Những người vô gia cư đặc biệt sau ánh điện thành phố trong cái lạnh cắt thịt cắt da

Họ là những người vô gia cư đặc biệt. Điều khiến họ có thể mạnh mẽ vượt qua giá lạnh, vất vả,... là con cái. Những đứa con như những đốm lửa của hy vọng, là trách nhiệm họ không thể vứt bỏ và đương nhiên quan trọng hơn cả sự sống của họ.

"Trùm kín mặt con để khỏi bạn nhìn thấy!"

Chúng tôi đến phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dưới ánh đèn trắng trước một ngôi nhà đã "ngủ say", chị Lê Thị Thúy (42 tuổi) quê ở Nam Định ngồi bên hè, tay ôm con, bên cạnh còn có một bé gái đang mân mê hộp sữa. Chị đã "nhập khẩu" vào xóm vô gia cư được 5 năm.

Chồng mất do tai nạn nghề nghiệp, chị Thúy một mình ôm hai con lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai, giúp việc thuê. Chị Thúy tâm sự: "Không có nghề gì để làm thì mới làm công việc này thôi chứ cũng chẳng kiếm được bao nhiêu. Sáng tôi đi nhặt ve chai rồi đem bán cũng chỉ được vài chục nghìn, không mong đủ tiền ăn, đủ tiền học cho hai con là tôi hạnh phúc lắm rồi".

Ba mẹ con chị Thúy bên một góc của vỉa hè phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Ba mẹ con chị Thúy bên một góc của vỉa hè phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Vậy là hai con gái của chị Thúy vẫn được đi học. Bé lớn đang học tiểu học ở một ngôi trường gần đây, còn em nhỏ thì đang học mẫu giáo, lớp 2 tuổi. Chúng tôi phần nào thấy nhẹ nhõm.

Chị Thúy nghẹn lại một chút rồi nói tiếp: "Có khó khăn mấy cũng phải cho hai đứa đi học đàng hoàng. Nhịn ăn vài bữa cũng được, nhưng phải đóng tiền học cho con đúng hạn, tôi không muốn con bị bạn bè trêu chọc, chê cười. Tôi không hi vọng con tôi sau này phải sống khổ như bây giờ, dù gì cũng phải có được công việc ổn định, rồi lập gia đình. Sinh ra là phận đàn bà đã thiệt thòi, sống như này lại càng khổ hơn".

Chúng tôi thấy hai mắt chị rưng rưng. Chị nhìn bé gái đang ngủ say trong vòng tay mình, rồi lại quay sang nhìn bé gái đang mở to mắt nhìn về phía mẹ. Hai bé gái ngây thơ, vô lo vô nghĩ, ở cái độ tuổi được ăn, được chơi, được học hành nhưng lại phải sống trong hoàn cảnh này.

Những ngày không phải đi học, hai con gái được chị Thúy cho ra ngồi cùng mẹ một lúc rồi về ngủ.

Thấy xung quanh chỗ chị Thúy ngồi không có chăn gối gì, chúng tôi thắc mắc buổi tối ba mẹ con nghỉ ngơi như thế nào. Chị Thúy nói: "Ba mẹ con có thuê phòng trọ gần đây, đêm xuống lạnh lắm, làm sao để hai con ngủ ngoài đường được, ốm rồi lại phải nghỉ học. Hôm nào các con không phải đi học, tôi mới đưa ra đây ngồi cùng, còn ngày thường thì tôi ra đây một mình, tầm 3-4 giờ sáng về phòng trọ. Mỗi lần ra đây là phải bịt kín, tôi sợ bị các bạn của con nhìn thấy, làm sao con dám đi học nữa".

Vô gia cư cũng có luật riêng của vô gia cư. Chị Thúy và những người còn khỏe mạnh thì không được ngồi ở những cung đường có nhiều người đến từ thiện. Thỉnh thoảng mới có người cho, bữa được bữa không. Cũng may nhà trường của bé lớn biết chuyện, nên mỗi tháng hỗ trợ cho ba mẹ con 200.000 đồng, còn giảm học phí cho bé nữa.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ là đề nghị của chị Thúy với nhà trường khi đừng cho ai biết chuyện, đặc biệt là phụ huynh và học sinh trong trường, để con chị có thể vui vẻ học tập, chơi đùa cùng các bạn. Đó là lòng tự trọng ẩn sâu trong trái tim của một người mẹ khốn khổ.

