Những người vén màn bí mật 'chuồng cọp' Côn Đảo

Ngày 17-7-1970, những bức ảnh chụp tại khu 'chuồng cọp' - nhà tù Côn Đảo đăng trên tạp chí Life khiến cả thế giới bàng hoàng trước một nhà tù với đủ hình thức đọa đày man rợ những tù nhân chính trị, nơi được mệnh danh là 'địa ngục trần gian' đã tồn tại bí mật trong nhiều năm trời.

Đằng sau những bức ảnh gây chấn động dư luận thế giới này, là câu chuyện hết sức cảm động về tình hữu nghị của những người yêu nước Việt Nam và phản chiến Mỹ, những sứ giả đấu tranh cho hòa bình từ 2 chiến tuyến được lưu giữ suốt 47 năm qua...

Nhân chứng lịch sử

Tôi may mắn được gặp ông Cao Nguyên Lợi, cựu tù chính trị Côn Đảo, nhân chứng lịch sử trong vụ việc phanh phui bí mật “chuồng cọp” nhà tù Côn Đảo đăng trên Tạp chí Life 47 năm trước tại buổi giới thiệu cuốn sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975 từ thực tiễn nhìn lại” (NXB QĐND phát hành năm 2017 - tái bản lần thứ ba) do Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam phối hợp Ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo tổ chức sáng 18-8 tại Hà Nội.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, từ một sinh viên đấu tranh mạnh mẽ cho hòa bình tại miền Nam Việt Nam bị chính quyền Sài Gòn bắt giam và đọa đày tại “chuồng cọp” Côn Đảo, giờ đây, mái tóc người cựu tù chính trị đã bạc trắng. Song trí tuệ của ông vẫn minh mẫn và đặc biệt, ông luôn truyền cảm hứng cho những người xung quanh bởi ý chí mạnh mẽ, tinh thần lạc quan và lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình tha thiết.

Sự xuất hiện của cựu tù chính trị Cao Nguyên Lợi với những tấm hình được đăng trên Tạp chí Life tại buổi giới thiệu cuốn sách đã khiến mọi người hết sức xúc động. Ông Lợi đã giữ và luôn mang theo những tấm hình này từ hàng chục năm nay như những kỷ vật thiêng liêng bởi đây là chứng tích phanh phui vụ “chuồng cọp” Côn Đảo trước dư luận quốc tế mà ông là người tham gia với vai trò thiết kế ý tưởng và kế hoạch hành động.

Khởi điểm của sự kiện “vén màn bí mật “chuồng cọp” nhà tù Côn Đảo” bắt đầu từ cuối năm 1969 - đầu năm 1970, ở Sài Gòn liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình yêu cầu trả tự do cho các học sinh, sinh viên đang bị giam ở Côn Đảo. Trước áp lực này, ngày 25-5-1970, nhà cầm quyền buộc phải thả một số học sinh, sinh viên bị giam ở “chuồng cọp”, trong đó có ông Cao Nguyên Lợi. Nhờ tấm bản đồ ông Lợi vẽ khi ra khỏi “chuồng cọp” mà thế giới biết được sự tồn tại ở một nơi mà ở đó con người bị tước đoạt mọi quyền làm người.

Ông Cao Nguyên Lợi dẫn dắt chúng tôi tới câu chuyện tấm bản đồ “chuồng cọp” bằng một tấm ảnh đen trắng chụp ảnh mẹ ông - bà Dương Thị Sen, một người đàn bà bán vải tại Đà Lạt vào năm 1970 đã lặn lội ra Côn Đảo thăm con khi ông Lợi đang bị giam tại khu “chuồng cọp”.

Ông Cao Nguyên Lợi giới thiệu những bức ảnh chụp khu “chuồng cọp” nhà tù Côn Đảo tháng 7-1970 tại buổi ra mắt sách.

Đây là một tình huống hiếm có, liên quan đến chính trường Sài Gòn thời ấy. Mà theo ông Lợi thì đây là chuyến thăm viếng đặc biệt chưa từng có bởi con từ “chuồng cọp” lên thăm mẹ, đó là một chuyện lạ lùng bởi về nguyên tắc, những người bị kỷ luật phải ở “chuồng cọp” thì không được ai thăm cả. Vậy mà vì sao ông Lợi lại từ “chuồng cọp” được ra thăm mẹ và chuyển tin tức từ “chuồng cọp” ra ngoài?

