Những người phụ nữ ở mỏ

Tại các mỏ than hầm lò ở Quảng Ninh không chỉ có công nhân là nam giới. Những người phụ nữ tựa như bông hồng, góp thêm cho mỏ sự tươi tắn và ấm áp.

Ngày làm việc của người thợ khai thác than tại khai trường Thành Công (Công ty Than Hòn Gai – TKV) kéo dài 3 ca liên tục suốt 24 giờ. Dù không xuống lò sâu, những người phụ nữ cũng góp mặt trong rất nhiều khâu phục vụ sản xuất, công việc tất bật ca kíp với những nỗi vất vả riêng.

Ngày làm việc của người thợ khai thác than tại khai trường Thành Công (Công ty Than Hòn Gai – TKV) kéo dài 3 ca liên tục suốt 24 giờ. Dù không xuống lò sâu, những người phụ nữ cũng góp mặt trong rất nhiều khâu phục vụ sản xuất, công việc tất bật ca kíp với những nỗi vất vả riêng.

Đón thợ lò từ dưới lòng đất trở lên, chị Nguyễn Thị Diêng ân cần nhận từng chiếc đèn lò – “bạn đồng hành” soi sáng từng bước chân, từng hoạt động sản xuất của công nhân trong hầm lò tối. Tổ của chị Diêng có 21 người đều là nữ trong gần 200 công nhân toàn Phân xưởng Cơ điện vận tải, đảm nhiệm các công việc ở nhà đèn, trạm quạt, trạm phân phối cung cấp điện…

Công việc của công nhân cơ điện phục vụ sửa chữa và cấp phát đèn lò như chị Diêng đòi hỏi sự lắng nghe chu đáo, sự cẩn thận tỉ mỉ để chăm chút cho từng chiếc đèn, trong đó đặc biệt là các chi tiết phòng nổ, đảm bảo an toàn phục vụ sản xuất từ 8-12 tiếng dưới lò. Người thợ 25 năm gắn bó với mỏ chia sẻ: “Khâu về đèn phải rất lưu tâm, tuy nó là việc nhỏ nhưng lại mang lại lợi ích rất lớn. Vốn người ta nghĩ ngành điện dành cho nam, nhưng mình không nghĩ vậy. Phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam thì không có việc gì khó, mình yêu nghề thì việc gì mình cũng sẽ làm được và thành công”.

Ngoài bộ phận cơ điện, Phân xưởng Đời sống là nơi có nhiều nữ công nhân làm việc nhất. Họ có mặt ở mọi khâu phục vụ, từ nhà ăn, nhà giặt, lọc nước, nồi hơi, vệ sinh công nghiệp… và luôn nở nụ cười động viên, muốn vơi đi sự cực nhọc của người thợ lò dưới hầm sâu.

Mỗi ngày, nhà ăn của chị Nguyễn Thị Xuân cung cấp cả nghìn suất ăn công nghiệp. Từ 4h sáng các chị đã có mặt bắt tay vào vào chế biến, cơm đầu ca 1, cơm cuối ca 3, cơm giữa ca đóng hộp mang xuống lò, rồi cơm cho bộ phận quản lý…

Thực đơn tự chọn gồm 11 món đầy đủ từ cơm, canh cho tới hoa quả, tráng miệng, được các chị tính toán sao cho đầy đủ dinh dưỡng: “Dù rằng có những ngày nóng bức mệt mỏi nhưng mình vẫn nghĩ, anh em ở dưới lò còn vất vả hơn mình nhiều, nên bao nhiêu tâm huyết chị em đều dồn vào chế biến để anh em ăn lúc nào cũng thấy ngon miệng như ở nhà”.

Không chỉ luôn nóng sốt, ngon lành, từng món ăn được người phụ nữ Phân xưởng Đời sống đảm bảo an toàn từ khâu vệ sinh thực phẩm, chế biến đến từng khay đựng, đến chiếc tăm nhỏ sạch sẽ. Mỗi năm, nhà ăn đều được trang bị thêm máy móc hỗ trợ, giúp chị em giảm bớt sức lao động mệt nhọc.

Niềm vui, nụ cười của người thợ lò là động lực giúp cho các chị em phấn đấu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để có những bữa ăn ngày một chất lượng hơn.

Coi thợ lò như người thân để quan tâm chăm sóc, từng tấm áo quần, từng đôi ủng đầy bụi than luôn được các chị em nhà giặt sắp xếp tinh tươm. Áo rách may lại, áo cũ đổi mới giúp người thợ yên tâm sản xuất.

Đoàn kết, quan tâm, chia sẻ từ công việc tới gia đình là những gì chị Trần Thị Nhuận cảm nhận được từ “gia đình thứ hai” ở mỏ. Các chị em xúng xính trong mỗi dịp gặp mặt, tuyên dương, ai khó khăn đều được hỗ trợ sửa chữa nhà, giúp đỡ, khen thưởng con em học tốt…

Phần lớn những người phụ nữ ở mỏ là vợ của thợ lò, thấu hiểu và cảm thông cùng chồng qua từng vui buồn với nghề. Cũng không ít người trong số họ là con em trong các gia đình có truyền thống nhiều thế hệ làm mỏ, sớm được truyền niềm say mê với nghề, vì yêu mà chọn lựa và gắn bó cả cuộc đời với vùng than./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-phu-nu-o-mo-post978133.vov