Những người săn tìm ốc hoàng đế

Là loài hải sản xuất hiện nhiều ở vùng biển phía Tây Tổ quốc, ốc hoàng đế - còn được gọi với tên dân dã là ốc giác, ốc gáo... là sản vật gắn liền với đời sống của ngư dân suốt bao đời nay. Loài ốc quý giá này xuất hiện nhiều ở các hòn đảo trên vịnh Thái Lan như Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du..., và là nguồn lợi mang đến sinh kế cho hàng ngàn ngư dân trong vùng biển nhỏ bé này.

Ốc hoàng đế được thu mua ở cảng An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang).

Mặc dù có khá nhiều ở vùng biển này nhưng để săn được ốc hoàng đế, hay bất cứ loài thủy sản tự nhiên có giá trị nào hiện nay là việc không hề đơn giản. “Chúng tôi có cả thảy sáu người, bắt đầu từ sáng sớm là giong ghe đi. Ngoài những bãi biển ở phía Bắc đảo Phú Quốc, nơi có nhiều ốc sinh sống, thì những người săn loài ốc này còn tìm tới những hòn đảo khác như Hòn Một, Hòn Thơm, Hòn Ngón tay... ở quanh khu vực này.

Cách thức săn ốc rất đơn giản và cổ xưa, như từ nhiều năm qua là lặn xuống các khu vực ven biển có nhiều đá, san hô, bãi trầm tích để tìm ốc. Khác với sò hay nghêu, ốc thường sinh sống đơn lẻ ở trong những khu vực rời rạc khác nhau khiến công việc săn tìm thường rất khó khăn”- anh Nguyễn Văn Thanh, 37 tuổi, một thợ lặn ốc hoàng đế ở xã Gành Dầu (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) chia sẻ.

Cũng theo anh Thanh, mặc dù ốc hoàng đế là loài vật chính được săn tìm nhưng trong các cuộc lặn, nhiều loài ốc khác như ốc tỏi, ốc nhảy, ốc gai... ở dưới biển cũng được coi là sinh kế khác của những thợ lặn. Thậm chí như ốc gai có nhiều con cỡ lớn, nặng chừng trên một ký lô thì giá trị khá lớn, lên đến vài trăm ngàn đồng mỗi con. Đó là một “món hời” của những ngư dân vất vả bám mình mưu sinh dưới biển sâu vậy.

Riêng về thu nhập, anh Thanh cho biết hiện giá ốc bán tại cảng là 100 ngàn đồng/kg nhưng với các cá thể ốc lớn thì giá của chúng lên đến vài trăm ngàn mỗi con. “Do ốc hoàng đế rất nặng, con trung bình cũng 0,5-0,8 ký lô nên mỗi ngày, thợ săn chỉ bắt được dăm bảy con là đã đủ tiền nuôi sống gia đình. Những hôm biển động, ốc di chuyển nhiều thì có thể bắt được hàng chục con, kiếm tiền triệu từ ốc cũng không khó khăn gì” - anh Thanh kể thêm.

Theo một số chủ vựa thu mua ốc ở khu vực thị trấn An Thới, thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc) thì ốc được coi là đặc sản, có giá trị cao hơn nhiều loại hải sản tôm cá khác vì đây là thứ được nhiều du khách ưa chuộng. Không những vậy, như ốc hoàng đế thì ngoài phần thịt ốc được chế biến thành nhiều món ăn thông dụng, vỏ ốc cũng có giá trị cao. Như trước kia, nhiều người dân dùng vỏ ốc làm gáo múc nước (nên gọi là ốc gáo) trong cuộc sống hàng ngày vì vỏ ốc to, dày lại bền đẹp. Khi lấy thịt ra, cắt khéo sẽ thành những chiếc gáo múc nước như vỏ dừa khô vậy. Còn ngay nay, chỉ cần làm sạch là nhiều vỏ ốc cỡ lớn cũng bán với giá vài chục hay vài trăm ngàn mỗi chiếc vỏ.

Ngoài ra, vỏ ốc cũng được sử dụng làm đồ khảm, làm kỹ tranh, vật dụng trang trí từ ốc... Đó cũng chính là lý do giá của ốc thường cao hơn các loài thủy sản khác bởi chúng vừa ăn được thịt, vừa sử dụng được vỏ ốc. Cá biệt hơn, nhiều con ốc to, tuổi đời lớn còn có cả những viên ngọc bên trong. Dù không giá trị như ngọc trai nhưng ngọc ở ốc vùng biển Phú Quốc xuất hiện khá nhiều, hầu như năm nào người ta cũng tìm thấy.

Nhìn những người thợ lặn lại lao mình xuống biển, săn tìm những sinh kế nhỏ nhoi trong làn nước biển trong xanh của hòn đảo ngọc Phú Quốc, bất giác tôi khẽ thở dài. Khác với những du khách tới ngắm biển như tôi, với những ngư dân này, biển ẩn chứa muôn vàn bấp bênh, bất trắc dù biển vẫn ngày ngày đem đến cho họ những sản phẩm để sinh kế trong cuộc sống.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/xa-hoi/nhung-nguoi-san-tim-oc-hoang-de-386478