Những người thầy quản giáo

Nếu như quá trình 'giáo dục đi' có những gian nan, vất vả riêng của nghề đứng trên bục giảng thì quá trình 'giáo dục lại' của người cán bộ quản giáo còn gian khó gấp nhiều lần. Câu chuyện ở Trại giam Đắk Tân (Bộ Công an) là một minh chứng.

Nếu như quá trình "giáo dục đi" có những gian nan, vất vả riêng của nghề đứng trên bục giảng thì quá trình "giáo dục lại" của người cán bộ quản giáo còn gian khó gấp nhiều lần. Câu chuyện ở Trại giam Đắk Tân (Bộ Công an) là một minh chứng.

Một lớp xóa mù ở trại giam Đắk Tân.

Một lớp xóa mù ở trại giam Đắk Tân.

Hôm chúng tôi đến thăm trại giam Đắk Tân, được gặp những người thầy quản giáo đang dạy văn hóa xóa mù chữ cho các phạm nhân. Người thầy ấy vẫn cần mẫn, miệt mài truyền đạt cho những phạm nhân bài học làm người tử tế... Những ngày đầu nhập trại, những phạm nhân này đều không biết mặt con chữ, con số. Nhờ sự quan tâm của Ban giám thị, hội đồng cán bộ, quản giáo của trại giam, đến nay những phạm nhân giờ có thể đọc viết thành thạo, hàng ngày trau dồi kiến thức, với hy vọng sau khi chấp hành án xong án phạt tù sẽ áp dụng những kiến thức đã học để khi trở về đời sống có ích với gia đình và xã hội.

Phạm nhân Hà Văn Hải đang chấp hành án ở trại giam Đắk Tân xúc động kể lại: "Do gia đình khó khăn, nên từ nhỏ không đã không theo học được, đã không biết chữ. Từ khi vào đây, được sự quan tâm của hội đồng cán bộ, ban giám thị giúp đỡ cho tôi được xóa mù chữ, tôi đã biết viết, biết đọc và cộng trừ nhân chia tôi cũng đã làm được. Từ khi tôi biết chữ tôi đã đọc được thư của thân nhân gửi và tôi có mượn sách của thư viên để đọc, học tập tốt, nâng cao kiến thức để sau này về xã hội để làm lại từ đầu".

Nhiều năm nay, khi các phạm nhân nhập trại chưa biết mặt những con chữ và con số đều được trại giam Đắk Tân mở lớp dạy văn hóa xóa mù chữ. Sau 3 năm trở lại đây, trại giam Đắk Tân đã phối hợp với Phòng Giáo dục H. M'Đrắk (Đắk Lắk) mở được 5 lớp và xóa mù chữ cho gần 130 phạm nhân.

Hướng dẫn phạm nhân học nghề.

Phạm nhân Nguyễn Thế Anh chia sẻ: "Lúc đầu mới vào trại thì chúng tôi thấy cô độc, chỉ muốn tìm mọi giải pháp để thoát khỏi đời thường này. Nhưng sau khi được sự quan tâm của ban giám thị, hội đồng cán bộ và các phạm nhân khác động viên, quan tâm chia sẻ chúng tôi để cải tạo tốt sớm trở về với gia đình và xã hội. Ngoài ra chúng tôi học được thêm các nghề như đan lát, may mặc, ghép lông mi... tạo điều kiện tham gia chương trình văn nghệ, thể dục thể thao. Để sau về đời chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những nghề nghiệp mà tại trại giam chúng tôi đã được học, nhất là những kiến thức, pháp luật để chúng tôi về đời vững tâm và có 1 cái nghề mà đã được học trong trại...".

Thắp sáng niềm tin cho những người lầm lỗi, khơi dậy trong họ cái thiện, dạy cho họ biết lao động và trân quý giá trị của lao động là chuyện không hề đơn giản. Đòi hỏi những cán bộ chiến sĩ quản giáo ở đây không chỉ có tinh thần trách nhiệm mà còn cả lòng nhân ái, bao dung. Bởi chỉ có tấm lòng mới lay động được tấm lòng, mới cảm hóa và đánh thức lòng lương thiện trong mỗi phạm nhân, những người đã từng một thời lầm lỗi.

Trung úy Trần Ngọc Sơn, cán bộ quản giáo trại giam Đắk Tân tâm sự: "Trong quá trình thực hiện công tác quản giáo, ngoài việc quản lý chúng tôi còn phải giáo dục. Ngoài giáo dục pháp luật, những quy định chính sách đối với phạm nhân, chúng tôi còn phải giáo dục về mọi mặt, không chỉ giáo dục về văn hóa mà còn giáo dục về con người để sau khi phạm nhân về với xã hội thì có những quy tắc ứng xử chuẩn mực. Chúng tôi cảm hóa họ bằng những hành động thực tế. Chúng tôi cũng như những người thầy, mặc dù môi trường trại giam quy định chúng tôi là chiến sĩ trại giam nhưng ngoài trách nhiệm chúng tôi còn lương tâm của một người thầy chúng tôi giáo dục cảm hóa họ bằng những hành động thực tế của bản thân những người quản giáo".

Đại tá Nguyễn Thanh Hải- Giám thị trại giam Đắk Tân chia sẻ: "Ban giám thị cùng tập thể cán bộ của trại giam xác định công tác giáo dục là công tác trọng tâm trong thi hành án phạt tù. Thứ nhất chúng tôi tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ đồng thời tổ chức xóa mù chữ cho các phạm nhân. Trong những năm qua chúng tôi đã tổ chức được hàng chục lớp, đã xóa mù trên 150 phạm nhân. Trong quá trình đó thì đã có những nét chữ gửi về cho gia đình phạm nhân hết sức cảm động. hoặc các hoạt động viết thư gửi lời xin lỗi và các chương trình như đội phạm nhân kiểu mẫu, đội phạm nhân văn hóa qua đó có tác dụng rất lớn đến việc giáo dục phạm nhân.. Quan trọng nữa là tổ chức giáo dục cho phạm nhân, tổ chức dạy học, dạy nghề cho phạm nhân".

Trên hành trình về con đường lương thiện của những người đã từng một thời lầm lỗi, luôn có sự quan tâm giáo dục, động viên, hướng dẫn của các cán bộ quản giáo. Với sự cố gắng xây dựng môi trường học tập, giáo dục, lao động, dạy nghề, cải tạo đổi mới phát triển, nghiêm minh, nhân văn, tình thương, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo ban Giám thị, hội đồng cán bộ ở Trại giam Đắk Tân. Nhờ đó, các phạm nhân ở trại luôn có gắng cải tạo, học tập, rèn luyện thật tốt để được sự khoan hồng của pháp luật được giảm án được trở về đời, sống có ích cho gia đình và xã hội.

QUỐC DŨNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_234838_nhung-nguoi-thay-quan-giao.aspx