Những người ở lại sau cơn bão quét qua vùng cửa biển Cà Mau

Hơn 20 năm trôi qua từ ngày cơn cuồng nộ của thiên nhiên quét qua vùng cửa biển Cà Mau, khiến hơn ngàn người vĩnh viễn không trở về. Hôm nay, vùng cửa biển đã khởi sắc, những cư dân ở đây vẫn...

Hôm nay, vùng cửa biển đã khởi sắc, những cư dân ở đây vẫn kiên cường chống chọi nỗi đau và vươn lên bền bỉ như con sóng biển, nhưng, ký ức thì không thể quên.

Cửa biển Khánh Hội, Kênh Xáng Mới, nơi có đến 140 người chết và mất tích sau bão Linda

Dù chẳng cùng huyết thống, không phải bà con, nhưng vẻ ngoài của họ giống nhau đến lạ: khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt thẳm sâu, đượm buồn và mái tóc pha sương… Họ là những ngư dân ở xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, những người từng mất người thân trong cơn bão Linda kinh hoàng năm 1997.

Những ngày cuối tháng 10/1997, vùng Đất Mũi Cà Mau rất đỗi bình yên, những chuyến ra khơi đầy ắp tôm cá, trên Biển Đông xuất hiện áp thấp, với sức gió cấp 6, cấp 7. Những bản tin dự báo thời tiết về khả năng hình thành bão số 5, nhưng hầu hết ngư dân không bao giờ tin bão sẽ ập vào vùng đất muôn đời hiền hòa này.

Ký ức kinh hoàng

Một ngày sau, áp thấp tăng lên cấp 8, giật trên cấp 10, cơn bão số 5 hình thành với tên gọi Linda. Chưa đầy 24 giờ sau, tức 12 giờ trưa 2/11/1997, gió cấp 11, 12, tốc độ hơn 100km/giờ, bắt đầu quét qua. Mặc dù vậy, ngư dân Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang vẫn bình thản ra khơi. Để rồi, những cảnh tượng kinh hoàng đã xảy ra.

Thoát nạn từ tâm bão, ông Nguyễn Chí Dũng (57 tuổi) ở chợ Khánh Hội vẫn còn nhớ như in cảnh tàu do mình làm thuyền trưởng bị lật úp. Khi nghe tin bão, chần chừ khá lâu, ông mới quyết định chạy về tránh bão. Đáng tiếc là nơi những chiếc ghe đậu trú lại ngay tâm xoáy bão. “Neo ghe hai ngày, một đêm vẫn thấy trời trong, biển lặng. Đến tối 2/11/1997, mưa lắc rắc rồi gió mạnh và xoáy. Lúc đó, xung quanh khu vực tôi neo đậu cũng có 6 phương tiện đánh bắt và tất cả đều bị lốc xoáy làm tàu dựng đứng rồi lật úp. Hàng chục người lần lượt bị hất xuống biển", ông Dũng kể.

Bia tưởng niệm đồng bào tử nạn do bão Linda tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, Cà Mau (Ảnh: Zing)

Nhóm bạn tàu của ông Dũng khi đó đu được vào bè kết bằng 20 can nhựa với một nắp hầm bằng gỗ. Các ngư dân nhiều lần bị lốc xoáy nhấn sâu xuống biển rồi trồi lên mặt nước nên các can nhựa lần lượt bị đứt dây kết dính vào nhau. Ông Dũng kể tiếp: “Từ 20 can chỉ còn 3 can và nắp hầm. 11 người chúng tôi cố bám níu, thả trôi 11 giờ trên biển. May mắn được tàu cứu hộ tìm thấy”.

Ông Tư Vũ, 57 tuổi và ông Lư Văn Lửa, 69 tuổi, cùng ở ấp 3, xã Khánh Hội, hai ngư dân may mắn thoát chết, nhưng đều mất con. “Ghe tôi đang neo thì sóng lừng, “nhồi” ghe dữ dội. Nhồi đến lần thứ 4 thì tàu chìm. Chúng tôi ôm bè, nhưng chẳng bao lâu thì bè cũng tan nát. Con trai tôi khi đó mới 17 tuổi, là một trong 4 đứa bị chìm ngay trước mắt mà tôi không làm gì được", ông Vũ kể.

