Những người thầy 'truyền lửa'

Những người thầy có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở nước ta từ xưa đến nay thời nào cũng có. Sức cảm hóa, khả năng 'truyền lửa' của họ không chỉ với học trò mà còn với xã hội, không chỉ với một thời mà còn với mọi thời. Đặc biệt nhất là những người thầy vượt lên số phận của bản thân mình để trở thành những người 'truyền lửa' đam mê, khát khao cống hiến cho học trò, cho xã hội.

Ngoài 70 tuổi, gần 2 thập kỷ qua, NGƯT Nguyễn Thị Thông, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) vẫn cần mẫn “chèo đò”, đưa con chữ, tình yêu thương đến với trẻ em nghèo, khuyết tật, người dân mù chữ nơi cửa biển Hậu Lộc. Ảnh: Vân Anh

Thầy Chu Văn An, người thầy của muôn đời, là một trong những người thầy nổi tiếng nhất, ưu tú nhất lịch sử Việt Nam. Thầy được vua Trần Minh tông mời đến dạy học tại Quốc Tử Giám, trường đại học (ĐH) đầu tiên của nước ta. Thầy đã khiến cho người đời xưa cũng như người đời nay ngả mũ nghiêng mình trước “thất trảm sớ”. Thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm - người thầy trên sông Tuyết (Tuyết Giang Phu Tử) - áng mây trắng ẩn cư (Bạch Vân Cư Sĩ) nhưng tiếng thơm vang lừng bốn cõi cùng với những lời sấm truyền và những học trò xuất sắc như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan,... Thầy Cao Bá Quát, người thầy được nhân dân tôn vinh là thánh nhân (thần Siêu, thánh Quát) sẵn sàng chết để chống lại bất công nhưng cũng sẵn sàng cúi đầu bái lạy hoa mai (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa). Thầy Nguyễn Đình Chiểu, người chịu nhiều đau khổ bất hạnh nhất cũng là người có nghị lực phi thường nhất và chính nghị lực phi thường của người thầy giáo mù ấy đã soi sáng con đường đi cho lớp lớp học trò bao thế hệ.

Thế hệ các nhà giáo cách mạng cũng vậy. Nền giáo dục Việt Nam gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng như: Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, thầy giáo Võ Nguyên Giáp, thầy giáo Lê Văn Thiêm, thầy giáo Hoàng Xuân Hãn, thầy giáo Đặng Thai Mai, thầy giáo Lê Thước, thầy giáo Văn Như Cương,... Những người thầy tuy đã ra đi nhưng ánh sáng còn để lại.

Bây giờ, nếu lên google gõ từ khóa để tìm những người thầy truyền cảm hứng, có sức lan tỏa rộng lớn hiện nay, ngay lập tức chúng ta sẽ có được hàng loạt cái tên với cả hàng trăm bài viết: Thầy giáo Đỗ Duy Hiếu - Thành công đến từ niềm đam mê và nghị lực sống; thầy Lê Hữu Tuấn - Người viết nên những điều kỳ diệu; thầy giáo Nguyễn Văn Hùng - “Thầy giáo tí hon” trở thành người truyền cảm hứng; thầy Đặng Phi Anh – Người thầy thắp lửa ước mơ; thầy giáo Trần Bá Thọ - Người thầy vẹn đức, đa tài;... Họ là những nhà giáo trong thời đại 4.0 đã tiếp nhận ánh sáng từ những người thầy đi trước để lại, cộng hưởng với ánh sáng của thời đại mình mà viết nên những điều kỳ diệu.

Trong khuôn khổ có hạn, người viết xin được đi sâu hơn về sức lan tỏa của ba người thầy tiêu biểu cho ba thời kỳ, những người thầy khuyết tật đã vượt lên số phận để trở thành những người “truyền lửa” đam mê học tập, khát khao cống hiến cho các thế hệ học trò: Thầy Nguyễn Đình Chiểu (thời xưa), thầy Nguyễn Ngọc Ký (thời sau cách mạng) và thầy Đỗ Duy Hiếu (thời 4.0).