Đầu năm 1970, trong một buổi đối thoại với nội các Việt Nam cộng hòa, chị Tô Thị Thủy - Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Sư phạm (bạn gái của Cao Nguyên Lợi - người đang bị giam giữ tại khu “chuồng cọp” Côn Đảo do tham gia phong trào chống chiến tranh của sinh viên, sau này trở thành vợ của ông Lợi) đã yêu cầu nhà cầm quyền phải thả ngay những sinh viên bị giam giữ tại “chuồng cọp”.

Thủ tướng Việt Nam cộng hòa lúc đó là Trần Thiện Khiêm tuyên bố: Ở Côn Đảo không hề giam học sinh, sinh viên, nếu các anh chị tìm thấy danh sách, chứng cứ có học sinh, sinh viên bị giam giữ tại Côn Đảo, tôi sẽ ra lệnh thả ngay lập tức.

Bắt thóp tuyên bố này của Trần Thiện Khiêm, chị Tô Thị Thủy đã vận động bà Dương Thị Sen làm đơn xin thăm con là sinh viên Cao Nguyên Lợi đang bị giam ở khu “chuồng cọp” để nắm thông tin. Vậy là không quản khó khăn, gian khổ, mặc dù lúc đó đang mùa bão nhưng vì thương con, bà Dương Thị Sen đã bằng mọi cách thu xếp chuyến ra Côn Đảo thăm con.

Để có bức hình chụp làm bằng chứng về việc Cao Nguyên Lợi đang bị giam ở “chuồng cọp” Côn Đảo, bà Dương Thị Sen đã sắp xếp một cách rất thông minh. Khu vực bà Sen được phép thăm con là nhà tiền chế, phía trước là biển có tàu neo đậu. Bà Sen đã chuẩn bị trước một chiếc máy ảnh của chị gái ông Lợi rồi nhờ một người trên tàu chụp hộ.

Theo kế hoạch, khi ông Lợi bước ra cạnh mẹ trước nhà tiền chế, người trên tàu lập tức bấm hình. Khi bà Sen lên tàu, họ giao lại chiếc máy ảnh. Theo ông Lợi, tấm hình không được nét lắm, cái máy chụp ảnh khi đó chỉ bấm được vài ba tấm mà thôi, nhưng có giá trị cực quý giá. Tấm hình này bà Sen đã mang về Sài Gòn, đưa cho chị Tô Thị Thủy và đó là một bằng chứng quan trọng để chứng minh rằng một người mẹ ra thăm con là sinh viên đang bị giam giữ ở “chuồng cọp” với bản án chỉ 3 năm.

Cũng thông qua người mẹ, Cao Nguyên Lợi nhận được thông điệp từ đất liền rằng cần phải có chứng cứ xác thực về những sinh viên đang bị giam giữ ở “chuồng cọp” Côn Đảo. Cao Nguyên Lợi đã thêu tên những học sinh, sinh viên lên một chiếc khăn gửi mẹ chuyển về, như một món quà tặng người yêu. Thêu được tên 5 người thì hết chỉ.

Chiếc khăn và bức ảnh được chuyển đến chị Tô Thị Thủy. Với chứng cứ xác thực trong tay, Hội Sinh viên Đại học Sư phạm đã gửi yêu sách đến thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Kết quả là Cao Nguyên Lợi và 4 học sinh, sinh viên khác được trả tự do sáng 25-5-1970.

