Những người 'thắp lửa' buôn làng

Thung thăng giữa mùa nắng gió nam Tây Nguyên về với buôn làng để được nghe kể chuyện những người 'thắp lửa'. Có lẽ, nhờ họ mà tiếng chiêng, tiếng kèn, điệu vũ, cùng nét văn hóa của người Chu Ru được giữ gìn và lan tỏa.

Những tia nắng cuối ngày dần tắt trên đỉnh núi thiêng Iamơnhi, bà con dân tộc Chu Ru, thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) xúng xính áo hội, tề tựu về nhà văn hóa cùng vui ngày hội mùa xuân. Ngọn lửa thiêng được thắp lên, đêm hội kết nối cộng đồng bắt đầu. Âm ba của chiêng (sar), trống (sơgơr) hòa quyện cùng điệu rơkel (kèn bầu) tấu khúc T’rumpô trong nhịp điệu mời thần; Păhgơnăng tưng bừng, hối hả mời mọi người nhập cuộc; Arya gợi mở cuộc vui vào đêm bất tận. “Tamya là múa. Còn Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Damtơra... là các vũ điệu. Đối với người Chu Ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, không thể thiếu các điệu Tamya trên nền nhạc cồng chiêng, rơkel. Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu Ru”, nghệ nhân Touneh Ma Bio cho biết.

Tuổi thơ nằm trên lưng mẹ, Ma Bio đã được ru bằng nhịp chiêng vọng qua nhà dài, bằng điệu rơkel Ryou anặh (ru con) đong đưa len qua khe suối. Cô gái miền sơn cước hấp thụ sinh khí buôn làng và lớn lên giữa không gian văn hóa mê đắm hồn người. Có lẽ nhờ thế, khi vừa chập chững lên bảy, lên tám, đôi tay của Ma Bio đã gõ đúng nhịp chiêng, đôi chân đã bước được vài điệu Tamya. “Sau đó hai năm, mình đã biết chơi chiêng, đánh trống một cách hồn nhiên, nhưng không hề lỗi nhịp”, nghệ nhân Ma Bio bộc bạch. Và từ đó, hồn sar, nhịp sơgơr cùng những điệu dân vũ Tamya truyền thống của người Chu Ru ngấm vào cô gái miền sơn cước.

Già làng Ya Bút thổ lộ: “Hồi đó, nhiều thanh niên trong buôn mình biết đánh chiêng, nhưng hầu như không biết điệu. Có lẽ, Ma Bio được Yàng (trời) phú cho cái khiếu bẩm sinh, nên cái chiêng, điệu vũ cứ bám riết lấy nó. Giờ Ma Bio đã trở thành người nổi tiếng cộng đồng Chu Ru mình, bởi nó có công hồi sinh Tamya, nhờ đó mà tiếng chiêng, điệu rơkel được ngân dài”. Năm 2007, nghệ nhân Ma Bio thành lập đội chiêng để truyền dạy cho lớp trẻ trong buôn. Hơn mười năm ròng rã truyền lửa, đến nay, buôn làng Chu Ru đã có những thế hệ tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống. “Hơn 70 đứa biết tấu chiêng, đánh trống, hòa nhịp Tamya rồi, mình vui lắm”, bà Ma Bio bộc bạch.

Trong ánh lửa bập bùng, tôi nhận ra Ma Tham, cô gái sơn cước mê kèn bầu. Ma Tham là con gái già Ha Sen (thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), người làm và chơi rơkel nổi tiếng khắp vùng. Ma Tham bảo, nhờ cha mà chị “thẩm” được tiếng kèn bầu và chơi được nhiều điệu. Năm nay 43 tuổi, nhưng thời gian Ma Tham biết thổi kèn bầu hơn hai phần ba tuổi chị. “Nhớ ngày đầu tiên biết chơi rơkel, vui lắm. Mình thường lén lấy kèn bầu của cha ra tập, cảm được gì thì thổi kiểu ấy. Sau này, cha nhận ra năng khiếu mới chỉ cho mình”, Ma Tham tâm sự. Niềm vui của già Ha Sen được nhân lên, khi cháu gái 12 tuổi Ma Viên, con gái Ma Tham cũng đã học từ mẹ và biết thổi nhiều điệu rơkel của người Chu Ru. Giờ đây, Ma Tham là thành viên nòng cốt trong đội cồng chiêng buôn làng Chu Ru, do Ma Bio làm “nhạc trưởng”.

Nhiều năm qua, mỗi dịp xuân về, hay lễ hội văn hóa của quê hương, đất nước, đội chiêng của người Chu Ru đều được chọn tham gia biểu diễn, góp phần mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa nam Tây Nguyên ra với cộng đồng.

Không hẹn trước, tôi tìm về buôn R’Lơm, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, để nghe già làng Ya Loan kể chuyện. Năm nay, già đã trải 73 mùa rẫy, vẫn vẹn nguyên phong thái của người thầy từng đứng lớp cấp tiểu học. Người dân vẫn trìu mến gọi ông là “thầy Ya Loan”, bởi già luôn đau đáu với việc bảo tồn và phổ biến chữ viết của người Chu Ru, không chỉ cho con em buôn làng, mà cả những người muốn tìm hiểu căn cơ văn hóa Chu Ru. Trong cái bắt tay thật chặt, già bảo: “Để chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước thấm sâu ở các buôn làng thì phải hiểu ngôn ngữ của họ. Không chỉ cán bộ nói đồng bào nghe, mà cán bộ cũng phải nghe cái bụng của đồng bào nữa”.

Từ năm 2005, già Ya Loan bắt đầu hành trình nghiên cứu ngôn ngữ của dân tộc mình. Ông cất công tìm đến các buôn làng người Chu Ru ở Lâm Đồng để gặp những người am hiểu chữ viết, nhờ họ giải thích nghĩa của ngôn ngữ Chu Ru cổ, phục vụ công trình biên soạn từ điển Chu Ru - Việt của mình. Giờ đây, cuốn từ điển gồm mười nghìn từ thông dụng và những từ ít dùng trong đời sống, sinh hoạt của người Chu Ru đã cơ bản hoàn thành. “Cuốn từ điển này sẽ giúp người Chu Ru gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, nhất là với thế hệ trẻ”, già Ya Loan chia sẻ. Cũng trong thời gian này, già Ya Loan được mời thỉnh giảng các lớp dạy tiếng Chu Ru cho cán bộ, giáo viên… do tỉnh Lâm Đồng tổ chức và hàng trăm cán bộ, công chức địa phương đã được phổ cập ngôn ngữ Chu Ru.

Chia tay những người “thắp lửa” buôn làng Chu Ru, chợt thổn thức âm giai Giữ ấm bếp hồng của Krajan Plin: “Kìa trông vầng trăng trên cao, kìa trông ngàn sao lung linh/Dẫu có bão giông, thác lũ thét gào, ta hãy cùng nhau giữ ấm bếp hồng”.

Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35608302-nhung-nguoi-%E2%80%9Cthap-lua%E2%80%9D-buon-lang.html