Thầy Nguyễn Đình Chiểu, một con người tiêu biểu cho nhân cách Việt Nam trong thời kỳ đất nước trải qua một cơn biến động ba đào, đau thương nhưng vô cùng vĩ đại.

Đất nước bị ngoại xâm, nỗi nhà tai biến, nỗi mình bi thương, bao nhiêu nghiệt ngã của cuộc đời trút lên vai một người mù lòa, sự nghiệp công danh nửa đường dang dở... Sự thách thức nghiệt ngã ấy đặt ra cho Nguyễn Đình Chiểu thái độ phải lựa chọn lối sống và cách sống như thế nào cho thích hợp. Và thế là từ một người chịu nhiều đau khổ, bất hạnh nhất, Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành một người có nghị lực phi thường nhất. Cùng một lúc, ánh sáng từ nội lực bên trong đã khiến con người bị mù cả hai mắt ấy hoàn thành xuất sắc thiên chức của một nhà giáo, nhà thơ, người thầy thuốc, người công dân, một chiến sĩ yêu nước.

Là một nhà giáo, trọn đời thầy Đồ Chiểu chăm lo dạy dỗ môn sinh, truyền thụ cho thế hệ tương lai những điều cốt lõi của văn hóa Việt Nam về đạo lý truyền thống của dân tộc và nhân cách của một kẻ sĩ. Hào khí Đồng Nai, một nét đẹp văn hóa của con người Nam bộ được nuôi dưỡng và phát huy chính là nhờ sự nghiệp giáo dục của biết bao thế hệ người thầy đầy tâm huyết, trong đó nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu là một trong những người có công lớn. Nhiều thế hệ môn sinh của Đồ Chiểu tiếp thu sự giáo dục của thầy nuôi dưỡng ý chí, rèn luyện tinh thần để sẵn sàng trở thành “trang dẹp loạn” mà sinh thời cụ Đồ Chiểu hằng mong ước. Từ Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương ở Mỏ Cày cuối thế kỷ XIX đến các trí thức Nho học Lê Văn Đẩu, Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn ở Ba Tri nửa đầu thế kỷ XX đều là những thế hệ môn sinh đầy nhiệt huyết mang đậm dấu ấn giáo dục của thầy Đồ Chiểu. Cuộc đời của thầy Đồ Chiểu là “tấm gương lớn về đạo làm người”. Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế bài học lớn về một nhân cách cao cả, đặc biệt một nghị lực phi thường, một tấm lòng yêu đất nước, yêu dân vô bờ,... Ngày 3-7-1888, cả một trời Ba Tri, Bến Tre rợp trắng khăn tang học trò và những người mến mộ đến tiễn đưa thầy, đó là minh chứng cho sức lan tỏa của một người truyền lửa. Đó là phần thưởng lớn nhất dành cho một nhà giáo.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký, tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận - sức lan tỏa của “Tâm huyết trao đời”.

Năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Bản thân cậu và gia đình đều rất buồn và xót xa. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Ký vẫn nuôi ước mơ được đi học như chúng bạn cùng trang lứa. Năm lên 7 tuổi, cậu bé Ký lân la đến trường, đứng ngoài nghe cô giáo giảng bài, xem các bạn học. Về nhà, cậu bắt đầu hì hụi tập viết bằng... chân. Thời gian đầu việc tập viết với Ký quả như cực hình. Dần dần Ký viết được chữ O, chữ V... Không những thế, Ký còn vẽ được hình bằng thước và com-pa, làm được lồng chim để chơi... Nhờ sự cố gắng tuyệt vời đó, cậu đã được đi học và học rất giỏi. Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Năm 1963, Ký tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán toàn quốc và xuất sắc đứng thứ 5. Cậu lại được Bác Hồ tặng Huy hiệu lần thứ 2. Lên cấp III, theo lời động viên của bạn bè khắp nơi trên cả nước, Nguyễn Ngọc Ký đã chọn ngành văn. Năm 1966, ông nhận được giấy báo nhập học ngành ngữ văn của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Trong 4 năm học ĐH, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, song Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài đèn sách. Ông quan niệm: “Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở”. Năm 1970, ông bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký viết bằng chân đầu tiên với nhan đề: Những năm tháng không quên (sau đó là Tôi đi học; Tôi học đại học tái bản nhiều lần). Tốt nghiệp ĐH ngành ngữ văn, Nguyễn Ngọc Ký đã nghe theo lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Hải Hậu, Nam Định (quê ông) làm thầy giáo để “dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại, khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà”.

