Những người nổi tiếng cùng những căn bệnh 'kỳ lạ' đeo bám

Trong lịch sử nhân loại có rất nhiều người nổi tiếng, nhưng điều đó không có nghĩa họ khỏe mạnh thể chất, đôi khi lại 'bị khóa'ngay trong chính cơ thể mình bởi những căn bệnh hiểm nghèo đeo bám.

Cận huyết làm cho Tutankhamun ẻo lả ốm yếu suốt đời

Tutankhamun hay Vua Tut là một pharaon Ai Cập thuộc Vương triều 18 (khoảng năm 1332-1323 TCN), giai đoạn Tân Vương quốc trong lịch sử Ai Cập. Sự kiện phát hiện ra lăng mộ nguyên vẹn của Tutankhamun vào năm 1922 đã tạo nên một cơn chấn động toàn thế giới. Nó đã khơi dậy sự quan tâm của công chúng đối với Ai Cập cổ đại và kết quả xét nghiệm ADN khẳng định, ông là con trai của Akhenaten với một người em gái và là vợ ông, vợ của Akhenaten (xác ướp KV35YL), hiện vẫn chưa xác định được danh tính và chỉ được biết với tên là "quý bà trẻ tuổi".

Do kết hôn cận huyết, nên hình hài Vua Tut có những dị tật khác thường

Cũng có giả thiết, rằng khi ông trở thành vua, Tutankhamun đã kết hôn với người chị cùng cha khác mẹ, sau đó đổi tên thành Ankhesenamun. Họ có hai người con gái với nhau nhưng đều bị chết yểu. Nghiên cứu chụp cắt lớp vi tính được thực hiện vào năm 2011 cho thấy, một người con gái đã mất khi đang ở tháng thứ 5 hoặc 6 của thai kì và người còn lại chết ở tháng thứ 9 của thai kỳ.

Tutankhamun có dáng vẻ mảnh khảnh, với những chiếc răng cửa lớn và đây là đặc trưng của dòng dõi hoàng tộc Thutmoses. Trong quá trình phân tích ADN xác ướp, các nhà khoa học đã phát hiện ra ADN ký sinh trùng gây nên bệnh sốt rét nhiệt đới có trong cơ thể của pharaon, nó đuợc coi là bằng chứng về mặt di truyền học lâu đời nhất của căn bệnh này. Có nhiều chủng mầm bệnh sốt rét đã được tìm thấy và chỉ ra rằng vua Tut đã bị bội nhiễm sốt rét trong suốt cuộc đời.

Kết quả từ các mẫu DNA cuối cùng đã giúp trả lời một số câu hỏi về huyết thống của Tutankhamun, tiết lộ cha ông là Akhenaten, nhưng người mẹ của ông thì lại không thuộc vào một trong số những người vợ đã được biết đến. Mà sự thật mẹ ông là một trong số năm người chị em của cha ông, nhưng không rõ cụ thể, chỉ nghi đó là một xác ướp "quý bà trẻ tuổi" (xác ướp KV35YL). DNA của bà đã chứng minh, bà là một người con của Amenhotep III với Tiye. Do đó, cha mẹ vua Tut là anh em ruột.

Việc kết hôn cận huyết của người Ai Cập cổ đại cũng có lý do của nó, phần lớn người ta không hiểu tác hại của mối quan hệ này mà chỉ nghĩ cận huyết sẽ giúp họ giữ lại dòng họ thuần khiết. Nhưng thực tế cận huyết đã khiến cho các pharaoh Ai Cập trong giống như những con vật lai. Vua Tut mắc chứng hở hàm ếch, vẹo cột sống nhẹ, bàn chân và đầu thon dài (dolichocephaly), trong khi đó ngực và hông lại rất nữ tính, như một số người anh của mình.

Tóm lại, vị vua cổ đại này trông giống như một người mà thượng đế chưa kịp hoàn thiện.

Beethoven mang trong mình nhiều bệnh nan y

Beethoven tên đầy đủ Ludwig van Beethoven (1770 – 1827) là nhà soạn nhạc cổ điển người Đức, người dọn đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn của nhân loại, nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất tới các thế hệ soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả hậu thế. Tuy rất nổi tiếng nhưng Beethoven lại là người phải mang gánh nặng bệnh tật, nỗi đau thể xác trong suốt cuộc đời. Nguyên nhân bệnh tật của ông đến nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, đặc biệt ông đã bị bệnh giang mai bẩm sinh.

Bệnh điếc của Beethoven là do bệnh giang mai mà ra

Tháng 12/2005, sau khi phân tích mẫu hộp sọ, Phòng Nghiên cứu thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Chicago (Mỹ) đã đưa ra bằng chứng, ngay từ tuổi 20 ông đã bị nhiễm độc chì rất nặng. Tuy nhiên người ta vẫn chưa rõ liệu chứng điếc và đau dạ dày của ông có phải do nhiễm độc chì hay không nhưng vào tuổi 30 tuổi, Beethoven bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ hóa thính giác và nghễnh ngãnh. Đến năm 1819 thì ông điếc hoàn toàn, chính vì vậy ông không còn trình diễn nữa cũng như không thể chỉ huy dàn nhạc được. Việc giao tiếp lúc này cũng vô cùng khó khăn, chất lượng cuộc sống bị suy giảm nặng nề...

