Những người nữ anh hùng trên quê hương xứ Quảng

Phải sống và chiến đấu để chồng bên kia thế giới tự hào về vợ và con, Mẹ Hoàng Thị Hy gạt nước mắt rồi thắp nén nhang lên bàn thờ hứa với chồng sẽ nuôi con khôn lớn, thay chồng đánh tan lũ giặc….Trong những ngày tháng bảy tri ân, PV báo Gia đình và Xã hội tìm về quê hương của những người nữ anh hùng trên mảnh đất xứ Quảng.

Nửa thế kỷ khóc thương chồng, chờ con

Tìm đến thôn Thượng Thọ, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) để thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hy, chúng tôi được nghe mẹ kể về câu chuyện 50 năm khóc thương chồng và đi tìm người con được báo tin đã hy sinh trên chiến trường.

PV báo Gia đình và Xã hội trò chuyện cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hy.

PV báo Gia đình và Xã hội trò chuyện cùng Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Hy.

Gặp mẹ, được trò chuyện cùng mẹ chắc hẳn ai cũng khó tin việc năm nay mẹ đã bước sang tuổi 101. Rơm rớm nước mắt khi nhớ về những nỗi đau, mẹ kể tuổi 18 mẹ lấy chồng, có 6 người con, 4 trai và 2 gái. Năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chồng mẹ là ông Trần Anh Nhím lên đường nhập ngũ. Dù thương, dù sợ mất chồng nhưng người vợ trẻ vẫn gạt nước mắt động viên chồng yên tâm đánh giặc, chờ ngày hoàn thành nhiệm vụ để đoàn tụ với vợ con.

Một mình tần tảo nuôi con, chống chọi với lũ giặc vào làng, 7 mẹ con tay bế tay bồng vừa lao động vừa chạy trốn. Khó khăn bủa vây nhưng mẹ Hoàng Thị Hy vẫn gắng sức nuôi con trưởng thành để chồng yên tâm ngoài chiến trận. Sau hơn một năm chồng nhập ngũ, người vợ trẻ nhận hung tin chồng bị thương nặng trong chiến đấu rồi không qua khỏi. Chiếc giấy báo tử gửi về như nhát dao đâm gục người thân nơi hậu phương.

Đã 50 năm người mẹ mong tìm được hài cốt của con trai liệt sỹ Trần Anh Hùng.

Phải sống và chiến đấu để chồng bên kia thế giới tự hào về vợ và con, Mẹ Hoàng Thị Hy gạt nước mắt rồi thắp nén nhang lên bàn thờ hứa với chồng sẽ nuôi con khôn lớn, thay chồng đánh tan lũ giặc.

Một năm sau ngày mất của chồng, người con thứ hai của mẹ là Trần Anh Hùng (SN 1950) khi đó vừa bước sang tuổi 19 ngỏ ý xin mẹ lên đường nhập ngũ. Thương con mẹ khóc thầm nhưng vì Tổ quốc cần, mẹ động viên và tiễn anh ra trận.

Vào chiến trường, mọi thông tin về anh đều bặt vô âm tín, rồi đến năm 1971, tờ giấy báo tử oan nghiệt lại một lần nữa xé tan lòng mẹ. Khi mẹ nhận được tin thì anh Hùng đã hy sinh ở chiến trường Quảng Nam một năm trước đó.

Từ đó, đã 50 năm mẹ mong ngóng, hy vọng rồi lại thất vọng khi đi tìm hài cốt của con. Và cũng từng đó thời gian, mẹ hy vọng thông tin trên giấy báo tử là sai để một ngày nào đó đứa con của mẹ trở về cùng mẹ cho dù không lành lặn.

Đôi mắt của mẹ ngấn lệ khi nhớ về chồng và người con đã hy sinh trong chiến tranh.

"Giấy báo tử chỉ ghi thông tin thằng Hùng của mẹ hy sinh vào tháng 5 năm 1970 tại Quảng Nam mà không ghi rõ hy sinh ở thôn hay xã nào nên mãi vẫn chưa tìm được hài cốt của nó. Mẹ vẫn luôn mong rằng nó còn sống để trở về gặp mẹ. Ước nguyện cuối cùng của mẹ là trước khi nhắm mắt xuôi tay đưa được con về quê dù nó sống hay đã chết", mẹ Hy buồn bã nói.