Để có thể giảng bài với đôi tay tật nguyền, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã suy nghĩ, tìm tòi nhiều phương pháp, cách thức dạy học. Ông đã nghĩ ra phương pháp dạy học rất sáng tạo, hiệu quả. Ông tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Giảng đến đâu, ông dùng chân kéo tờ giấy che ở bên ngoài xuống, thế là những con chữ xuất hiện cùng với giọng giảng bài sinh động, truyền cảm thuyết phục. Cứ như thế, người thầy tật nguyền nhưng sáng ngời ý chí và nghị lực ấy đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học trò. Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, Nam Định, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay”. Trong lá thư gửi Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Mấy chục năm qua, tấm gương Nguyễn Ngọc Ký đã được các thế hệ thanh niên, học sinh ở nước ta trân trọng, cảm phục như một trong những điển hình sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận tật nguyền, để sống có ích và giúp ích cho mọi người, cho đất nước”. Tên tuổi thầy Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến cùng với thông điệp truyền cảm hứng - người “truyền lửa”. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.

Thầy Đỗ Duy Hiếu, người thầy giáo trẻ tiêu biểu cho thời đại 4.0, tấm gương vươn mình vượt qua số phận, thành công đến từ niềm đam mê và nghị lực sống.

Hiện nay, thầy giáo Toán trên đôi nạng gỗ Đỗ Duy Hiếu có lẽ đã là cái tên quen thuộc với ít nhất 150.000 học sinh online và offline của trung tâm “Học Toán cùng thủ khoa”. Đỗ Duy Hiếu đã trở thành một hiện tượng, một tấm gương trong cộng đồng học sinh, sinh viên. Hình ảnh và nghị lực của thầy giáo khuyết tật đã thôi thúc các bạn trẻ không ngừng nỗ lực vươn lên thực hiện ước mơ của mình.

Đỗ Duy Hiếu sinh ra ở miền quê hiếu học Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Tốt nghiệp THPT, Hiếu thi vào khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình như bao bạn bè đồng trang lứa. Nhưng tai nạn giao thông bất ngờ ập đến năm thứ 2 ĐH, khiến cho cuộc đời Duy Hiếu bước sang những tháng ngày tăm tối. Đôi chân bị liệt hoàn toàn khiến cậu buộc phải nghỉ học, nằm viện để điều trị trong thời gian dài. Giảng đường ĐH bỗng trở thành một nơi xa vời của chàng sinh viên đến từ xứ Thanh. Duy Hiếu đành ngậm ngùi bỏ dở ước mơ ĐH của mình để về quê. Trở về quê dưỡng bệnh, Hiếu bất ngờ nhận được đề nghị dạy học cho các em học sinh trong xã. Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy Đỗ Duy Hiếu mỗi ngày một đông. Từ chàng sinh viên Bách khoa, Hiếu trở thành “thầy giáo làng” được rất nhiều học sinh yêu mến.