Kể cả chị Thúy có là người vô gia cư "rởm" đi nữa vì rõ là chị có nhà, có quê, có gia đình nhưng khát vọng của chị là điều chính đáng. Khát vọng những đứa con lớn lên sẽ có học vấn, có công ăn việc làm. Khát vọng đó xứng đáng được sự hỗ trợ của cộng đồng.

"Có chết tôi cũng phải tìm được con!"

Ông Lê Văn Tiến (50 tuổi, quê ở Hưng Yên) là một cảnh ngộ khiến chúng tôi ám ảnh. Suốt gần một tháng qua, ông Tiến đã đi khắp mọi ngóc ngách, phố phường không khác một kẻ điên để tìm đứa con trai bỏ nhà ra đi.

Ông Tiến co ro, ẩn khuất trong giá lạnh đến thấu xương ở vỉa hè phố Hàng Bài, Hà Nội.

Ông Tiến tâm sự với chúng tôi: "Con trai tôi mới 12 tuổi, ở nhà nó chẳng bao giờ làm gì trái lời bố mẹ, nhưng không may nó chơi với bạn xấu, cho tiền rồi dụ nó bỏ nhà đi. Bây giờ gia đình hai bên đều đang tìm kiếm hai đứa khắp nơi. Tôi lên Hà Nội tìm, còn họ hàng thì tìm ở Quảng Ninh. Tôi vừa phải lên tận khu vực Hà Tây cũ, rồi lại về Mỹ Đình, đi bộ hơn 70 km, không bỏ sót một chỗ nào nhưng vẫn không thấy bóng dáng con đâu. Tôi đã gửi ảnh của con lên các phường, các quận để công an họ tìm giúp, nhưng đến giờ vẫn chưa có hồi âm gì cả".

Ông Tiến cả đời gắn với nghề xây dựng. Bôn ba khắp xứ, vợ ốm đau quanh năm nên khi nghe tin con đi lạc, ông nhận hết lỗi về phần mình. Lau vội giọt nước mắt lăn dài trong làn hơi phả ra từ những vệt hơi ấm ngày rét buồn, ông ngẫm: "Phải chi tôi gần con nhiều hơn, nghiêm khắc, quả quyết hơn với con từ đầu".

Xung quanh chỗ ngồi của ông Tiến có rất nhiều quần áo, một mình ông mang đống đồ ấy đi khắp nơi tìm con. Ông nói: "Tôi cứ đi tìm nó cả ngày, rồi tối đến tiện chỗ nào ngủ chỗ đấy. Mấy hôm lạnh như thế này cũng khổ lắm, nhưng nghĩ đến việc tìm được con về nhà, lại thấy không lạnh nữa". Phải chi Lê Minh Phong, đứa con trai 12 tuổi của ông đang lạc ở đâu đó nghe được điều này!

Ông sẽ không về nhà cho đến khi Minh Phong hồi âm.

Con trai lớn của ông Tiến (22 tuổi) đang đi bộ đội ở Thái Bình. Gia đình không dám nói cho anh biết tin, vì sợ anh sẽ lo lắng mà đào ngũ trở về quê, lúc đó còn khổ hơn. "Với tính cách của nó, nếu biết tin chắc chắn nó sẽ bỏ quân ngũ mà về nhà, có can ngăn cũng không được. Lúc đấy lại bị phạt cải tạo, giam giữ thì gia đình không biết phải làm sao", ông Tiến xót xa.

Ông Tiến tìm con như "mò kim đáy bể". Hà Nội có hàng tỷ người, hàng vạn ngõ ngách, tìm sao cho được. Đời vốn lạ mà quen, bởi ai nói cũng hay nhưng chẳng ai nhìn "khúc ruột của mình" thất lạc mà ngồi cho yên được! Cuộc trò chuyện của chúng tôi chùng xuống trong câu than dài của ông Tiến: "Trời lạnh này mong nó có cái chỗ ấm mà ăn nằm!".

Điều mong mỏi nhất của chúng tôi là nếu Minh Phong có mảy may thấy hình ảnh của bố đang co ro bên vệ đường thì hãy liên lạc về nhà.

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-vo-gia-cu-dac-biet-sau-anh-dien-thanh-pho-trong-cai-lanh-cat-thit-cat-da-20210112144046435.htm