Là một người rất thông minh, những lần được dẫn giải từ “chuồng cọp” ra thăm mẹ và lần đưa từ “chuồng cọp” ra ngoài để trả tự do, Cao Nguyên Lợi đã tranh thủ quan sát, ghi nhớ đường đi lối lại trong đầu, để rồi ông vẽ lại và hướng dẫn một cách chính xác cho Tom Harkin và Don Luce sau này khi họ ra Côn Đảo, vén bức màn bí mật về “chuồng cọp” - nơi được mệnh danh là nhà tù trong nhà tù, nơi địa ngục trần gian đọa đày biết bao con người đấu tranh cho hòa bình, tự do.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Lại nói về Cao Nguyên Lợi. Sau khi thoát khỏi ngục tù, ông đã ở lại Sài Gòn đấu tranh giữ thế hợp pháp, tố cáo nhà cầm quyền bắt giam mình vô cớ, tố cáo chế độ đày ải man rợ ở “chuồng cọp” Côn Đảo. Nhờ hậu thuẫn của dân biểu Đinh Văn Đệ, bản tường trình của 5 sinh viên, học sinh về một địa ngục có thật tại “chuồng cọp” Côn Đảo do Cao Nguyên Lợi viết và trình bày trước liên ủy ban nội vụ - tư pháp định chế - xây dựng nông thôn của hạ nghị viện Việt Nam cộng hòa, phiên họp ngày 19-6-1970 đã làm nóng chính trường Sài Gòn.

Bản tường trình được in rô-nê-ô, phân phát trong hội nghị và báo giới. Nhà báo Don Luce đã tiếp xúc với Cao Nguyên Lợi và biết thêm nhiều chuyện kinh khủng ở “chuồng cọp”.

Don Luce tốt nghiệp cử nhân kinh tế nông nghiệp, thạc sỹ phát triển nông nghiệp, là thư ký Hội đồng Nhà thờ thế giới, Giám đốc Cơ quan tình nguyện Quốc tế ở Việt Nam từ tháng 11-1958. Don Luce phục vụ 13 năm tại Việt Nam như một nhà thiện nguyện, một hiệp sĩ bảo vệ người yếu thế. Ngoài công việc từ thiện, ông còn viết sách, sản xuất phim truyền hình và viết báo cho New York Time, Washington post...

Sau khi gặp gỡ, Cao Nguyên Lợi và Don Luce đã thiết kế ý tưởng chuyến đi ra Côn Đảo để phanh phui sự thật “chuồng cọp”. Nhưng ai sẽ là người thu xếp được chuyến đi này?

Cơ hội đã đến khi tháng 6-1970, một ủy ban điều tra của Quốc hội Mỹ đã đến Sài Gòn để tìm hiểu việc sử dụng các khoản viện trợ của Mỹ cho Nam Việt Nam. Trợ lý đoàn là một sinh viên luật còn trẻ tên là Tom Harkin. Trong quá trình chuẩn bị tài liệu cho chuyến đi, Tom đã đọc cuốn sách của Don Luce có tựa đề “Việt Nam: Những tiếng nói chưa được biết đến” (Vietnam: The unheard voices). Khi đến Sài Gòn, Tom Harkin đã gặp Don Luce. Don Luce hỏi ngay: “Ông đã nghe về “chuồng cọp” bao giờ chưa? Ông phải gặp ngay các thủ lĩnh sinh viên vừa thoát khỏi “chuồng cọp””.

Một buổi chiều tối, Don Luce đưa Cao Nguyên Lợi đến gặp Tom ở khách sạn, nói cho Tom câu chuyện về “chuồng cọp” Côn Đảo. Đó là khởi nguồn cho những bí mật sắp được phanh phui. Cao Nguyên Lợi nói với ông Tom Harkin: Nếu ông muốn gặp các thủ lĩnh sinh viên thực sự, ông nên tìm họ trong các “chuồng cọp” ở Côn Đảo.

Lúc đầu, Tom không tin vì trước đó, một đoàn nghị sĩ Mỹ đã nghe lời đồn về “chuồng cọp” nhưng không tìm ra manh mối. Cố vấn Mỹ về nhà tù nói rằng, không có cái gọi là “chuồng cọp”. Đó là câu chuyện từ thời Pháp.

Cao Nguyên Lợi quả quyết: “Ông có thể không tin tôi, nhưng ông phải tin Don Luce. Ông phải có sứ mệnh phát hiện ra “chuồng cọp” và đăng tin đó cho cả thế giới biết”. Tom Harkin hiểu rằng đây là chuyện rất nghiêm trọng và mạo hiểm. Nếu không tìm ra được “chuồng cọp” thì rất nguy hiểm cho ông và những người liên quan.

