Những nguyên tắc cần nhớ và phác đồ điều trị bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm thường gặp. Điều trị bệnh thủy đậu sớm theo đúng nguyên tắc và phác đồ là cơ sở để ngăn chặn bệnh tiến triển và rút ngắn thời gian điều trị.

Nội dung:

1. Nguyên tắc điều trị bệnh thủy đậu
2. Phác đồ điều trị bệnh thủy đậu
2.1. Điều trị kháng virus cho bệnh nhân thủy đậu
2.2. Các điều trị bệnh thủy đậu hỗ trợ
2.3. Điều trị tích cực các biến chứng của bệnh
3. Phòng chống lây nhiễm bệnh

1. Nguyên tắc điều trị bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do Varicella Zoster Virus gây nên, đặc trưng bởi sự xuất hiện các mụn nước trên bề mặt của cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh tương đối lành tính, dễ điều trị và ít khi để lại biến chứng. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả điều trị, việc điều trị bệnh thủy đậu cũng cần phải tuân thủ theo một số nguyên tắc nhân định bao gồm:

- Bệnh thủy đậu chưa có thuốc điều trị đặc hiệu: Bệnh thủy đậu là bệnh do virus gây nên. Do đó, cho đến hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị nào có tác dụng đặc hiệu cho bệnh. Các điều trị được thực hiện trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu vẫn chủ yếu bao gồm các điều trị triệu chứng của bệnh.

- Đảm bảo vệ sinh cơ thể: Đảm bảo vệ sinh cơ thể của người bệnh trong điều trị bệnh thủy đậu đóng vai trò quan trọng. Vệ sinh cơ thể tốt vừa giúp bệnh nhân hạn chế được nguy cơ xảy ra bội nhiễm, vừa giúp giảm nguy cơ phát tán mầm bệnh ra xung quanh.

Để đảm bảo vệ sinh đúng cách bạn có thể tham khảo các hướng dẫn trong Vệ sinh nốt mụn thủy đậu, đặc biệt nốt mụn trong miệng an toàn.

- Thuốc kháng virus nên được sử dụng: Thuốc kháng virus nên được sử dụng sớm trong điều trị bệnh thủy đậu, tốt nhất trong vòng 24h kể từ khi có các biểu hiện triệu chứng phát ban của bệnh. Sử dụng thuốc kháng virus đúng cách trong điều trị thủy đậu có thể cải thiện đáng kể tiên lượng và rút ngắn thời gian điều trị bệnh thủy đậu.

Điều trị bệnh thủy đậu cần được điều trị theo đúng nguyên tắc (Ảnh: Internet)

Điều trị bệnh thủy đậu cần được điều trị theo đúng nguyên tắc (Ảnh: Internet)

2. Phác đồ điều trị bệnh thủy đậu2.1. Điều trị kháng virus cho bệnh nhân thủy đậu

Như đã nói, mặc dù không phải là phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng điều trị kháng virus lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong điều trị bệnh tay chân miệng, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm.

Loại thuốc kháng virus được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh tay chân miệng hiện nay là Acyclovir. Acyclovir là thuốc kháng Herpes Virus, nhưng cũng có tác dụng tích cực trên Varicella Zoster Virus, nên nó có thể được sử dụng trong điều trị bệnh thủy đậu. Thuốc gây ức chế tổng hợp DNA ở virus từ đó khiến virus không thể nhân lên được, trong khi không gây ảnh hưởng đến các tế bào bình thường của cơ thể. Do đó, nó làm giảm tổng lượng virus trong cơ thể, giảm mức độ nặng của bệnh và cải thiện đáng kể thời gian điều trị bệnh.

Liều lượng và thời gian sử dụng Acyclovir trong điều trị bệnh thủy đậu có thay đổi tương đối khác biệt giữa nhóm bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường và những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm. Nếu ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường thì Acyclovir cần sử dụng với liều 800mg x 5 lần trong vòng 24h, kéo dài từ 5-7 ngày thì đối với bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm liều Acyclovir có thể phải tăng lên mức 10-12,5mg/kg/8h và sử dụng thuốc trong vòng 7-10 ngày liên tục.

Khi sử dụng thuốc kháng virus Acyclovir để điều trị bệnh thủy đậu, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng nếu dùng thuốc theo đường uống và cảm giác bỏng rát tại vị trí bôi thuốc nếu dùng thuốc theo đường ngoài da,...

