Những nhà băng nào đang sốt vó với vụ 'lau sàn' cổ phiếu FTM?

Những chủ nợ lớn của FTM khó lòng yên tâm với khoản cho vay hàng trăm tỷ đồng của mình, trong đó có ngân hàng BIDV và VDB.

Mới đây, báo Đầu tư Chứng khoán dẫn nguồn tin cho biết, có hơn 10 công ty chứng khoán đã bị mất khả năng thu hồi vốn cho vay kỹ quỹ sau khi cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân bị mất thanh khoản khi giảm từ hơn 24.000 đồng/cp vào ngày 14/8 xuống còn khoảng 4.500 đồng/cp hiện nay. Bên cạnh đó, có 2 chủ nợ là ngân hàng cũng bị thiệt hại liên quan . Điều này khiến dư luận không khỏi đặt nghi vấn về việc cổ phiếu FTM bị làm giá và có dấu hiệu thao túng.

Vốn hóa thị trường của FTM đã giảm hơn 80% sau 24 phiên giảm sàn liên tiếp. Các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay cầm cố cổ phiếu FTM đã không thể bán giải chấp thu hồi vốn dẫn đến thiệt hại ước tính lên đến gần 200 tỉ đồng.

Tình hình tại FTM ngày càng thêm rối ren khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Giang - người thay thế ông Lê Mạnh Thường đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch ngày 16/9 vừa qua.

Trong bối cảnh đó, những chủ nợ lớn của FTM khó lòng yên tâm với khoản cho vay hàng trăm tỷ đồng của mình. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – chi nhánh Thái Bình với khoản vay 304,2 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh Bắc Hà Nội với khoản vay 386,5 tỷ đồng là 2 chủ nợ lớn nhất của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân tính đến hết ngày 30/6/2019.

Với khoản vay ngắn hạn, FTM đang vay tổng cộng 476,6 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn (bằng VND) 181,2 tỷ đồng của BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội; vay bằng đồng USD từ BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội và VPBank lần lượt 136,1 tỷ và gần 29 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dùng nhiều tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay trên, như: máy móc thuộc dây chuyền sản xuất 1.740 tấn, kho vật liệu phụ, hợp đồng thế chấp quyền sở hữu căn hộ ngày 13/6/2016 ký giữa ông Lê Mạnh Thường, bà Bùi Thị Hằng và các ngân hàng.

Xét về các khoản vay dài hạn, công ty nợ 60 tỷ đồng tại VDB – chi nhánh Thái Bình; 38,5 tỷ đồng (bằng VND) và 8,5 tỷ đồng (bằng USD) tại BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội.

FTM cũng kế thừa 3 khoản vay dài hạn từ CTCP Tập đoàn Đại Cường. Đó là các khoản vay 244,2 tỷ đồng từ VDB – chi nhánh Thái Bình; 9,2 tỷ đồng (vay bằng VND) và 13 tỷ đồng (vay bằng USD) từ BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội.

Tài sản thế chấp cho các khoản vay dài hạn là Nhà máy Đức Quân 2 (công suất 4/500 tấn/năm) của FTM, được hình thành sau đầu tư từ vốn tự có và vốn vay của VDB – chi nhánh Thái Bình. Tài sản thế chấp khác của công ty tương đương tối thiểu 10% tổng số vốn vay để đảm bảo tiền vay, dự án đầu tư xây dựng nhà máy Đại Cường 5 (công suất 8.700 tấn/năm).

Với các khoản vay dài hạn tại BIDV – chi nhánh Bắc Hà Nội, FTM thế chấp nhà máy Đức Quân 2 và các tài sản nhà xưởng, máy móc thiết bị của phân xưởng PE thuộc nhà máy Đại Cường 1.

Đến cuối kỳ, FTM đang có 130 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả. Trong đó, 20,6 tỷ đồng tại VDB – Chi nhánh Thái Bình; 38,5 tỷ đồng tại BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội và 8,5 tỷ đồng cũng tại BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội (bằng đồng USD); Và một số khoản vay kế thừa đến hạn trả từ CTCP Tập đoàn Đại Cường, như: 40,5 tỷ đồng tại VDB – Chi nhánh Thái Bình; 9,2 tỷ đồng và 13 tỷ đồng (vay bằng USD) từ BIDV – Chi nhánh Bắc Hà Nội.

Liên quan đến sự việc này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây cũng đã cho biết đã nắm được thông tin và hiện đang cùng các đơn vị chức năng, đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật

Hiện tại, UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo qui định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin.

"Do sự việc mới đang trong quá trình triển khai nên chưa có thông tin chi tiết, cụ thể, nên khi có thông tin chính xác sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ tới các cơ quan thông tấn, báo chí theo quy định", UBCKNN cho biết.

UBCKNN cho rằng đây là sự việc nhận được sự quan tâm của thị trường và dư luận, do đó, lãnh đạo UBCKNN đã quán triệt tinh thần với các đơn vị chuyên môn là tiến hành một cách nghiêm túc, cẩn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và xử lí nghiêm nếu phát hiện các sai phạm.

"Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông chính xác, kịp thời, minh bạch tới nhà đầu tư và thị trường", UBCKNN cho biết.

Sự lao dốc kinh khủng của FTM trong 1 tháng nay (Ảnh Cafef)

Sự lao dốc kinh khủng của FTM trong 1 tháng nay (Ảnh Cafef)

Hoàng Dung

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhung-nha-bang-nao-dang-sot-vo-voi-vu-lau-san-co-phieu-ftm-282394.htm