Đoàn nghị sĩ Mỹ hạ cánh xuống phi trường Côn Sơn trong dịp ra điều tra vụ “chuồng cọp” Côn Đảo. Trong ảnh: Nghị sỹ Williams Anderson (bên trái), Nghị sĩ Augustus Hawkins (đứng ở cửa máy bay), Tom Harkin và Don Luce (ngoài cùng bên phải).

Ông Lợi thấy những điều lo lắng của Tom Harkin là hết sức hợp lý bởi nếu không tìm ra được “chuồng cọp” thì rõ ràng ông Lợi là người nói láo và Tom Harkin cùng Don Luce cũng sẽ như vậy. Do đó, cả buổi hôm đó, ông Lợi đã bỏ ra 3 tiếng đồng hồ bằng trí nhớ của mình trong 2 lần được dẫn giải từ khu “chuồng cọp” ra ngoài (lần ra thăm mẹ và lần được trả tự do) để vẽ sơ đồ, chú dẫn ký hiệu lối vào “chuồng cọp”; cung cấp họ tên, số đính bài của 6 người đang bị giam giữ tại đây.

Ông Lợi chỉ cho Tom Harkin cách phân biệt ký hiệu đính bài của tù chính trị với đính bài của tù thường phạm, quân phạm; chỉ cách giăng bẫy của chúa đảo Nguyễn Văn Vệ và cách phá bẫy để tìm ra “chuồng cọp”.

Ông Lợi nói: “Tom, Don, ra Côn Đảo chỉ có sáng đi và chiều về. Như vậy thời gian rất hạn chế. Nếu thời gian hạn chế mà ta mắc bẫy của ông Vệ là mời để kéo dài thời gian thì có lẽ chúng ta sẽ không thấy gì hết. Như vậy, điều đầu tiên là không cà phê cà pháo, không nói chuyện kéo dài, không mua vật kỷ niệm mà nhanh chóng yêu cầu đi thăm các trại...”.

Sau cuộc gặp với Cao Nguyên Lợi, Tom Harkin tin câu chuyện về “chuồng cọp” là có thật. Ông đã đưa Cao Nguyên Lợi đến gặp và thuyết phục Nghị sĩ Augustus Hawkins, Nghị sĩ William Anderson đồng ý ra Côn Đảo điều tra về “chuồng cọp”. Tom Harkin thuê máy bay cho đoàn, chuẩn bị máy ghi âm, máy chụp hình. Don Luce được mời đi cùng trong vai phiên dịch.

Năm 1940, người Pháp đã xây dựng một khu trại giam giấu kín tại Côn Đảo với các phòng nhốt người vô cùng chật hẹp, nơi người tù ăn, ngủ, tiểu, đại tiện chung một chỗ, bên trên là song sắt và hành lang đi lại dành cho những tên cai ngục theo dõi tù nhân, được gọi là khu “chuồng cọp”. Đây là nơi biệt giam khắc nghiệt nhất. Người tù bị cùm chân và phải nằm trên nền xi măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh và ăn uống tồi tệ, thường xuyên bị tra tấn. Trên hành lang “chuồng cọp” luôn có những thùng vôi, nước. Nếu tù nhân la hét và chống đối sẽ bị lính canh vém vôi bột xuống mù mịt và dội nước để tra tấn.

“Chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo bao gồm 120 phòng biệt giam, chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng. Nơi đây thực dân Pháp đã giam giữ những người cộng sản, những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa; sau đó được Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa sử dụng để giam cầm những người tù chính trị trong cuộc chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Ngoài những tên cai ngục, không ai được biết đến bí mật của khu “chuồng cọp”. Những tù nhân được đưa vào đó, không mấy ai có cơ may sống sót trở về, vì thế trong suốt thời gian dài, thế giới bên ngoài chỉ nghe đồn về nhà ngục kiểu Trung cổ này chứ chưa ai đưa ra được bằng chứng về sự tồn tại của nó.

(Còn nữa)

* Ghi theo lời kể của ông Cao Nguyên Lợi và tư liệu sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975 từ thực tiễn nhìn lại, phim tư liệu “Từ trái tim đến trái tim”.

Hương Vũ

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/nhung-nguoi-ven-man-bi-mat-chuong-cop-con-dao-456247/