Những người trẻ đam mê 'số hóa' quản lý sản xuất ngành dệt may

Nhóm bạn trẻ Trần Thị Thanh Loan (1991), Nguyễn Cửu Long (1994) và Nguyễn Văn Thuật (1991) đều quê Quảng Nam, cùng nhau theo đuổi dự án khởi nghiệp Retex – Nền tảng quản lý sản xuất may mặc theo thời gian thực với 'tham vọng' 'số hóa' quy trình quản lý, sản xuất ngành dệt may Việt Nam.

Từ những bất cập trong quản lý, theo dõi đơn hàng

Làm việc ở khâu quản lý sản xuất của một doanh nghiệp dệt may, Trần Thị Thanh Loan nhận thấy những hạn chế còn tồn tại trong khâu quản lý sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đó là việc theo dõi tiến độ làm việc của nhân viên, số lượng hàng hóa, lượng nguyên vật liệu hay chất lượng sản phẩm còn thủ công và rời rạc. “Mình nhận thấy cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ, với những ứng dụng số hóa mang tính thực tiễn rất là cao. Từ đó, mình suy nghĩ, vì sao không ứng dụng chuyển đổi số vào “số hóa” quy trình quản lý, sản xuất của ngành dệt may”, Thanh Loan kể. Từ trăn trở đó, Thanh Loan đã cùng với nhóm bạn là Nguyễn Cửu Long, Nguyễn Văn Thuật hình thành ý tưởng khởi nghiệp phát triển dự án Retex - ứng dụng quản lý sản xuất may mặc theo thời gian thực với mục tiêu giúp các doanh nghiệp dệt may dễ dàng trong việc quản lý, minh bạch trong quy trình sản xuất. Qua đó tiết kiệm được chi phí, giảm tải công việc và nâng cao năng lực sản xuất.

Ứng dụng Retex cho phép theo dõi tiến độ đơn hàng dệt may, tự động cập nhật theo thời gian thực

Ứng dụng Retex cho phép theo dõi tiến độ đơn hàng dệt may, tự động cập nhật theo thời gian thực

Team chỉ có 3 người nhưng lại “dấn thân” vào khởi nghiệp trong sản xuất công nghiệp – lĩnh vực “khó nhằn” nhất khi khởi nghiệp nên mỗi bước đi của Retex luôn gặp những khó khăn. Mỗi thành viên trong nhóm đã phân chia công việc cụ thể, trong đó, Thuật phụ trách chính về xây dựng phần mềm quản lý, còn Loan và Long đã quen với quy trình quản lý truyền thống của doanh nghiệp dệt may nên từng bước căn chỉnh để ứng dụng có thể khắc phục được những “hạn chế” của quản lý thủ công, “số hóa” tối đa các công việc có thể chuyển đổi số.

Vì là dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tính khả thi của ý tưởng chỉ có thể được đánh giá trực quan nhất khi áp dụng cụ thể vào quy trình sản xuất của một doanh nghiệp thực, nhóm bạn trẻ đã tìm đến và thuyết phục từng xưởng may tham gia “thí điểm” ứng dụng của mình.

Rất may, mặc dù ngành dệt may là ngành nghiêng về thâm dụng lao động, nhưng doanh nghiệp dệt may cũng rất nhanh nhạy và sẵn sàng thay đổi để việc quản lý vận hành và sản xuất đạt hiệu quả tối ưu hơn.

Ông Đinh Duy Phú – Giám đốc Công ty TNHH May Phú Tường (Điện Bàn, Quảng Nam), một trong 10 đơn vị đang thí điểm triển khai ứng dụng Retex vào quản lý quy trình sản xuất cho biết, trước đây, để theo dõi tiến độ hay chất lượng đơn hàng thì cần xuống trực tiếp xưởng; hoặc từng xưởng trưởng, quản lý phải làm email báo cáo, mỗi người một email khác nhau nên việc theo dõi sản xuất mất nhiều thời gian. “Công ty có 4 xưởng sản xuất đặt ở các địa điểm khác nhau, nên cứ hai ngày tôi phải trực tiếp kiểm tra tiến độ làm việc một lần, vì vậy rất tốn thời gian và không chủ động được tiến độ đơn hàng”, ông Phú cho hay. Đối với hoạt động sản xuất công nhân khi xảy ra sự cố hoặc muốn báo lỗi sản phẩm thì phải bỏ dở công việc để đi tìm kỹ thuật, cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến chuyền sản xuất.