Với những công lao, sự hy sinh của mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 2014, mẹ Hoàng Thị Hy được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nữ anh hùng 5 lần được gặp Bác Hồ

Trong căn nhà nhỏ tại xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) của nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế (SN 1940) - một trong ba thanh niên xung phong đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chúng tôi chăm chú nghe kể về những lần người phụ nữ này được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế kể lại những lần được gặp Bác.

Mở đầu câu chuyện, bà kể tuổi thơ bà mồ côi, lớn lên nhờ vào tình thương của bà ngoại và cậu mợ. Trưởng thành rồi kết hôn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc. Cuối năm 1965, bà Huế làm đơn xin nhập ngũ vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường 12A huyền thoại.

Bà Huế được phân công làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6 gồm 16 chị em, được giao phụ trách đảm bảo giao thông đường 12A đoạn từ nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Đây là tuyến đường huyết mạch cực kỳ quan trọng để hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Giặc Mỹ điên cuồng đánh phá với một lượng bom đạn khổng lồ nhằm cắt đứt con đường này. Cũng từ đó, những chiến công của bà cùng đồng đội liên tiếp được lập nên.

Bức ảnh Bác Hồ với Anh hùng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế (ảnh: internet).

Năm 1966, bà Huế được cử ra Hưng Yên tập huấn tại Trường Chính trị nghiệp vụ Thanh niên xung phong Trung ương. Đây cũng là lần đầu tiên người phụ nữ này được gặp Bác Hồ. Vào buổi chiều kiểm tra môn bắn súng, cả 3 lần bắn bà đều đạt điểm xuất sắc. Thấy cô gái quê Quảng Bình bắn súng giỏi, Bác đến thăm hỏi và khen. Hôm tổng kết lớp, Bác Hồ khen: "Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi", bà Huế tự hào nhớ lại giây phút thiêng liêng đó.

Cuối năm 1966, bà Nguyễn Thị Kim Huế lại vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu của ngành Giao thông vận tải ra báo cáo thành tích với Bác.

Lần thứ ba, bà Nguyễn Thị Kim Huế được gặp Bác Hồ là dịp Đại hội Anh hùng toàn quốc tháng 1/1967. Lần này, bà Huế được vinh danh Anh hùng, được Bác Hồ tự tay gắn huy hiệu Anh hùng lên ngực áo, quàng khăn rồi tặng một chiếc đồng hồ đeo tay của Nga.

Bà Nguyễn Thị Kim Huế vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tại Đại hội TNXP lần thứ tư tháng 7/1967, lần này, bà Huế cùng bà Nguyễn Thị Nguyệt, dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam thay mặt Đại hội tặng hoa cho Bác. Cũng từ khoảnh khắc ấy, bức ảnh "Bác Hồ với TNXP" ra đời. Đây cũng là lần bà Huế cảm thấy vinh dự nhất.

Lần cuối cùng bà Huế được gặp Bác Hồ là lúc bà chuẩn bị sang Liên Xô. Đoàn của bà được Bác mời cơm tại Phủ Chủ tịch để nghe dặn dò. Kỷ niệm đáng nhớ và in dấu mãi trong đời bà cũng diễn ra trong bữa cơm này. Khi đó, một hạt cơm vô tình bị rơi ra ngoài, Bác cầm lên và dặn: "Hạt cơm từ hạt gạo mà ra. Người nông dân làm ra hạt gạo là biết bao nhiêu công sức. Từ cày bừa, gieo hạt đến khi thu hoạch đem xay, giã, giần, sàng, nấu chín mới thành hạt cơm bác cháu ta ăn. Vì vậy hạt gạo là hạt ngọc...", bà Huế thuật lại lời Bác.

Giờ đây, đã qua cái tuổi "xưa nay hiếm", bà Huế vẫn vui sống với những ký ức đẹp đẽ mà mình đã được trải qua trong những ngày đất nước chìm trong khói lửa.

Đình Hùng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-nguoi-nu-anh-hung-tren-que-huong-xu-quang-20200726233159856.htm