Những người thắp lửa

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trong những cái nôi gìn giữ nuôi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Mỗi ngày, ở đô thị náo nhiệt này, vẫn có những con người lặng lẽ truyền lại nghề cho thế hệ mai sau. Họ âm thầm 'đãi cát tìm vàng', gieo vào lòng những bạn nhỏ tình yêu đối với môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Các em nhỏ trong nhóm đờn ca tài tử giao lưu tại nhà em Trần Nhựt Đức.

Các em nhỏ trong nhóm đờn ca tài tử giao lưu tại nhà em Trần Nhựt Đức.

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trong những cái nôi gìn giữ nuôi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Mỗi ngày, ở đô thị náo nhiệt này, vẫn có những con người lặng lẽ truyền lại nghề cho thế hệ mai sau. Họ âm thầm “đãi cát tìm vàng”, gieo vào lòng những bạn nhỏ tình yêu đối với môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Cặm cụi “gieo hạt”

Từ khi về hưu, cô Thái Thị Hạnh dồn hết tâm sức theo đuổi niềm đam mê của mình: đờn ca tài tử. Yêu âm nhạc truyền thống từ nhỏ, từng theo học đờn tranh nhưng rồi cô Hạnh bỏ lại tất cả để tham gia thanh niên xung phong. Rồi thời gian đưa đẩy, cô tham gia nhiều lĩnh vực, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau; có lúc tưởng chừng niềm đam mê ngày xưa đã nguội lạnh. Nhưng khi rảnh, có được thời gian sống cho mình, niềm đam mê ấy lại bùng cháy. Không phải là người biểu diễn, cô Hạnh giống như một “bà bầu” mát tay để duy trì phong trào đờn ca tài tử ở quận 8. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử của quận, cô Hạnh muốn mọi thứ phải luôn chỉn chu, bài bản. Những nhóm ca do cô phụ trách, đảm nhận đều gặt hái được thành công nhất định. “Mơ ước lớn nhất của tôi là nuôi dưỡng, đào tạo các em nhỏ yêu thích đờn ca tài tử”. Đến nay, mơ ước ấy đã dần trở thành hiện thực. Cô Hạnh tập hợp được khoảng 10 em để dạy. Có em, cô mời vào nhóm, có em nghe tiếng cô Hạnh thì xin vào. Mỗi khi chuẩn bị cho chương trình biểu diễn hay liên hoan, các em được dạy tập trung tại nhà cô. Cô chăm các em như chăm con, chăm cháu của mình. Mọi thứ cô đều tự trang trải hết, từ ly nước, cái bánh đến trang phục biểu diễn. “Mỗi khi trời mưa gió, thấy phụ huynh vẫn lặn lội chở con đến học ca, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để dạy các em” - cô Hạnh chia sẻ.

Đồng hành với cô là nghệ sĩ Phan Minh Đức và nghệ nhân đờn ghi-ta Minh Hòa. Đây là những nghệ sĩ vững tay nghề, và nhất là cùng có niềm đam mê đi gây dựng phong trào đờn ca tài tử trong lứa tuổi thiếu nhi như cô Hạnh. Yêu nghề, yêu trẻ, họ đã góp phần không nhỏ để tạo nên những gương mặt đờn ca tài tử triển vọng cho thành phố như Nhựt Đức, Trọng Nhân, Minh Triết… Nghệ nhân Minh Hòa chia sẻ, dạy cho trẻ em có những cái khó riêng. Phải đờn làm sao để các em theo được nhạc và thấy hứng thú khi ca. Làm được điều đó, ngoài năng lực thì người thầy phải thật sự yêu trẻ em. Cô Hạnh bộc bạch, những người yêu đờn ca tài tử sẽ khó xây dựng được thế hệ kế cận, nếu không có sự ủng hộ của phụ huynh. Làm sao để phụ huynh tin tưởng, thấy được đây là môn nghệ thuật cần thiết cho con mình. Khi ấy mọi việc mới được thuận lợi.

Năm nay sáu tuổi, nhưng bé Đào Minh Triết đã được bà ngoại cho đi học đờn ca tài tử cách đây hơn hai năm. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (Tám Vân), bà ngoại cháu Triết kể, bà yêu thích đờn ca tài tử nên vẫn thường sinh hoạt ở CLB của phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Khi về nhà, bà hay ca cho vui. Khi Triết ngủ, bà thường ca vài điệu để ru cháu. Rồi có một hôm, đứa cháu ngoại nói với bà, bà sáng tác cho cháu ca đi. “Tôi cũng thử sáng tác và tập cho nó ca. Thấy cháu yêu thích, tôi gởi cháu đến sinh hoạt chỗ cô Hạnh để được dạy kỹ hơn. Năm bốn buổi, cháu đã đoạt giải thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi Búp sen vàng của thành phố” - bà Tám Vân cho biết thêm. Nay Triết lên lớp một, Triết đã có nhiều tiến bộ trong giọng ca và phong cách trình diễn. Giờ đây ngoài việc học văn hóa, Triết thường xuyên tới sinh hoạt ở nhà cô Hạnh và đi biểu diễn khi có chương trình phù hợp.

