Những người thầy vượt khó

Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao là các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông (Đắc Lắc). Trong những năm qua, nhiều thầy cô giáo nhà cách trường hàng chục ki-lô-mét, thậm chí hàng trăm ki-lô-mét nhưng vẫn rất tâm huyết, bám trụ, gắn bó với học sinh.

Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao là các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông (Đắc Lắc). Trong những năm qua, nhiều thầy cô giáo nhà cách trường hàng chục ki-lô-mét, thậm chí hàng trăm ki-lô-mét nhưng vẫn rất tâm huyết, bám trụ, gắn bó với học sinh.

Thầy Hồ Quốc Khánh với học sinh trường TH Ea Bar.

Thầy Hồ Quốc Khánh với học sinh trường TH Ea Bar.

Sau khi tốt nghiệp lớp Sư phạm âm nhạc Bình Định năm 2008, cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga gắn bó với các em học sinh là người dân tộc M'nông, Ê Đê ở xã Yang Mao. Nhà ở huyện Krông Năng, cách trường hơn 100 km, đường sá đi lại hết sức khó khăn, chồng làm nghề nuôi ong nay đây, mai đó nên mọi lo toan đè nặng lên vai cô Nga. Hằng tuần cô đi dạy môn âm nhạc ở cả 5 điểm trường. Cô đã cùng với Tổng phụ trách Đội xây dựng nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, đem đến cho học sinh nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp bổ ích và đã đạt nhiều thành tích. Trong hội thi "Giai điệu tuổi hồng" cấp huyện dành cho học sinh năm học 2018-2019 vừa qua, tiết mục văn nghệ của nhà trường, do cô Nga và cô Tổng phụ trách Đội dàn dựng đã xuất sắc giành hai giải Nhất cấp huyện.

Gắn bó với học sinh Trường THCS Yang Mao từ khi mới thành lập trường (năm 2004), cô Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Yang Mao (xã Yang Mao) cũng có hoàn khó khăn chẳng kém. Nhà tận TP Buôn Ma Thuột (cách trường hơn 90 km), hai đứa con nhỏ phải gửi ông bà nội chăm sóc, chồng là cán bộ Kiểm lâm vườn quốc gia Cư Yang Sin cả tuần vắng nhà. Tuy vậy, cô Dung luôn bám trường, bám lớp. Lớp 6A do cô chủ nhiệm có 43 học sinh (các em chủ yếu là người dân tộc M'nông, Ê Đê). Cô đã dành thời gian sinh hoạt đầu buổi học, các tiết sinh hoạt, thời gian ngoại khóa để dạy các em về kỹ năng sống, hướng dẫn các em về kiến thức an toàn giao thông, xây dựng nền nếp lớp, hướng dẫn học ở nhà… Cô Dung chia sẻ: "Nhiều thầy cô ở đây cũng rất khó khăn, vất vả nhưng luôn động viên nhau vượt qua để giảng dạy thật tốt. Chỉ thương các em học sinh, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, phụ huynh lại ít quan tâm đến việc học của con em nên chất lượng học tập còn rất thấp".

Thầy Nguyễn Khoa Xuân, giáo viên ở Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Đrăm) năm nay đã bước sang tuổi 57 và đã gắn bó với trường được 17 năm, nhưng vẫn "một chốn đôi quê". Nhà ở TP Buôn Ma Thuột, với quãng đường gần 120 km nhưng thầy Xuân vẫn rất tâm huyết, gắn bó với các em học sinh dân tộc Mông ở ngôi trường xa nhất của huyện Krông Bông. Ngoài những kiến thức truyền giảng hàng ngày, thầy Xuân còn thường xuyên đến thăm, hướng dẫn các em học ở nhà, vận động các em nghỉ học ra lớp.

Còn hoàn cảnh gia đình thầy Hồ Quốc Khánh, giáo viên trường Tiểu học Ea Bar (xã Cư Pui) lại rất éo le. Vợ là cán bộ phụ nữ của thị trấn, công việc nhiều, lại thường xuyên phải đi học, đi công tác xa nhà, nội ngoại hai bên đều ở xa nên hai đứa con nhỏ đành phải nhờ hàng xóm trông nom. Nhà cách trường gần 40 km nhưng thầy Khánh luôn sắp xếp để gắn bó với các em học sinh người dân tộc Mông nơi đây đã gần 15 năm. Đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải nên thầy còn phải làm thêm rẫy nương để cải thiện cuộc sống. Ngoài việc giảng dạy, vận động học sinh ra lớp, tham gia các hoạt động của nhà trường, thầy Khánh còn dành thời gian học tiếng Mông để thuận lợi cho việc giảng dạy, vận động học sinh bỏ học ra lớp và giao tiếp hàng ngày với các em học sinh.

Còn rất nhiều thầy cô đang giảng dạy ở các điểm trường cách nhà hàng trăm ki-lô-mét như điểm trường Ea Rớt (xã Cư Pui), điểm trường Cư Đhắt (xã Cư Đrăm), trường mẫu giáo Yang Mao… chưa có điều kiện chuyển về gần nhà. Song họ đã khắc phục mọi khó khăn, vất vả để gắn bó với công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Krông Bông.

TÙNG LÂM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_198405_nhung-nguoi-thay-vuot-kho.aspx