Những người phía sau bệnh nhân nghèo

Nhờ những người làm công tác xã hội ở các bệnh viện, những bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh nan y giờ đây không còn thiếu cơ hội để điều trị, vượt qua bệnh tật để trở về với cuộc sống đời thường.

Những bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh nan y giờ đây không còn thiếu cơ hội để điều trị, vượt qua bệnh tật để trở về với cuộc sống đời thường. Không chỉ được hỗ trợ chi phí điều trị, họ còn được cung cấp bữa ăn dinh dưỡng, được thấu hiểu, quan tâm chăm sóc chu đáo. Đó là nhờ những người làm công tác xã hội ở các bệnh viện, được coi như những điểm tựa của bệnh nhân nghèo.

Những mảnh đời éo le được cứu giúp

Hơn 6h tối, anh Nguyễn Như Hùng, ngụ tỉnh Bình Dương gõ cửa phòng Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng công tác xã hội - Bệnh viện Chợ Rẫy, tươi cười hớn hở thông báo về việc vợ anh vừa tỉnh sau ca mổ bóc tách khối bướu khổng lồ ở đùi phải “đeo bám” 12 năm qua. Anh Hùng không quên dùng các cử chỉ tay chân để miêu tả về “cái chân sát rạt”, tức là cái bướu dường như biến mất khỏi chân của vợ mình.

Đến vùng sâu vùng xa để thăm và khám bệnh cho người dân khó khăn của Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Quận 2.

Đến vùng sâu vùng xa để thăm và khám bệnh cho người dân khó khăn của Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Quận 2.

Vợ anh Hùng cũng chính là chị gái ruột của bệnh nhân Lê Thanh Vũ, người từng được gọi là “dị nhân” cách đây 9 năm, khi mang trong mình 4 khối bướu lớn nặng khoảng 15kg, trong đó có 3 khối bướu như những tảng thịt ở lưng và một khối bướu khổng lồ ở cánh tay trái. Mặc dù phải chịu đựng suốt 20 năm, khối bướu gây biến dạng lồng ngực và méo xương quai xanh nhưng do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên Vũ không được chữa trị. Năm 2012, Vũ được ê kíp phẫu thuật của bệnh viện Chợ Rẫy bóc tách thành công chùm bướu trên lưng, nhờ có sự hỗ trợ kinh phí thông qua phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các cơ quan báo chí.

Đến nay, 9 năm sau, chị của Vũ lại tiếp tục nhận sự hỗ trợ của Phòng Công tác xã hội để được cắt bỏ khối bướu khổng lồ. Khối u ban đầu chỉ là những mụn thịt sau đó lớn nhanh. Sau khi sinh em bé thứ 2, nó tiếp tục phình ra, “lủng lẳng” như một tảng thịt đen bầm, khiến nhiều người xung quanh sợ hãi nên chị đành nghỉ việc. Vợ thất nghiệp nhiều năm qua, chỉ mình anh Hùng làm phụ hồ để cả gia đình bốn miệng ăn, trong đó 2 con nhỏ mới lên 6 và 4 tuổi.

Nhiều mảnh đời éo le đã được phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy kêu gọi hỗ trợ kịp thời để chữa bệnh.

"Lúc lên đây tính đi khám cho vợ, chứ tôi không có tiền nhưng các bác kêu ở lại đây, bác kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ để vợ em được mổ, giờ tôi mừng lắm", anh Hùng chia sẻ.

Trường hợp gia đình, người thân của anh Nguyễn Như Hùng chỉ là trong số hàng ngàn bệnh nhân nghèo được phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy kết nối, giúp đỡ để được cứu chữa kịp thời. Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết, mỗi tháng phòng tiếp nhận hơn 100 hồ sơ nhờ hỗ trợ viện phí cho người nghèo, hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, nhiều số phận khốn khó, nghiệt ngã tưởng chừng phải đầu hàng trước bệnh tật. Tại bệnh viện, nhiều bệnh hiểm nghèo sử dụng kỹ thuật cao, phương pháp điều trị hiện đại nên tốn kém chi phí, vì vậy có những năm, tại đây đã kêu gọi hỗ trợ với tổng chi phí 20 tỷ đồng.