Cuộc đời của Darwin là một chuỗi nôn ói triền miên

Charles Robert Darwin (1809 –1882) là một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Anh trong lĩnh vực tự nhiên, người đã phát hiện và chứng minh, mọi loài đều tiến hóa theo thời gian từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên và ngày nay đã trở thành nền tảng cho thuyết tiến hóa hiện đại và nhiều nghiên cứu quan trọng khác. Do làm việc quá sức nên Darwin đã mắc phải nhiều bệnh nan y, như bệnh rối lạn nhịp tim, đau dạ dày và đau đầu. Cho đến hết đời, Darwin liên tục bị hành hạ bởi chứng đau dạ dày, nôn ói lên tục, chân tay run rẩy và nhiều bệnh khác.

Charles Darwin

Để ghi nhận công lao to lớn của Darwin, ông là một trong năm người không thuộc Hoàng gia Anh của thế kỷ 19 được cử hành quốc tang và được chôn cất ở Westminster Abbey, cạnh mộ của John Herschel và Isaac Newton.

Căn bệnh não hóa đá của lãnh tụ Lenin

Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924) là người tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô và lãnh đạo CM Tháng Mười, khai sinh ra nhà nước Nga Xô-viết. Lãnh tụ phong trào cách mạng vô sản Nga, người phát triển học thuyết Karl Marx (1818 - 1883) và Friedrich Engels. Ông là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa để biến chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành thực tiến. Dưới ngọn cờ của Lênin, Liên bang CHXHCN Xô-viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành. Chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã.

Sức khỏe Lenin đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau những căng thẳng trong cuộc cách mạng và nội chiến. Vụ ám sát Lenin khiến sức khỏe càng thêm tồi tệ. Viên đạn vẫn nằm trong cổ, gần xương sống. Tháng 5 năm 1922, Lenin bị đột quỵ lần đầu, sau bị liệt nửa người bên phải. Sau vụ đột quỵ thứ hai vào tháng 12 cùng năm, sức khỏe Lenin lại càng yếu. Tháng 3 năm 1923, ông bị đột quỵ lần thứ ba và phải nằm liệt giường trong cả phần còn lại của cuộc đời.

Xơ vữa động mạch não khiến lãnh tụ Lenin qua đời ở tuổi 53

Lãnh tụ Vladimir Ilich Lenin qua đời ngày 21 tháng 1, 1924 ở tuổi 53. Lý do chính thức được công bố là do chứng xơ cứng động mạch não, thủ phạm gây đột quỵ nhiều lần khiến não ông hóa đá. Vào thời điểm Lenin bị bệnh, không ai biết chính xác những gì đã xảy ra. Các bác sĩ Nga nghi ngờ Lenin kiệt sức tinh thần, bị nhiễm độc chì, thậm chí có tin đồn ông mắc bệnh giang mai. Giả thiết này tiếp tục tồn tại cho tới nay, nhưng các nước phương Tây lại không hề có bằng chứng vì vậy đây là chuyện bịa đặt. Giả sử Lenin bị giang mai thì vợ ông là Nadezhda Krupskaya cũng sẽ bị mắc bệnh, nhưng thực tế Nadezhda Krupskaya không hề hấn gì.

Chỉ đến khi thực hiện khám nghiệm tử thi Lenin các nhà khoa học mới khám phá ra sự thật đáng sợ. Bộ não của Lenin dần chuyển dần sang đá. Tên kỹ thuật cho tình trạng này là xơ vữa động mạch mạch máu não. Đây là căn bệnh đáng sợ khiến con người ta nhanh chóng suy sụp. Về cơ bản, việc tích tụ canxi trong động mạch não của Lenin là thủ phạm chính dẫn não bộ bị cứng hóa. Khi các bác sĩ khảo sát vùng này, dùng nhíp gõ, nó còn phát ra âm thanh như gõ vào đá. Thật đáng sợ, đây căn bệnh diễn ra vào đầu thế kỷ trước và nay nếu ai đó chẳng may mắc phải cũng sẽ không thể sống lâu hơn Lenin được.

Lenin qua đời ngày 21/1/1924 tại làng Gorki, Moskva, thi hài ông được đặt tại lăng ở Quảng trường Đỏ, Moskva cho tới nay. Tại nước Nga hiện nay, tên của ông được đặt cho 1 tỉnh của Nga, tỉnh Leningrad, nằm sát cố đô Saint Petersburg, nơi Lenin lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười. Thành phố quê hương Lenin được đặt tên là Ulyanovsk để tưởng nhớ tới dòng họ Ulyanov của gia đình ông. Kết thúc thiên niên kỷ 2, Lenin được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX.

KHẮC DUY (Theo Toptenz- 7/2018)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-nguoi-noi-tieng-cung-nhung-can-benh-ky-la-deo-bam-post223676.html