Những người viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Ngày 28-11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lễ tuyên dương 'Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng'.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Những người thầm lặng cống hiến

Lễ tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” là sự kiện lớn, lần đầu tiên được tổ chức, nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh 400 cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, trong đó có 50 người được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Họ thầm lặng cống hiến, thậm chí hy sinh quyền lợi cá nhân để chăm lo cho cộng đồng, xã hội. Họ không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn quan tâm, trợ giúp, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội như người thân, thường xuyên có những hành động, việc làm thiết thực để hỗ trợ giảm nghèo; chung tay phòng, chống tệ nạn xã hội, chăm sóc y tế; nỗ lực hành động vì mục tiêu bình đẳng giới…

Xúc động khi được biểu dương, ông Bùi Công Hiệp, đến từ phường Phước Long, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hơn 10 năm qua, ông và gia đình đã nhận nuôi, chăm sóc hơn 100 trẻ bị bỏ rơi, hiện nay, cháu nhỏ nhất mới vài ngày tuổi. Để trẻ có mái ấm, gia đình ông đã xây căn nhà khang trang trên mảnh đất rộng 2.500m2 ở phường Phước Long làm ngôi nhà chung cho các cháu với tên gọi “Mái ấm Thiên Thần”. Năm 2019, ông Hiệp đã trao tặng mảnh đất và căn nhà trị giá hơn 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi.

Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ luôn được ông Hiệp quan tâm từ bữa ăn, giấc ngủ, cho đến việc học kiến thức phổ thông, học tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, luyện tập thể thao... “Tôi luôn đau đáu với mong ước các cháu sẽ có cuộc sống, tương lai tốt đẹp, trở thành những người tốt, công dân có ích. Vì vậy, tôi sẽ mang lại những gì tốt đẹp nhất cho các cháu trong khả năng có thể”, ông Hiệp chia sẻ.

Một tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại lễ tuyên dương.

Tấm gương sáng khác hết lòng vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và cộng đồng là vợ chồng ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung. Với hành trình hơn 30 năm bền bỉ làm việc tốt, hai ông bà đã đóng góp hơn 1.300 tỷ đồng bằng nhiều hình thức để trợ giúp kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Câu chuyện "cổ tích giữa đời thường" của thầy giáo Đặng Văn Cương dành cho cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể đến từ tỉnh Quảng Ngãi cũng khiến các đại biểu tham dự chương trình rất xúc động. Cậu học trò nhỏ mắc nhiều căn bệnh đã được thầy Cương chăm sóc bằng tất cả tình yêu thương. Đinh Văn K'Rể mất cách đây ít ngày, nhưng câu chuyện giữa thầy Cương và K’Rể mãi mãi là biểu tượng đẹp, thiêng liêng của tình thầy trò, của tình yêu thương giữa con người với con người…

Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội có 8 cá nhân tiêu biểu thầm lặng cống hiến, vì cộng đồng được tuyên dương tại sự kiện đặc biệt này. Công tác trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông Nguyễn Anh Hồng (Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội); ông Đỗ Văn Mại (Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội) luôn coi học viên như bạn bè, người thân, tận tâm, tận tình tư vấn, hướng dẫn họ nỗ lực điều trị cắt cơn, rèn luyện phục hồi sức khỏe, tích cực hòa nhập cộng đồng.

Đó còn là ông Nguyễn Hữu Tuấn (Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn Hà Nội) kiên trì dạy tin học, rèn kỹ năng sống cho trẻ em khuyết tật. Nhờ đó, nhiều trẻ đã vượt lên hoàn cảnh, giành giải thưởng cao trong các kỳ thi tin học trong nước, quốc tế; hay bà Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn các vấn đề về gia đình và trẻ em quận Hoàn Kiếm, tích cực tư vấn, hỗ trợ hòa nhập cho nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại…

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và cộng đồng cùng quan tâm, chăm lo. Riêng năm 2019, tổng chi ngân sách nhà nước cho trợ giúp xã hội là hơn 35.000 tỷ đồng. Nguồn lực cộng đồng dành cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn ngày càng tăng. Nhờ đó, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người dân không may gặp thiên tai, hoạn nạn được quan tâm, chăm lo thường xuyên, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, nước ta còn 6,4 triệu người khuyết tật, gần 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 3% hộ nghèo… Họ cần được trợ giúp về nhiều mặt để vươn lên. Vì vậy, những người tham gia tích cực vào các chương trình, hoạt động vì cộng đồng, vì người nghèo, chăm sóc người có công với cách mạng, tự nguyện ủng hộ, quyên góp cho các chương trình thiện nguyện… chính là những tấm gương thầm lặng cống hiến vì cộng đồng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi lời cảm ơn và bày tỏ tấm lòng tri ân tới những cá nhân thầm lặng cống hiến vì cộng đồng. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, tinh thần yêu nước, thương nòi, tương thân, tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong bối cảnh nước ta phải ứng phó dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ như thời gian vừa qua, thì truyền thống tốt đẹp ấy càng thể hiện rõ nét, lung linh, tỏa sáng hơn.

Phó Chủ tịch nước cũng đánh giá cao những đóng góp lớn lao của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trong giai đoạn 2009-2019, qua đó trợ giúp kịp thời cho hàng triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên khắp mọi miền đất nước.

Để không ai bị bỏ lại phía sau, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn các cơ quan, đơn vị chức năng, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tiếp tục chăm lo toàn diện đến đời sống của gia đình người có công; trợ giúp kịp thời cho người nghèo và các đối tượng yếu thế dựa trên nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng và sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân họ.

Phó Chủ tịch nước cũng kêu gọi mỗi người dân tích cực đóng góp, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo và các quỹ an sinh xã hội; đồng thời, giao các cơ quan chức năng thường xuyên tôn vinh, biểu dương những việc làm ý nghĩa, những tấm gương có nhiều đóng góp cho cộng đồng, vì hạnh phúc của người dân.

Tại sự kiện đặc biệt này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và cá nhân ông Lê Văn Kiểm, bà Trần Cẩm Nhung vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019.

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/984792/nhung-nguoi-viet-nen-cau-chuyen-co-tich-giua-doi-thuong