Anh Lê Minh Hiển cũng cho biết, phòng Công tác xã hội còn kết nối với các tổ chức từ thiện, hỗ trợ 4.500 suất ăn chay miễn phí từ sáng sớm đến chiều tối mỗi ngày cho thân nhân bệnh nhân, phục vụ xuyên cả dịp lễ, tết. Với phương châm đặt mình vào vị trí của người bệnh, tại đây còn thực hiện các chương trình chăm sóc, đồng hành cùng bệnh nhân ung thư, chuẩn bị cả những ly nước mát, từng tờ báo cho bệnh nhân phải hóa trị… "Xuất phát từ chuyện thấu hiểu người bệnh cần gì, đang trăn trở điều gì thì chúng tôi lại làm thêm những điều khác dù rất nhỏ. Làm sao đáp ứng được nhu cầu, giảm đi sự vất vả, lớn và sâu hơn nữa thì chúng ta có thể mang lại cho họ nhiều dịch vụ chứ không hẳn chỉ là từ thiện", anh Hiển cho hay.

Điểm tựa cho bệnh nhân nghèo

Còn với bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai, 65 tuổi, nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, động lực gắn bó với nghề chính là hoạt động kết nối với các mạnh thường quân đã giúp các bệnh nhi khỏi bệnh, được đến trường, vui chơi như bao đứa trẻ khác.

Bác sĩ Mai cho biết, sau khi nghỉ hưu 3 năm, bà được mời quay trở lại bệnh viện làm nhiệm vụ khác với chuyên môn, là nhân viên phòng công tác xã hội. Lúc mới bắt đầu công việc, bà vô cùng bỡ ngỡ, thế nhưng, khi thấu hiểu từng hoàn cảnh của các bệnh nhi, sự đồng cảm thúc giục bà vượt qua khó khăn, tìm nhiều cách tiếp cận nhà hảo tâm để có nguồn tài trợ cho các bé. Bằng kinh nghiệm sống và trải nghiệm 7 năm làm công tác xã hội, bà nhận diện được những trường hợp nào cần giúp đỡ, để kết nối, kêu gọi hỗ trợ cho đúng người, đúng việc, tránh trường hợp lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm.

Bệnh nhân ung thư còn được chăm sóc tận tình từ những ly nước nhỏ nhưng đong đầy tình thương yêu.

Trăn trở trước những hoàn cảnh bi đát do con em mắc căn bệnh nan y, phải bán hết đất đai, nhà cửa để chạy chữa, bà vận động mạnh thường quân hỗ trợ kết nối với địa phương, cho họ một cần câu thực sự để có thu nhập, trang trải cuộc sống về sau.

Bác sĩ Mai tâm sự: "Bây giờ mình còn sức khỏe, giúp đỡ cho các cháu được tới đâu hay tới đó. Mà bây giờ tôi cũng muốn làm sao phải đi đến được vùng sâu vùng xa để đưa các cháu có cuộc sống khó khăn lên TP chữa bệnh".

Còn với Bệnh viện Quận 2, TP.HCM, công tác xã hội là hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân nghèo, là những chuyến đi từ thiện đến với người dân vùng sâu vùng xa. Thạc sĩ Trần Quang Châu, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Quận 2 cho biết, mỗi khi nhận được thông tin từ một khoa bệnh cho biết có trường hợp khả năng chưa được bệnh, nhưng bất lực vì gia cảnh khó khăn, thì phòng công tác xã hội lại nỗ lực hết mình, vận dụng các mối quan hệ, thông tin đến các cơ quan báo chí, để tìm nguồn hỗ trợ cho bệnh nhân.

Đặc biệt, phòng tổ chức cho các y bác sĩ tình nguyện đến các địa phương vùng sâu vùng xa để thăm khám, phát thuốc cho người dân, mỗi tháng từ 1-2 chuyến. Có những chuyến đi đã phát hiện ra nhiều hoàn cảnh đặc biệt, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng do không có tiền điều trị nên phải chịu đựng cả đời.

"Thấy được sự mong đợi của bà con, nhu cầu, và tầm quan trọng của y tế địa phương như thế nào. Đi về tự nhiên cảm thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa, làm được nhiều hơn nữa, làm được nhiều hơn nữa, giúp bà con nhiều hơn để giúp bà con có điều kiện tốt nhất về chăm sóc y tế", Thạc sĩ Trần Quang Châu chia sẻ.

Mặc dù không trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, thế nhưng thấu hiểu gánh nặng chi phí điều trị mà người nghèo phải gồng gánh, đồng cảm với nỗi đau tinh thần mà họ chịu đựng, những người công tác xã hội trong bệnh viện trở thành điểm tựa, mang lại nhiều cơ hội sống tốt hơn đối với bệnh nhân nghèo./.

Kim Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nhung-nguoi-phia-sau-benh-nhan-ngheo-844627.vov