Những người phụ nữ trẻ làm nghề đặc biệt

Đang có một công việc ổn định nhưng chỉ vì cái duyên đặc biệt mà những người phụ nữ này chuyển sang làm công việc mà nhiều người chỉ nghe thôi đã… dựng tóc gáy: trang điểm tử thi.

Họ đã từng nhận những ánh mắt kỳ thị của nhiều người xung quanh nhưng với họ điều đó không quan trọng. Điều quan trọng nhất là họ đã có thể “làm đẹp” cho những người đã mất và an ủi những thân nhân đang sống.

Chuyển nghề vì ám ảnh từ một câu nói

Thoạt đầu gặp Đinh Phương Loan quê Hạ Hòa, Phú Thọ, chúng tôi không nghĩ cô gái sinh năm 1988 xinh đẹp này lại có niềm đam mê với công việc đặc biệt này đến thế. Vốn là một thợ make up chuyên nghiệp, đang kiếm bộn tiền nhờ nghề trang điểm đám cưới, nhưng Loan lại đột ngột rẽ sang cái nghề mà bất cứ ai nghe đến cũng phải rùng mình.

Loan kể, cô có một người bạn thân cùng quê, khi chị gái của bạn mất lúc tuổi đời còn khá trẻ, người bạn đau buồn lắm. Người bạn này nói muốn tìm một người trang điểm cho chị mình thật đẹp trước khi chị đi xa, bởi lúc còn sống, chị vẫn luôn quan tâm, chăm sóc sắc đẹp kỹ càng. Thế nhưng thời điểm ấy, ở quê Loan chẳng ai làm cái nghề đặc biệt này và người bạn cũng không thể tìm được ai có thể giúp chị mình thật đẹp trước lúc ra đi.

Sau khi nghe lời chia sẻ của bạn, Loan trăn trở, vừa thương bạn vừa thương người chị gái của bạn, hôm sau Loan quyết định nói với bạn rằng mình sẽ là người trang điểm cho chị trước khi nhập quan, vì trước đó Loan cũng đã từng trang điểm cho một người thân trong gia đình trước lúc đi xa.

Đeo găng tay trước khi trang điểm.

Đeo găng tay trước khi trang điểm.

Cũng từ đó, trong đầu Loan bắt đầu nhen nhóm ý định sẽ gắn bó với cái nghề đặc biệt này. “Ban đầu khi em tâm sự với bố mẹ, bố em không đồng ý mà gạt phắt đi ngay, nhưng mẹ thì luôn gần gũi động viên con gái. Bà không phản đối nhưng chỉ lo em không đủ sức khỏe để làm công việc này và cũng sợ em không chịu nổi dư luận từ bạn bè, hàng xóm láng giềng. Bà sợ em thường xuyên tiếp xúc với người chết sẽ lạnh người, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần. Thế nhưng chẳng hiểu sao khi ấy, trong đầu em chỉ nghĩ đến công việc này thôi”, Loan tâm sự.

Mặc dù là một người make up chuyên nghiệp, nhưng khi bước chân vào cái nghề mới này, Loan vẫn không khỏi bỡ ngỡ. Các bước trang điểm không khác gì người sống nhưng thao tác nhiều hơn, đặc biệt phải kiêng kị nhiều thứ, nên Loan phải tự đi tìm hiểu, học hỏi trên các trang mạng, học kinh nghiệm từ những người đi trước.

Ở nước ngoài, trang điểm tử thi là một nghề bình thường như bao nhiêu nghề khác, có cả các khóa học chuyên nghiệp nhưng ở Việt Nam, tất cả đều do tự học, tự làm để rút ra kinh nghiệm. Thậm chí Loan còn phải nhờ bạn ở nước ngoài tìm tài liệu dịch ra tiếng Việt và gửi về cho mình.

“Về cơ bản thì các công đoạn diễn ra cũng giống như trang điểm cho người sống thôi. Bọn em cũng dùng một lớp kem dưỡng, kem lót, kem nền, phấn phủ phấn má, kẻ mắt, chuốt mi, làm tóc, dũa móng tay, làm móng nhưng vì có nhiều điều kiêng kị nên sẽ khó khăn hơn. Khó nhất là da người chết tái, phải chọn dòng mỹ phẩm phù hợp và tông màu sáng nhất. Khi trang điểm không được di chuyển khuôn mặt nên trang điểm sẽ khó đều nếu không có kỹ thuật. Người mất cũng kiêng không được cắt tóc, cắt móng tay, chỉ dũa, rồi sơn móng tùy theo độ tuổi hoặc yêu cầu của gia đình, đeo đồ trang sức cũng vậy…”, Loan cho biết.

Loan mong muốn nhiều người có cái nhìn cởi mở hơn về nghề này.

Sẽ có hai gói trang điểm cho người đã khuất tùy thuộc vào điều kiện của gia đình. Gói cơ bản thì dùng bộ mỹ phẩm cũ, chỉ có bộ cọ trang điểm là mới, sau khi dùng xong sẽ bỏ bộ cọ đi. Còn gói VIP dùng cho những gia đình có điều kiện thì dùng đồ mỹ phẩm hoàn toàn là đồ mới. Sau khi dùng xong sẽ gửi lại cho gia đình. Gia đình có thể cho vào quan tài chôn theo người đã mất.

