Những nhà báo có ảnh hưởng lớn với thế giới

VH- Họ đã quên mình để đóng góp cho sự phát triển và hòa bình trên thế giới, và ngày nay khi nhắc đến họ tất cả chúng ta đều dùng những lời kính trọng.

Marie Colvin

Chuyện về ba nhà báo nữ

Đầu tiên, phải kể đến huyền thoại của giới truyền thông - Katharine Graham (1917 - 2001). Chính nữ nhà báo này cũng là người đưa tên tuổi của Thời báo Washington Post trở nên lừng lẫy khắp năm châu với sự kiện Watergate 1972.

Bất chấp lệnh cấm đăng tải những tài liệu mật của Lầu Năm Góc về cuộc chiến tranh Việt Nam, bất chấp cả những lời đe dọa của Chính phủ Nixon, bà vẫn quyết công khai những thông tin này.

Luôn tâm niệm rằng “trách nhiệm của người làm báo chính là tận lực truyền tải toàn bộ tin tức một cách chân thực, toàn diện, công tâm và chất lượng nhất”, bà đã chèo lái Washington Post lội ngược dòng vạch trần những bê bối tồi tệ nhất của Chính phủ Mỹ, chiến đấu tới cùng buộc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Bằng sự thông minh và quyết đoán của mình, Katharine Graham cũng chính là người đặt tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới của một nền báo chí tự do.

Người tiếp theo phải kể đến là Barbara Walters, là một trong những nhà báo Mỹ có ảnh hưởng lớn tới báo chí thế giới. Bà cũng là một trong những phụ nữ đầu tiên thành công trong nghiệp báo.

Những cuộc phỏng vấn của bà với các nhân vật nổi tiếng Golda Meir, Robert Kennedy, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ George W. Bush… khiến tên tuổi bà giống như hiện tượng trong làng báo chí.

10 năm bà gắn bó với chương trình buổi sáng Today của đài NBC, 25 năm là nhà đồng sản xuất chương trình 20/20 của tạp chí ABC, bà luôn thể hiện bản lĩnh của nhà báo.

Nổi tiếng với loạt phóng sự lên án cuộc chiến Chechnya và những hành vi vi phạm nhân quyền ở Chechnya, nữ nhà báo Anna Politkovskaya đã trở thành biểu tượng của lòng quả cảm trong lòng nhân dân Nga. Là một nhà văn, nhà báo, Anna Politkovskaya còn là một nhà hoạt động nhân quyền, bà đã từng đóng vai trò trung gian hòa giải trong vụ khủng bố tại nhà hát Moskva.

Anna Politkovskaya

Năm 2006, bà bị ám sát ngay chính tại nơi ở của mình. Cái chết của bà gây nên một làn sóng phẫn nộ không chỉ ở Nga mà còn lan ra trên toàn thế giới. Để kỉ niệm ngày giỗ đầu của Anna Politkovskaya, tổ chức “Reach all Women in War” (RAW in WAR) - một tổ chức nhân quyền tập trung vào việc ngăn chặn bạo lực đối với các phụ nữ trong chiến tranh và xung đột - đã lập ra “Giải thưởng Anna Politkovskaya”, nhằm tôn vinh các phụ nữ hoạt động nhân quyền, giống như Politkovskaya, sống một cuộc sống dũng cảm và nói lên sự thật, đối mặt với hiểm nguy nghiêm trọng, đứng về phía các nạn nhân của cuộc xung đột, chấp nhận nguy hiểm cá nhân.

Marie Colvin nổi tiếng với câu nói: “Nhiệm vụ của nhà báo là tường thuật những điều khủng khiếp của chiến tranh một cách chính xác và không định kiến”, Marie Colvin đã dành cả cuộc đời để cống hiến theo nguyên tắc sống của mình.

Đôi chân của Marie Colvin đã in dấu trên nhiều chiến trường khốc liệt nhất thế giới, từ Chechnya đến Sierra Leone, từ Zimbabwe đến Tunisia, Ai Cập và Libya.

Từng bị mất một mắt trong một lần cố gắng đột nhập vào hang ổ của phiến quân Những con hổ giải phóng Tamil, nhưng nguy hiểm trong nghề chưa một lần nào có thể làm khó bà. Marie Colvin đã phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình để có được sự thật. Cái giá phải trả để nói lên sự thật có thể rất cao, nhưng để thế giới hiểu được chiến tranh là tội ác với những phóng viên chiến trường cái giá đó là vô giá.

Những nhà báo luôn đứng về sự thật

Tất nhiên, phái mạnh cũng có những đóng góp không kém trong lĩnh vực báo chí. Walter Cronkite là nhà báo nổi tiếng người Mỹ và được biết đến nhiều trong vai trò phát thanh viên chương trình Evening News (Bản tin thời sự buổi tối) của CBS. Ông được tôn vinh là “Người đàn ông đáng tin cậy nhất ở Mỹ” và nổi danh cùng các sự kiện như Thế chiến II, vụ ám sát John Kennedy, cuộc đổ bộ của con người lên Mặt trăng, cuộc chiến tranh Việt Nam…

Edward Murrow

Trong 12 năm gắn bó với chương trình Evening News, hàng triệu người Mỹ chăm chú theo dõi Cronkite nói. Chương trình này luôn được xếp hạng cao trong những năm nhà báo kỳ cựu Cronkite làm việc. Cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc đổ bộ lên Mặt trăng đều có những dấu ấn rất riêng qua góc nhìn của nhà báo tài năng Cronkite.

Edward Murrow là phát thanh viên nổi tiếng thế giới. Ông gây chú ý với hàng loạt tin truyền thanh trong Thế chiến II, thu hút hàng triệu thính giả ở Mỹ và Canada. Ông được coi là người đi tiên phong trong thể loại tường thuật thời sự nước ngoài qua sóng radio.

Năm 1937, Murrow cùng vợ đến London đảm nhiệm vị trí thông tín viên của Đài phát thanh CBS. Với tài ăn nói hoạt bát, cách dùng từ bậc thầy, ông trở thành một trong những giọng phát thanh được yêu mến và quen thuộc nhất nước Mỹ thời bấy giờ. Sau thế chiến thứ II, ông thực hiện rất nhiều phóng sự truyền hình về chiến tranh Lạnh.

Năm 1961, Murrow rời CBS và nhận vị trí giám đốc Cơ quan Thông tin Mỹ do Tổng thống John Kennedy bổ nhiệm. Ông qua đời ngày 27.4.1965 để lại cho những thế hệ nhà báo kế cận những kinh nghiệm, kỹ năng, lòng nhiệt huyết cũng như sự dũng cảm bất chấp nguy hiểm khó khăn khi tác nghiệp.

Tim Russert (1950 – 2008) được coi là một trong những nhà báo hình Mỹ có ảnh hưởng lớn tới báo chí thế giới. Ông đảm nhiệm chương trình Meet the Press vào mỗi sáng Chủ nhật và xuất hiện trong các chương trình thời sự hằng ngày như Today vào buổi sáng, Nightly News vào buổi tối… Ngoài ra, ông giữ chức Giám đốc chi nhánh của NBC News đặt tại Washington và là Phó chủ tịch của NBC News trước khi qua đời.

Ông được biết đến là phóng viên yêu nghề và tâm huyết với công việc. 17 năm cống hiến tận tụy với chương trình Meet the Press để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Ông ra đi ở tuổi 58 trong sự thương tiếc của người dân Mỹ.

CHI MAI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/nh%E1%BB%AFng-nh224-b225o-c243-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-l%E1%BB%9Bn-v%E1%BB%9Bi-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi