allen đã mở đầu cho sự đi lên của Microsoft khi mua lại hệ điều hành có tên là QDOS với giá 50.000 USD.

Paul Allen (trái mỗi hình) và Bill Gates (phải) là những người bạn thân lâu năm (Ảnh: Nguồn quốc tế)

Ban đầu, Paul Allen giữ vai trò Phó chủ tịch điều hành công ty. Ông rời Microsoft vào năm 1983 sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư hạch bạch huyết có Hodgkin. Nhà đồng sáng lập tiếp tục là một thành viên Hội đồng quản trị cho tới năm 2000, và sau đó giữ vai trò cố vấn chiến lược cấp cao. Trong cuốn hồi ký "Idea man", Allen tiết lộ Bill Gates từng muốn mua cổ phiếu của ông với giá 5 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên Allen yêu cầu mức giá 10 USD và Gates đã từ chối.

Paul Allen từng là một trong những người giàu nhất thế giới. Ngoài lĩnh vực công nghệ, ông còn đầu tư vào bất động sản, nghệ thuật và thể thao. Tỷ phú này sở hữu các bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật đắt giá, nhiều biệt thự và du thuyền xa hoa, cùng với các đội thể thao chuyên nghiệp.

Tới năm 2009, bệnh ung thư của Allen tái phát khiến ông phải điều trị trong một thời gian dài. Và đến ngày 15/10/2018, nhà đồng sáng lập đã qua đời ở tuổi 65. Theo hãng tin Bloomberg, khối tài sản mà ông Allen để lại là hơn 26 tỷ USD.

Giống với người bạn thân Bill Gates, Paul Allen cũng là một nhà từ thiện tích cực. Ông đã quyên góp hơn 2 tỷ USD trong suốt cuộc đời của mình.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/nhung-nha-dong-sang-lap-it-duoc-biet-den-cua-cac-cong-ty-cong-nghe-lon-164756.html