Thông thường khi gia đình người mất thông báo thời gian nhập quan, Loan sẽ đến trước hai tiếng. Và cũng chỉ ca nào có khả năng làm Loan mới dám nhận, vì có những trường hợp người mất vì tai nạn giao thông, khuôn mặt nhiều biến dạng, khó có thể làm đẹp được.

Loan bảo: “Để có thể trang điểm được cho những người không may qua đời vì tai nạn giao thông, em đang nhờ một người bạn đăng ký học một khóa học ở Đài Loan. Trong khóa học này người ta sẽ dạy cho em biết cách “phẫu thuật” sao cho người mất được trở về tình trạng gần như nguyên bản. Tất nhiên, để đạt được trình độ đó em sẽ phải học hỏi thêm rất nhiều”.

Thông thường, để trang điểm hoàn thiện cho một tử thi, Loan thường dành khoảng 45 phút cho đến một tiếng, tùy theo yêu cầu của gia đình. Dù không duy tâm, nhưng tháng nào Loan cũng đi lễ chùa cầu bình an. Trước khi tiến hành công việc, cô lại tháo bỏ khẩu trang, găng tay chắp tay xin phép người đã khuất và hứa sẽ làm cho dung nhan của họ đẹp nhất, rạng rỡ nhất khi về thế giới bên kia…

Luôn mong muốn làm cho người đã khuất có được thần thái đẹp nhất.

Mong mọi người có cái nhìn cởi mở về nghề đặc biệt này

Còn nhớ những ngày đầu tiên theo cái nghề đặc biệt này, Đinh Phương Loan không tránh khỏi sự nghi kị, e dè của những người xung quanh. Có người thông cảm, nhưng cũng không ít người nghi ngại vì sao trẻ thế, có thể kiếm được việc khác mà không chọn lại đi chọn cái nghề này. Những lúc ấy Loan chẳng ngại ngần chia sẻ về công việc của mình, cô luôn xác định làm vì cái tâm.

Cơ duyên để Loan thực sự bước vào nghề này một cách chuyên nghiệp là do một lần tình cờ cô gặp ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Khi Loan chia sẻ đang có dự định theo đuổi nghề trang điểm tử thi một cách chuyên nghiệp thì được ông Tuấn Anh nhiệt tình ủng hộ. Hiện giờ, ngoài việc tự “hành nghề” thì Loan cũng đang ký hợp đồng dài hạn với Công ty Nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Tính đến nay, số tử thi mà Loan trang điểm đã lên tới vài trăm ca.

Ám ảnh nhất với cô là trường hợp một cô bé mới 15 tuổi. Em ra đi khi đang ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Sau khi trang điểm cho cô bé đẹp nhất, rực rỡ nhất, trở về nhà Loan vẫn thẫn thờ, buồn bã mất nhiều ngày vì thương em. Nhiều trường hợp sau khi hoàn thành công việc, Loan lại nhận được sự cảm ơn chân thành của gia chủ. Cô bảo: “Có bác sau khi xong xuôi công việc cho chị gái mình đã gọi điện cảm ơn em. Bác ấy bảo không ngờ cháu trẻ thế và làm tốt đến thế. Quan trọng nhất là mang đến sự hoàn thiện cho người đã mất là em thấy tâm thanh thản”.

Còn với P. một đồng nghiệp của Loan thì cô lại hoàn toàn giấu gia đình bạn bè để đi theo cái nghề đặc biệt này. P. thuộc thế hệ 9x nhưng cũng đến với nghề như một cơ duyên. Trước đó, P. đang là nhân viên bán quần áo thuê. Do có quen biết với Loan từ trước nên khi nghe Loan kể đang làm nghề trang điểm tử thi, P. thực sự cảm thấy tò mò.

“Chả hiểu sao lúc đó em lại ngỏ lời xin theo chị Loan học nghề và được chị Loan đồng ý. Em mới vào nghề chưa được bao lâu, giờ vẫn còn phải học nhiều lắm. Học từ lý thuyết từng công đoạn trang điểm và mỗi công đoạn sẽ phải làm những gì. Hiện em mới chỉ trợ giúp chị Loan một số việc chứ chưa đủ tay nghề để tự đảm nhận một mình. Nhưng em tin là em sẽ làm được”, cô gái 9X nói.

Bộ đồ nghề không kém gì trang điểm cho người sống.

Khi được hỏi một cô gái trẻ như vậy mà dám theo cái nghề nghe thôi cũng đủ khiến nhiều người toát mồ hôi có khi nào khiến P. thấy sợ không thì P. cười đáp: “Có lẽ em cũng “mắc nghiệp” giống chị Loan nên không sợ một chút nào hết. Em muốn mọi người có cái nhìn cởi mở hơn về nghề này. Nó thực sự đem đến sự an ủi rất lớn đối với thân nhân những người đã mất. Bởi ngay cả khi không may qua đời thì người thân của họ vẫn rất “đẹp”.

Mặc dù chưa bao giờ tự ti về cái nghề mà mình đang theo đuổi nhưng P nói mình vẫn chưa đủ tự tin để nói với người thân. “Em khó hơn chị Loan vì em đang có chồng, có gia đình chồng nên em chưa thể nói cho họ biết. Nhưng sắp tới em sẽ chọn một thời điểm nào đó phù hợp để nói với mọi người. Em mong là chồng và gia đình chồng sẽ cảm thông và chấp nhận nghề mới này của em”, P. chia sẻ.

Trâm Anh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhung-nguoi-phu-nu-tre-lam-nghe-dac-biet-616415/