Những người trẻ tình nguyện làm việc không công

Quán cơm từ thiện Thiên Phước, quận 5 (TPHCM) được xem là 'nhà hàng' quen thuộc của nhiều người nghèo. Để quán được tồn tại và phát triển cần nhiều bàn tay đóng góp, trong đó có những công sức đóng góp thầm lặng của nhiều cá nhân tình nguyện làm không công.

Sự tồn tại của quán cơm từ thiện Thiên Phước có sự chung tay của các tình nguyện viên trẻ.

Sự tồn tại của quán cơm từ thiện Thiên Phước có sự chung tay của các tình nguyện viên trẻ.

Những người trẻ thầm lặng.

Nguyễn Linh Hương (áo xanh) luôn được anh Nguyễn Phước Hòa, người lập nên quán cơm quý mến.

Sáng sớm nào cũng vậy, Nguyễn Linh Hương (20 tuổi, trú tại quận 5) đều đến quán cơm Thiên Phước để phụ nhặt rau, rửa bát và lau dọn bàn ghế chuẩn bị cho bữa ăn từ thiện.

Hơn 6 tháng qua, Hương đều đặn tham gia công việc tình nguyện này. Vì cảm thấy công việc đem lại cho Hương niềm vui khi góp công sức nhỏ để phục vụ người nghèo.

"Trước thời gian rảnh rỗi của em hay dùng để la cà với bạn bè, khi biết đến quán cơm này thì em đã dành toàn bộ thời gian rỗi đấy để phục giúp các anh chị trong quán. Em còn rủ bạn học cùng lớp với em đến phụ cùng."- Hương chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tuyền (mặc áo hồng) đang phân chia các phần ăn cho người nghèo.

Chị Nguyễn Thị Tuyền, đang làm công nhân cho một doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận 5, gần quán cơm Thiên Phước được xem là một trong những người tình nguyện phục quán cơm lâu nhất.

Theo đó, những ngày đầu quán cơm Thiên Phước đi vào hoạt động, chị đã tham gia vào việc phụ bếp để đóng góp công sức nhỏ của mình với người nghèo.

"Mình nghèo không có tiền nên đóng góp công sức để phụ giúp người nghèo. Hơn nữa công việc này cùng đem lại cho mình niềm vui khi được tiếp xúc và tâm sự cùng với những lao động nghèo và thấy thương họ lắm." - chị Tuyền nói.

Nhờ có sự phục vụ của đội ngủ tình nguyện trẻ mà bữa cơm của những người nghèo được ấm lòng hơn.

Quán cơm từ thiện của sự chung tay tình người.

Quán cơm từ thiện Thiên Phước đã thành lập hơn 4 năm qua, nơi đây là địa chỉ ăn uống quen thuộc của những lao động nghèo như bán vé số, bán hàng rong, đạp xích lô, nhặt ve chai,...

Ông Nguyễn Văn Trung, 65 tuổi, hành nghề nhặt ve chai cho biết, dù đi nhặt ve chai ở bất cứ đâu, nhưng đến giờ ăn trưa ông đều quay lại quán cơm Thiên Phước này ăn vì mỗi xuất ăn chỉ có giá 5000 đồng và được nhân viên ở đây thương.

"Cả ngày nhặt ve chai bán chỉ được hơn 50.000, nên chú đâu dám ăn cơm ở quán có giá 25.000 đồng/phần. Ăn đây chỉ có 5000 đồng, số tiền còn lại để dành những lúc ốm đau." - ông Trung nói.

Quán ăn sạch sẽ, mát mẻ là có sự chung tay tình nguyện của những người trẻ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Trần Phước Hòa, người sáng lập quán cơm từ thiện Thiên Phước cho biết, để quán cơm được tồn tại là sự chung tay của rất nhiều con người.

Theo anh Hòa, nếu không có sự hỗ trợ của đội ngũ tình nguyện viên, nhất là những bạn trẻ phụ việc cho quán thì quán rất khó hoạt động.

"Mỗi ngày quán bán gần 500 xuất ăn, để làm được việc này cần phải có đội ngũ nhân lực phục vụ hàng chục người. Bên cạnh việc thuê nhân viên làm chính, tôi may mắn có một đội ngủ tình nguyện làm việc trên tinh thần rất tình người." - anh Hòa nói.

Những bạn trẻ tham gia công tác tình nguyện phục vụ này, đa phần là những học sinh, sinh viên, công nhân,...sinh sống gần quán cơm. Họ đến với công việc thiện nguyện này trên tinh thần đóng góp nhỏ một sức trẻ, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được ấm lòng khi đói.

Huân Cao

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/doi-song/nhung-nguoi-tre-tinh-nguyen-lam-viec-khong-cong-654049.ldo