Em Trương Trọng Nhân, năm nay 13 tuổi, cũng là một giọng ca nhiều hứa hẹn ở bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử. Ban đầu em hát tân nhạc. Nhưng khi tham gia sinh hoạt tại Trung tâm văn hóa quận 8, các cô, chú gợi ý em thử hát cổ nhạc xem sao. Và khi chuyển qua thể loại mới này, em đã tạo bất ngờ cho mọi người. Giọng ca khỏe, hào sảng, Trọng Nhân đã thuyết phục ban giam khảo ở nhiều cuộc thi đờn ca tài tử để giành giải cao trong những năm gần đây. Với sự ủng hộ của gia đình, Trọng Nhân có điều kiện rèn luyện, mài giũa giọng ca của mình với thầy Minh Đức, Minh Hòa, nên đã có sự tiến bộ rõ rệt. Cô Trần Thị Lan (mẹ Trọng Nhân tâm sự), thấy cháu có năng khiếu, lại đam mê bộ môn này nên gia đình tranh thủ sắp xếp thời gian chở cháu đi sinh hoạt ở nhà cô Hạnh. Thấy cháu được thầy cô đánh giá cao, gia đình vui lắm, cố gắng tạo điều kiện cho cháu phát triển tài năng”.

Những tài tử nhí

Vừa qua, cô Thái Thị Hạnh, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử quận 8, TP Hồ Chí Minh, tổ chức một chuyến về quê em Trần Nhựt Đức, một trong những gương mặt đờn ca tài tử nhí triển vọng của thành phố. Quê của Đức ở ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Chuyến đi như một buổi liên hoan, giao lưu giữa các tài tử nhí sau khi các em gặt hái thành công tại Liên hoan thiếu nhi hè khối phong trào TP Hồ Chí Minh năm 2018, cũng là dịp để chúc mừng Đức trúng tuyển vào Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội.

Trời phương nam mưa nắng bất chợt. Cơn mưa sớm hôm ấy chỉ làm cho khí trời dịu bớt nóng, chứ không ảnh hưởng đến niềm phấn khởi của các bạn nhỏ. Sau gần hai giờ đồng hồ chạy xe, đoàn về đến nhà Đức. Không gian yên bình. Trước mặt mọi người là cánh đồng cỏ mênh mông, gợi về những vùng đất dường như chỉ còn trong ký ức...

Bọn trẻ trong nhóm đờn ca tài tử của cô Hạnh bắt đầu nô đùa khắp sân như bầy sẻ nhỏ. Cô Hạnh cho biết, đứa nhỏ nhất trong nhóm khoảng sáu tuổi, lớn nhất là em Nhựt Đức chuẩn bị bước vào lớp 10. Có em đến với đờn ca tài tử đã hơn 5 năm, nhưng có em chỉ mới làm quen chừng vài tháng. Đức được các em gọi với cái tên thân thương: Anh Hai. “Anh Hai” đang tất bật kiểm tra dây đờn, âm thanh để bắt đầu “lai sô” của nhóm. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, các tài tử nhí lần lượt lên biểu diễn. Thềm nhà của Đức trở thành sân khấu để các em thể hiện đam mê của mình. Những bản Xuân tình, Vọng Kim Lang, những bài ca cổ ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca Bác Hồ, lần lượt được các em say sưa thể hiện. Có em tiến bộ hơn từ giọng ca, nhịp phách, phong thái biểu diễn, có em vẫn còn non nớt, nhưng mọi người vẫn cảm nhận được sự nhiệt tình, niềm đam mê nhạc tài tử ánh lên trong đôi mắt. Các em làm chủ hoàn toàn chương trình của mình. Đơn ca, song ca, tam ca, rồi tốp ca, những giai điệu quê hương cứ tuôn chảy giữa không gian yên tĩnh. Ấn tượng nhất có lẽ là bài Về thăm quê ngoại, thể điệu Khóc Hoàng Thiên do cả nhóm trình bày. Đây là tiết mục đã đoạt giải nhì tại Liên hoan thiếu nhi hè khối phong trào TP Hồ Chí Minh năm 2018 vừa qua. Một miền quê êm đềm hiện ra qua mỗi lời ca của các bạn nhỏ. Chúng tôi cũng thấy được niềm vui ngời lên trong ánh mắt của những người đang miệt mài làm công việc bảo tồn âm nhạc dân tộc.

Trời ngả dần sang chiều. Ánh nắng trên những đồng cỏ cũng nhạt đi. Một cơn mưa nữa sắp đến. Tiếng đờn ca trong nhà em Nhựt Đức vẫn vang lên, khi sâu lắng, khi rộn rã...

Với tình yêu của mình, những người như cô Hạnh, thầy Minh Đức, Minh Hòa… và nhiều người khác nữa vẫn cặm cụi đi gieo những hạt giống trên cánh đồng nghệ thuật truyền thống dân tộc mà không màng đến danh hiệu, hay sự tôn vinh. Với họ, mỗi khi khơi được tình yêu âm nhạc dân tộc trong lòng bạn trẻ đã là niềm hạnh phúc, dù tình yêu ấy có thể chỉ là những đốm lửa nhỏ.

Bài và ảnh: VÕ MẠNH HẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/38590902-nhung-nguoi-thap-lua.html