Sau thời gian dạy học ở quê, Duy Hiếu quyết tâm thi ĐH và trở thành sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội với điểm thi 27/30. Vượt qua khó khăn, Đỗ Duy Hiếu đã tự viết lên câu chuyện cổ tích của chính mình khi xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với điểm tổng kết toàn khóa đạt 3,59/4. Anh còn giành được rất nhiều giải thưởng: Giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường, Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐH quốc gia, giải nhất tài năng khoa học trẻ 2013. Duy Hiếu cũng đã có hai bài đăng trên tạp chí Toán học quốc tế. Với những thành tích xuất sắc trong học tập, Đỗ Duy Hiếu đã được biên chế vào Viện Toán học Việt Nam, được đặc cách làm luận án tiến sĩ (không cần qua thạc sĩ). Anh còn được ĐH Lyon (Pháp) mời sang học tập và nghiên cứu với học bổng toàn phần. Tuy nhiên, với tình hình sức khỏe và bất tiện trong đi lại, anh quyết định gắn bó lâu dài với Viện Toán học.

Để phụ giúp gia đình có thêm thu nhập, Hiếu nghĩ cách mở trung tâm ôn luyện Toán dành cho học sinh từ lớp 2 đến người ôn thi ĐH. Trung tâm mang tên: Trung tâm Học toán cùng thủ khoa. Không chỉ chắp cánh cho tình yêu toán học, trong mỗi tiết dạy của thầy Hiếu, các em còn học được nghị lực và lòng quyết tâm từ những câu chuyện giản dị.

Đặc biệt, với tài năng và sự sáng tạo, thầy giáo Đỗ Duy Hiếu còn cho ra đời một phần mềm hỗ trợ toán học online mang tên: Khóa học toán online tương tác hai chiều dành cho đối tượng học sinh từ lớp 3 đến lớp 9. Sau sự thành công của “Khóa học toán online tương tác hai chiều”, thầy Đỗ Duy Hiếu còn dành thời gian tìm tòi nghiên cứu và lên ý tưởng cho phần mềm hỗ trợ luyện thi Olympic Toán bằng tiếng Anh, với sự tích hợp của từ điển chuyên ngành về Toán và từ điển thông thường. Hiện ý tưởng trên đã được một nhóm sinh viên tài năng của ĐH Khoa học Tự nhiên xây dựng thành công và phục vụ giảng dạy tại Trung tâm Học Toán cùng thủ khoa.

Sau tai nạn định mệnh ấy, Đỗ Duy Hiếu nghĩ rằng ước mơ của một kỹ sư tương lai đầy hoài bão của anh đã khép lại. Nhưng ước mơ trở thành một thầy giáo dạy Toán cũng được mở ra từ đó. Hành trình hiện thực hóa ước mơ và những thành công khiến cho không một ai nghĩ rằng Đỗ Duy Hiếu là một người khuyết tật. Mọi người, nhất là các em học sinh, sinh viên nhắc đến tên thầy Đỗ Duy Hiếu như một người “truyền lửa” với sức lan tỏa mãnh liệt.

Dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nhưng làm người thầy, để học trò, các bậc phụ huynh và xã hội ghi nhận, tôn vinh thật không dễ. Từ khi đất nước đổi mới, cơ chế thị trường ảnh hưởng không ít đến nghề dạy học và một bộ phận nhà giáo chỉ quan tâm tới dạy chữ mà xem nhẹ việc dạy người. Song, vẫn còn rất nhiều thầy giáo, cô giáo không thiếu tình yêu, lòng tự trọng và niềm đam mê với nghề. Bởi vậy, hãy thắp lên ngọn lửa từ chính trái tim mình để trở thành người “truyền lửa” - truyền cảm hứng đến những chủ nhân tương lai của đất nước! Hãy là những nhà giáo có danh hiệu trong lòng học trò, các bậc phụ huynh và xã hội!

Người viết xin mượn lời một nhà giáo xứ Thanh để khép lại những dòng tâm sự về người thầy - người “truyền lửa”:

Suốt đời làm những que diêm

Để nhen nhóm lửa trong tim học trò

Yêu cuộc đời, yêu tuổi thơ

Tôi gieo hạt chữ mà mơ quả vàng.

Thanh Hóa, tháng 11-2019

Ths Lê Hồng Chính

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/nhung-nguoi-thay-truyen-lua/110628.htm