“Khi nghe các bạn trẻ trình bày, thuyết phục triển khai chương trình ứng dụng Retex, tôi khá hào hứng và đã đồng ý. Một mặt là tạo điều kiện để các dự án khởi nghiệp phát triển, nhưng quan trọng hơn, nếu thành công như kỳ vọng, doanh nghiệp dệt may cũng được hưởng lợi. Đến nay, chi phí để “số hóa” quy trình sản xuất cũng tương đối, nhưng bù lại, việc quản lý và theo dõi sản xuất thuận tiện và đồng bộ hơn nhiều”, ông Phú chia sẻ.

Để sử dụng ứng dụng, hạ tầng cứng doanh nghiệp cần trang bị là thiết bị thông minh, có kết nối Internet, còn lại mọi thông tin về hoạt động của xưởng may, chuyền may sẽ được cập nhật lên cùng một kho dữ liệu chung

Đến tham vọng “cách mạng số hóa” ngành dệt may

Nguyễn Văn Thuật cho biết, Retex là cụm từ viết tắt của Revolution Textile có nghĩa là “Cách mạng ngành dệt may" mang hàm ý chuyển đổi số ngành may và tạo ra các nhà xưởng thông minh.

Retex được thiết kế, xây dựng hoàn toàn trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây, có thể triển khai, bảo trì, nâng cấp dễ dàng và nhanh chóng. Giúp cho người sử dụng làm việc mọi lúc, mọi nơi chỉ với một thiết bị được kết nối mạng Internet. Nền tảng Retex kết hợp với các thiết bị IoT tạo ra các nhà xưởng thông minh.

Chia sẻ về cách thức hoạt động của ứng dụng, Thuật cho biết, yêu cầu bắt buộc và đơn giản để triển khai ứng dụng là phải có kết nối Internet và các thiết bị hỗ trợ thông minh (máy tính bảng, điện thoại thông minh).

Các máy tính bảng, điện thoại thông minh sẽ được đặt ở các vị trí, các khâu sản xuất cần theo dõi, ví dụ như tại từng chuyền may, tại kho nguyên liệu, khu vực kiểm hàng…. Ở từng khâu sản xuất cụ thể, thiết bị hỗ trợ sẽ được cài đặt những tính năng phù hợp với khâu sản xuất đó. Ví dụ, ở chuyền may sẽ có tính năng gọi cơ điện, gọi tổ cắt, gọi tổ trưởng, gọi hỗ trợ kỹ thuật khi có sự cố. Tổ trưởng chuyền may thay vì phải trực tiếp đi gọi những bộ phận trên thì giờ chỉ cần chạm tay vào màn hình bộ phận cần được hỗ trợ sẽ tiếp nhận thông tin và sẽ có mặt.

Mỗi công ty khi cài đặt Retex sẽ được cấp một tài khoản để quản lý và sử dụng. Ở mỗi cấp độ, quyền truy cập thông tin sẽ khác nhau. Ví dụ, cấp giám đốc công ty - lãnh đạo công ty sẽ có quyền truy cập vào toàn bộ tất cả các hoạt động, quy trình; các cấp thấp hơn sẽ bị giới hạn truy cập, chỉ truy cập ở lĩnh vực của mình hoặc có liên quan.

Việc theo dõi tiến độ đơn hàng may sẽ được cập nhật theo từng giờ, từng phút, doanh nghiệp có thể quản lý sản xuất theo đúng thời gian thực ở mọi lúc, mọi nơi và có thể kịp thời hiệu chỉnh sản xuất để đảm bảo tiến độ đơn hàng cũng như chất lượng sản phẩm.

Lãnh đạo hoặc bộ phận quản lý công ty, xưởng may có thể cập nhật tiến độ đơn hàng, tình trạng kho nguyên vật liệu mọi lúc, mọi nơi theo thời gian thực chỉ với 1 thiết bị điện thoại hoặc máy tính có kết nối Internet

“Về cơ bản, các chuyền sản xuất may mặc khá giống nhau nên việc ứng dụng chung khá dễ dàng. Đối với những đơn vị có chuyền sản xuất hoặc yêu cầu quản lý khác biệt Retex sẽ nghiên cứu và điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu đó”, Thuật cho hay và chia sẻ thêm “Chúng mình kỳ vọng năm 2021 ứng dụng sẽ được các doanh nghiệp dệt may đón nhận và nhóm có thể góp phần vào thúc đẩy chuyển đổi số của ngành công nghiệp sản xuất nói chung và ngành dệt may nói riêng. Và nếu thuận lợi, thời gian tới, nhóm sẽ nghiên cứu ứng dụng quản lý sản xuất cho thêm những ngành sản xuất riêng biệt khác”.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-nguoi-tre-dam-me-so-hoa-quan-ly-san-xuat-nganh-det-may-150639.html