Thuốc kháng virus nên được dùng sớm trong điều trị bệnh thủy đậu (Ảnh: Internet)

2.2. Các điều trị bệnh thủy đậu hỗ trợHạ sốt

Hạ sốt cho bệnh nhân thủy đậu là một trong các điều trị hỗ trợ rất quan trọng. Đối với các trường hợp bệnh nhân bị sốt nhẹ dưới 38,5 độ C thì người bệnh có thể sử dụng các biện pháp vật lý để hạ sốt chẳng hạn như chườm mát, lau mát, mở bớt quần áo, không đắp chăn,...

Còn nếu bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ thì cần kết hợp thêm sử dụng Paracetamol để hạ sốt cho bệnh nhân. Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt cho bệnh nhân trong điều trị bệnh thủy đậu vì thuốc có thể gây nên hội chứng Reye rất nguy hiếm, thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân.

Giảm ngứa

Ngứa ngáy tại các vị trí phát ban, mụn nước khiến bệnh nhân thủy đậu thường xuyên cào gãi dễ gây trầy xước, tổn thương da và khiến bệnh nhân bị bội nhiễm. Do đó có thể sử dụng các loại thuốc kháng Histamin H1 để giảm ngứa cho bệnh nhân trong điều trị bệnh thủy đậu. Những loại thuốc kháng Histamin hay được sử dụng hiện nay kể đến như clorpheniramin, loratadin, cetirizin, fexofenadin, acrivastin,...

Ngoài ra, để hạn chế tổn thương da gây nên bởi cào gãi do ngứa thì bệnh nhân thủy đậu nên cắt ngắn và mài nhẵn các móng tay của mình.

Sát trùng và vệ sinh da

Vệ sinh da và sát trùng da trong điều trị bệnh thủy đậu cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình điều trị bệnh thủy đậu. Các quan điểm kiêng nước, kiêng tắm hoàn toàn ở bệnh nhân thủy đậu là những quan điểm sai lầm, có thể khiến bệnh nhân bị bội nhiễm do không được vệ sinh tốt.

Người bệnh cần được vệ sinh da hằng ngày bằng cách tắm rửa sạch sẽ với nước sạch, sau đó làm khô da nhẹ nhàng rồi bôi dung dịch sát khuẩn tại các vị trí mà mụn nước đã bị vỡ. Xanh methylen là thuốc sát khuẩn thường dùng trong điều trị bệnh thủy đậu.

Sát khuẩn bằng xanh methylen giúp phòng chống bội nhiễm (Ảnh: Internet)

2.3. Điều trị tích cực các biến chứng của bệnh

Mặc dù bệnh thủy đậu là bệnh tương đối lành tính nhưng trong một số trường hợp thì bệnh cũng có thể gặp phải một số biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi do thủy đậu,... Vì thế, trong trường hợp có biến chứng bệnh xảy ra thì những biến chứng này cần được xử trí tích cực song son với tiếp tục thực hiện các biện pháp điều trị bệnh thủy đậu cơ bản theo phác đồ.

Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định sử dung (theo kinh nghiệm hay theo kết quả kháng sinh đồ) nếu bệnh nhân có tình trạng bội nhiễm xảy ra, oxy liệu pháp có thể dùng nếu bệnh nhân suy hô hấp bởi viêm phổi do thủy đậu,...

3. Phòng chống lây nhiễm bệnh

Do thủy đậu là bệnh truyền nhiễm rất dễ dàng lây từ người sang người vì thế trong quá trình điều trị bệnh thủy đậu thì vấn đề phòng chống lây nhiễm bệnh cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, không thể bỏ qua.

Một số biện pháp phòng chống lây nhiễm mà bệnh nhân cần ghi nhớ bao gồm:

- Bệnh nhân thủy đậu cần hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây bệnh cho người làm, cần nghỉ học và nghỉ làm cho đến khi khỏi bệnh.

- Các vật dụng vệ sinh cá nhân của bệnh nhân như quần áo, bàn chải, khăn lau,... cần phải được sát trùng sạch sẽ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

- Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh để tránh lây bệnh từ dịch tiết mũi họng của bệnh nhân phát tán thông qua hô hấp.

Trên đây là những nguyên tắc cơ bản mà bệnh nhân cần nhớ trong điều trị bệnh thủy đậu và những điều trị cụ thể theo phác đồ. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ, đồng thời thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ bất thường nào xảy ra trong quá trình điều trị bệnh để có thể xử lý kịp thời.

QN

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-nguyen-tac-can-nho-va-phac-do-dieu-tri-benh-thuy-dau-41202118175117485.htm