Những nhà báo áo lính trong đại dịch Covid-19

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 tuy chưa đến hồi kết, nhưng những gì chúng ta giành được đã khẳng định vị thế của ngành y tế nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Trong thắng lợi chung đó, đội ngũ phóng viên cũng có những đóng góp không hề nhỏ. Đó không đơn giản chỉ là những bài phản ánh tình hình, các nhà báo tham gia chống dịch còn mang trên mình sứ mệnh: 'Giúp người bên trong khu cách ly yên tâm, giúp người dân bên ngoài hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và khả năng lây lan'.

Vì vậy, nhà báo tuy không trực tiếp "giành giật" sự sống như các thầy thuốc nơi tuyến đầu, nhưng cũng phải dấn thân vào nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Muốn bài viết thực sự “mang hơi thở cuộc sống”, có tính thời sự, phóng viên phải tiếp xúc, phỏng vấn những người đi từ vùng dịch trở về trong các trung tâm cách ly.

Giống như nhiều vùng trên cả nước, cánh phóng viên trên địa bàn Quân khu 5, nhất là các phóng viên mặc áo lính, đã không quản ngại đến tận giường của khu cách ly để phản ánh tình hình, kịp thời định hướng dư luận, góp phần đẩy lùi nạn tin giả lan truyền trên các mạng xã hội.

 Phóng viên mặc áo lính, đã không quản ngại đến tận giường của khu cách ly để phản ánh tình hình.

Phóng viên mặc áo lính, đã không quản ngại đến tận giường của khu cách ly để phản ánh tình hình.

Khoảng thời gian đầu tháng 2-2010, tin dịch bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc) với tỉ lệ người chết trên tổng số người nhiễm bệnh cao, gây nên những hoang mang trong dân chúng. Do đó, khi nghe tin nơi sinh sống của mình sẽ tổ chức khu cách ly để đón người từ vùng dịch trở về, người dân có tâm lý lo lắng. Nếu như ở Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng) xung quanh chỉ hơn chục hộ dân sinh sống, thì Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng) đóng ngay phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu là nơi dân cư đông đúc, gần khu du lịch Xuân Thiều. Vì vậy, để ổn định tình hình, tạo sự yên tâm trong nhân dân, cùng với các biện pháp tuyên truyền vệ sinh phòng dịch của các cấp chính quyền, báo chí cũng nhanh chóng vào cuộc.

Ông Nguyễn Tấn Tài (trú tại Hòa Khánh Bắc, Liên Chiều), nhà gần trung tâm chia sẻ: “Hồi đầu, mới nghe tin khu vực mình sinh sống sắp có người trở về từ vùng dịch, tôi sắp xếp cho mấy đứa cháu về quê gấp. Song khi đọc báo, tôi mới hiểu rõ về khả năng lây bệnh, cách phòng ngừa nên thấy cũng yên tâm”.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo, tính từ ngày 2-2-2020 đến ngày 4-5-2020, đã có 375 tin bài được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Quân khu 5… tuyên truyền về hoạt động phòng, chống dịch bệnh của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 nơi tuyến đầu. Để có được số lượng tin bài như vậy, các nhà báo phải “vượt qua chính mình”, nghĩa là chấp nhận đi vào nơi mà nhiều người không dám đến.

Phóng viên Báo-Truyền hình Quân khu 5 tác nghiệp tại khu cách ly tập trung của các đơn vị thuộc Quân khu 5 trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Thiếu tá, nhà báo Phan Văn Xuân, Phó tổng biên tập Báo Quân khu 5 nhớ lại: “Ngày 24-2, chúng tôi nhận được thông báo đợt cách ly đầu tiên từ Hàn Quốc đã về đến Đà Nẵng. Tòa soạn bố trí tôi và Đại úy, phóng viên Lê Tây lập tức lên đường tác nghiệp. Lúc ấy, mặc dù đã chuẩn bị tốt tư tưởng, nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi lo lắng. Vì mới chỉ nghe tin chủng virus corona mới này rất dễ lây lan, nguy cơ nhiễm bệnh cao chứ chưa tiếp xúc với người bệnh bao giờ”.

Có thể nói, các hoạt động bên trong khu cách ly muốn đến được với công chúng không thể thiếu được vai trò của báo chí. Thông qua báo chí, người thân của những người từ vùng dịch về yên tâm. Đồng thời, qua ống kính, cảm nhận, ghi chép của phóng viên, sự gian lao, hiểm nguy của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch được nhân dân cảm thông và chia sẻ.

Mỗi lần nhắc đến cảm giác ban đầu khi tiếp xúc với người từ vùng dịch trở về, nhà báo Phan Văn Xuân vẫn không nguôi cảm giác lẫn lộn: “Khi đó chúng tôi cứ nghĩ mình mới là người lo lắng nhất, nhưng vào trong mới hiểu tâm trạng của người được cách ly. Đợt đầu là đoàn du học sinh từ Hàn Quốc trở về, có người chưa bao giờ đến Đà Nẵng và càng không biết doanh trại bộ đội là như thế nào. Họ hoang mang vì không biết mình có bị nhiễm bệnh không, ở nơi xa lạ được chăm sóc ra sao… Nhà báo bất đắc dĩ trở thành người động viên họ yên tâm cách ly, cuộc sống đã có nhà nước, quân đội lo liệu”.

Cùng với việc truyền tải thông tin về tình hình dịch bệnh, báo chí còn đem đến cho bạn đọc hình ảnh các y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly, giúp bạn đọc cảm nhận được sự căng thẳng, hiểm nguy và vất vả của “những người nơi tuyến đầu chống dịch”.

Bài, ảnh: NGUYÊN AN NHIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhung-nha-bao-ao-linh-trong-dai-dich-covid-19-623822