Những người tái hiện tuổi thơ Bác Hồ ở Kim Liên

Giọng nói ngọt ngào, chứa chan tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu của các chị - những người kể chuyện Bác Hồ, đã tạo nên những ấn tượng rất đặc biệt đối với mỗi du khách khi có dịp đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).

Câu chuyện về tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung và những lần Người về thăm quê thì ai cũng biết, nhưng có về thăm “làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha”, được nghe các hướng dẫn viên kể chuyện với chất giọng đặc trưng xứ Nghệ ta càng thấy cảm phục đến nghẹn ngào trước sự bình dị nhưng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi ấn tượng ngay trong lần đầu đến thăm Khu di tích, chị Hoàng Thị Thu là hướng dẫn viên cất giọng nói ngọt ngào: “Thưa các anh chị, dưới mái tranh này, trên chiếc giường tre này, Bác Hồ của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời, sống 5 năm đầu tiên của đời mình. Cánh võng này mẹ từng ru Bác ngủ. Chiếc rương nhỏ này của bà ngoại tặng mẹ ngày lấy chồng, Bác đã chập chững, vịn tay men theo nó để sang gian đọc sách, chào khách của cha…”. Giọng nói ngọt ngào của chị như đưa hình ảnh quê Bác và những hướng dẫn viên thướt tha trong tà áo dài màu cánh sen hiện rõ trước mặt tôi. Dù đã rất nhiều lần đến khu di tích, nhưng lần nào nghe các chị kể chuyện, trong tôi vẫn trào lên cảm xúc rưng rưng khó tả. Đã bao năm qua, chất giọng Nghệ ngọt ngào và sâu lắng, lúc ngân như hát, lúc nhẹ như thở, lúc nghẹn lại như nén khóc của các hướng dẫn viên nơi đây đã đi vào lòng hàng triệu du khách.

 Chị Bùi Bích Đảm giới thiệu nhà Bác với các thầy, cô giáo và cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại Trường Văn hóa Xuân Thành - Viêng Xay giai đoạn 1962-1988.

Chị Bùi Bích Đảm giới thiệu nhà Bác với các thầy, cô giáo và cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại Trường Văn hóa Xuân Thành - Viêng Xay giai đoạn 1962-1988.

Để có thể tái hiện câu chuyện sống động làm nên cái hồn cho các hiện vật thì theo chị Thu, ngoài tình cảm đặc biệt với Bác còn phải có sự am hiểu tường tận câu chuyện xung quanh những hiện vật ấy. “Mỗi vật dụng đơn sơ trong căn nhà của Bác ở quê nội, quê ngoại đều gắn với những câu chuyện cảm động về cuộc sống của gia đình. Vì vậy, người thuyết minh phải làm sao cho du khách hòa mình cùng di tích, cảnh vật thiên nhiên nơi đây, sống và cảm nhận những ngày cậu bé Nguyễn Sinh Cung còn ở làng Sen. Từ đó, du khách mới hiểu được cuộc sống thanh bần, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân ở quê nhà” - chị Thu tâm sự.

Khu di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, mãi đến năm 1989 mới tiến hành thi tuyển hướng dẫn viên. Trong 16 hướng dẫn viên, có người đã hơn 30 năm, cũng có người chỉ hơn một năm trong nghề, nhưng họ đều có điểm chung là quê xứ Nghệ và sở hữu giọng nói rất đỗi ngọt ngào. Chị Phùng Thị Hương Giang - một trong những hướng dẫn viên có thâm niên, thổ lộ với tôi: “Tài sản lớn nhất của hướng dẫn viên là giọng nói và tình cảm ngày càng lớn với Bác Hồ, với từng du khách”. Ngày nào cũng đi làm, không quản nắng mưa, lễ tết, nhưng với chị Giang, việc làm thế nào để trau dồi được nhiều câu chuyện về Bác, về gia đình Bác; làm thế nào để truyền cảm hứng đến nhiều đối tượng du khách khác nhau và làm thế nào để xử lý các tình huống mà không có những sai sót mới là khó khăn lớn nhất đối với các hướng dẫn viên. Do vậy, để hoàn thành công việc của mình, chị Giang đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu để làm giàu thêm những kiến thức về thân thế, sự nghiệp của Bác cũng như kỹ năng truyền cảm hứng cho du khách…

Sau mỗi lần hướng dẫn, được du khách khen ngợi, đó là một niềm tự hào lớn. Mỗi hướng dẫn viên của Khu di tích Kim Liên đều có cho riêng mình những niềm tự hào như thế. Hướng dẫn viên Bùi Bích Đảm đã tâm sự: “Khi kết thúc thuyết minh cho đoàn khách nguyên là các thầy, cô giáo và cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại Trường Văn hóa Xuân Thành - Viêng Xay giai đoạn 1962-1988, tiền thân của Trường Hạ sĩ quan số 2 Viêng Xay (Lào), một bác cứ nắm tay tôi và bảo: “Cảm ơn cháu! 35 năm rồi bác mới được quay lại nơi này, nghe lại câu chuyện về Bác Hồ. Cháu đã tái hiện thật sống động tuổi thơ của Bác Hồ làm bác và mọi người không cầm được nước mắt. Khi rơi nước mắt tức là đã chạm đến sâu thẳm đáy lòng, để từ đó người ta thấy được giá trị của độc lập, tự do hôm nay mà phấn đấu tu dưỡng, luyện rèn theo tấm gương của Bác”.

Lời động viên đó khiến chị Đảm càng thêm trân quý công việc của mình, chị lấy câu nhận xét của người cựu chiến binh làm động lực, kim chỉ nam cho mình. Kể về kỷ niệm sâu sắc nhất từ khi trở thành hướng dẫn viên, chị Đảm ngậm ngùi nhớ lại 18 năm về trước, khi chị thuyết minh cho đoàn khách miền Bắc vào thăm quê Bác. Mới chỉ đến hiện vật cái chõng tre thì một người đàn ông trung niên đã bật khóc nức nở. Hỏi ra mới hay, con ông là liệt sĩ. Trên đường hành quân vào Nam, anh có ghé qua thăm quê Bác. Vào chiến trường, anh biên thư kể với bố mẹ niềm vinh dự được về làng Sen, hẹn ngày non sông thống nhất, anh sẽ đưa bố mẹ đến đây. Nhưng rồi lời hứa ấy đã không thực hiện được. Anh hy sinh trước ngày giải phóng… Dưới mái nhà tranh đơn sơ, ông nấc lên: “Bác ơi, con đã được về thăm quê Bác như ước mơ của cháu nó rồi, Bác ơi…”.

Bài, ảnh: MẠNH HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dinh-ninh-loi-bac/nhung-nguoi-tai-hien-tuoi-tho-bac-ho-o-kim-lien-618160