Còn ông Năm Lửa thì nhớ lại: “Khi bão Linda quét qua Cà Mau, cả 3 thằng con trai đều đang ở trên hai chiếc tàu đánh cá. Trong đó, thằng Đà với anh trai nó là thằng Đường trên đường chạy bão thì tàu chìm. Hai anh em nó chìm nhưng vẫn nắm tay nhau, nhưng rồi tê cóng, lại đuối quá nên anh nó lỏng tay, đành bất lực nhìn em tuột mất. Trên ghe có 8 người thì mất tích 3, trong đó có thằng út Đà”. Đứa con còn lại của ông Lửa là Lư Minh Duyên cũng đi trên chiếc tàu chìm. Sau khi được một ghe gần đó cứu vớt thì ghe này lại chìm và anh Duyên phải bơi đến chiếc ghe thứ 3 mới có cơ hội sống sót trở về.

Những nỗi đau

Ở ấp 7, xã Khánh Hội, có hai chàng trai cùng chào đời trong đêm 3/11/1997, và cùng mang 2 cái tên đặc biệt: Trần Hận Biển và Nguyễn Bão Biển, gắn liền với nỗi đau khôn nguôi.

Căn nhà của Nguyễn Bão Biển nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở ấp 7, xã Khánh Hội. Khi chúng tôi đến, Biển đã lên TP.HCM tìm việc làm, chỉ có bà ngoại Biển là Trần Thị Lánh (Sáu Lánh), ở nhà. Ký ức ùa về khiến nước mắt bà tuôn rơi. “Ngôi nhà này là nơi cách đây 20 năm, thằng Bão Biển chào đời. Cuối tháng 10/1997, biết vợ chuẩn bị sanh, nhưng vì muốn kiếm thêm chút đỉnh về lo cho vợ, thằng Út (con rể bà Lánh) tính đi chuyến biển cuối rồi nghỉ. Ai dè, nó đi luôn không về”.

Mặc dù, vợ chồng còn đủ cả đôi, nhưng mỗi khi nhắc đến cơn bão Linda, vợ chồng bà Lê Thị Oanh - ông Trần Văn Hải, ở Khánh Hội lại rùng mình

Đêm 31/10/1997 gió bắt đầu mạnh, trời đổ mưa liên tục, căn nhà cấp bốn lung lay theo chiều gió. Trưa hôm sau, dự báo áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão Linda. Mặc trời mưa to gió lớn, Phương nhất định đòi ra cửa biển chờ chồng. Tối 2/11/1997, bão vào vùng biển Cà Mau, Bạc Liêu khiến Phương ngã quỵ. Tối 3/11/1997, trong cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy, Phương trở dạ, hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. “Nó sinh được một ngày là bồng con ra cửa biển chờ thằng Út về để đặt tên cho con. Cả một tuần liền như vậy. Tui đau thắt ruột gan, chỉ sợ nó quỵ luôn thì không biết làm sao. Cuối cùng, nó quyết định đặt tên con là Nguyễn Bão Biển”, bà Lánh thổn thức.

Anh Trần Văn Cò, 47 tuổi, ở ấp 7, xã Khánh Hội, một trong số những người may mắn thoát chết trở về sau cơn bão. Anh Cò có 5 anh em trai, đều đang lênh đênh trên biển giũa lúc bão Linda ập đến. Hậu quả là 2 người anh trai và một người em trai út đã vĩnh viễn không trở về.

Vẫn cắm cúi gỡ lưới, anh kể, giọng u uẩn: “Khi đó, ghe tôi đi đã 2 tuần rồi, phải quay về. Nhưng anh Việt (anh ruột anh Cò) muốn làm tiếp nên tôi đưa anh qua ghe bạn. Tôi và em trai Trần Văn Hùng quay vào đất liền. Vừa vào đến nơi thì bão ập đến. Ghe của anh tôi là Trần Minh Trí cũng bị chìm, rồi mất liên lạc. 5 người gặp nạn chỉ cứu sống được một, vớt được một, mất tích ba. Tôi nhớ mãi buổi sáng 4/11/1997, sau khi bão đi, tôi cùng anh em bạn chạy ghe đi cứu người, thấy mặt biển như bãi chiến trường, xác tàu bị đánh chìm, gỗ nổi lềnh bềnh. Bão Linda cướp đi của nhà tôi sáu mạng người, 3 anh em trai, hai người anh rể và một cháu ruột. Nếu tính luôn bà con, dòng họ thì hơn 20 người”.

PHÚC LẬP

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhung-nguoi-o-lai-sau-con-bao-quet-qua-vung-cua-bien-ca-mau-post214069.html