Những nguyên nhân chính khiến 'đế chế' du lịch Thomas Cook sụp đổ?

Một trong những nhà điều hành tour du lịch lâu đời nhất thế giới, Thomas Cook của Anh, tuyên bố phá sản sau những khó khăn về nợ và bị cạnh tranh.

Với tuyên bố trên, mọi hoạt động của hãng Thomas Cook này sẽ phải ngừng lại ngay lập tức, chấm dứt 178 năm tồn tại và phát triển. Các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa. Các máy bay của họ không được cất cánh. 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu, trong đó có 9.000 nhân viên tại Anh, buộc phải nghỉ việc. Quyết định trên cũng ảnh hưởng tới 600.000 khách hàng.

Sự phá sản của Thomas Cook được cho là sẽ khiến ngành du lịch đối mặt với tình trạng xáo trộn trong một quãng thời gian nhất định. Bởi hãng này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khách sạn, resort, hàng không và du thuyền tại 16 nước.

Thomas Cook sụp đổ trong bối cảnh, thị trường đặt tour trọn gói vẫn rất tiềm năng tại châu Âu. Số liệu mới nhất cho thấy, tại hai thị trường lớn của công ty này là Anh và Đức, số lượng người muốn đặt tour trọn gói vẫn chiếm từ 40 - 50%. Nhu cầu vẫn còn lớn nhưng tai sao Thomas Cook vẫn sụp đổ?

Thị trường đặt tour du lịch trọn gói tại châu Âu hiện nay có giá trị thị trường lên tới 55 tỷ Euro. Tuy nhiên, không phải chỉ có các công ty lữ hành truyền thống như Thomas Cook có thể một mình tận hưởng toàn bộ "chiếc bánh" này.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại du lịch Vương quốc Anh, cứ 7 công dân EU được hỏi thì duy nhất 1 người sẽ tự mình đến các văn phòng du lịch đặt tour theo kiểu truyền thống. Phần lớn là những người này trên 65 tuổi và thường chi khá ít tiền cho việc du lịch.

Trong khi đó, phần lớn "miếng bánh" thị trường đặt tour du lịch do những doanh nghiệp kinh doanh du lịch trực tuyến đánh chiếm. Định nghĩa tour trọn gói của du lịch trực tuyến phần lớn bao gồm combo là vé máy bay và khách sạn. Chưa kể, thế hệ trẻ, không còn quá mặn mà với tour du lịch trọn gói, nghỉ ngơi tại các chuỗi khách sạn lớn, hay ăn những bữa buffet nhiều món. Thay vào đó, họ tìm kiếm những tour du lịch độc lạ, có thể tìm hiểu về cuộc sống của người bản địa.

Cho đến khi phá sản, Thomas Cook vẫn sở hữu hơn 600 văn phòng, trụ sở được đặt trên các tuyến phố thương mại, tại các thành phố lớn ở Anh trong khi chi phí vận hành đội bay, khách sạn ngày một phình to. Không chỉ vận hành một bộ máy cồng kềnh, các chuyên gia còn cho rằng, lý do quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của Thomas Cook đến từ việc chậm chuyển đổi số.

Cook sụp đổ khiến đối thủ cạnh tranh không đội trời chung của công ty, tập đoàn TUI của Đức trở thành công ty lữ hành đặt tour truyền thống lớn mạnh nhất châu Âu.Nguồn ảnh: The times

Thomas Cook "kém duyên" với chuyển đổi số

Năm 2014, Thomas Cook gặt hái được những kết quả khả quan sau 6 tháng thúc đẩy dự án chuyển đổi số. Doanh thu trực tuyến đạt 3 tỷ Bảng Anh, chiếm 1/3 tổng doanh thu. Trong khi, lượng đặt tour trực tuyến tăng gần 40% trong 6 tháng. Song, kế hoạch chuyển đổi số đã "đứt gánh giữa đường" khi vị CEO nghĩ ra ý tưởng "số hóa công ty" đột ngột rời đi. Thậm chí, vị giám đốc kỹ thuật số đầu tiên được bổ nhiệm sau đó cũng rời ghế sau 10 tháng.

Công cuộc số hóa của Thomas Cook chính thức thiếu người dẫn dắt và ít nhiều bị bỏ ngỏ. Chính vì vậy, suốt 4 năm qua, dù vẫn đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng cả về tốc độ và quy mô chỉ như muối bỏ bể so với việc mở rộng cơ sở hạ tầng.

Cook sụp đổ khiến đối thủ cạnh tranh không đội trời chung của công ty, tập đoàn TUI của Đức trở thành công ty lữ hành đặt tour truyền thống lớn mạnh nhất châu Âu, với chuỗi cửa hàng đại diện đáng kể tại Anh. Tuy nhiên, thất bại của Thomas Cook trong việc chuyển đổi số cũng sẽ buộc TUI phải nhìn lại công cuộc số hóa của mình.

Doanh nghiệp du lịch truyền thống loay hoay chuyển đổi số

Muộn hơn Thomas Cook 1 năm, đến năm 2015, TUI mới bắt đầu tiếp cận số hóa. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, một chiến lược chuyển đổi số toàn diện với tên gọi "TUI 2022" đã được ra đời, với trọng tâm đánh chiếm là các thị trường châu Á và Nam Mỹ cũng như giảm tối đa chi phí vận hành. Ban lãnh đão TUI coi đây là cuộc chiến sống còn với doanh nghiệp này.

Hàng loạt nền tảng phân phối tour trực tuyến đã được TUI phát triển cho các đại lý tại nước ngoài. Từ đó, cắt giảm được chi phí vận hành chuỗi cửa hàng đại diện. Doanh thu trong quý III năm nay đã tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu quy mô và tốc độ chuyển đổi số của TUI không cân xứng với hạ tầng hiện nay thì có thể TUI sẽ dẫm lên vết xe đổ của Thomas Cook. Bởi khoản nợ ròng của TUI tính đến tháng 6 năm nay vẫn tiếp tục tăng lên tới gần 2 tỷ Euro.

Dường như TUI vẫn đang loay hoay trong chính chiến lược chuyển đổi số của mình nhằm giảm chi phí hoạt động. Chắc chắn TUI sẽ cần tăng tốc chuyển đổi số để có thể tồn tại trong cuộc chiến sống còn này.

Cuộc chiến chuyển đổi số sống còn trong lĩnh vực du lịch sẽ càng ngày càng quyết liêt hơn đối với toàn bộ những đơn vị kinh doanh du lịch truyền thống. Tuy nhiên, có một thực tế còn phũ phàng hơn là các công ty, startup hiện nay kinh doanh du lịch online chưa chắc đã có lợi thế hơn những doanh nghiệp đi sau.

Theo chuyên trang nghiên cứu về khởi nghiệp, cứ 10 startup về du lịch thì có 9 startup chết yểu trong 5 năm đầu. Chủ yếu nguyên nhân thất bại là do các công ty khởi nghiệp này chỉ tập trung mang đến sự tiện lợi cho khách hàng, thay vì đầu tư vào chiến lược giữ chân họ. Rõ ràng, cuộc chiến chuyển đổi số sống còn giờ không chỉ là thực tế mà các công ty du lịch truyền thống phải đối mặt, mà quá trình này sẽ cần phải quyết liệt hơn đối với mô hình du lịch trực tuyến, nếu không liên tục cải thiện quá trình áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Nguồn VTV

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/nhung-nguyen-nhan-chinh-khien-de-che-du-lich-thomas-cook-sup-do-3330547/