Những người này nên xét nghiệm tầm soát ung thư phổi

Ung thư phổi là bệnh thường gặp ở cả 2 giới và gây nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tình hình ung thư phổi hiện nay

Tại nước ta, ung thư phổi là căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu ở nam giới, đứng thứ 3 ở nữ giới và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư phổi ở nam giới là 6.905 ca với tỷ lệ 29,3 người/100.000 dân, đến năm 2010 số ca mắc đã là 14.652 ca và tăng tỷ lệ lên 35,1 ca/100.000 dân. Dự báo, đến năm 2020, số ca mắc mới có thể lên tới 23.000 ca ở nam giới và hơn 34.000 ca ở cả 2 giới.

Ung thư phổi thường được phát hiện muộn

Ung thư phổi là bệnh lý khó phát hiện sớm vì bệnh phát triển âm thầm, các triệu chứng của ung thư phổi ở giai đoạn sớm nghèo nàn (ho, tức ngực, khó thở )và nó gần giống với các bệnh lý lành tính khác ở đường hô hấp như: viêm họng,viêm phế quản,viêm phổi… nên bệnh nhân thường chủ quan và đôi khi được khám, chẩn đoán và điều trị theo hướng các bệnh lý lành tính.

Theo các chuyên gia, có tới 70% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, dẫn đến điều trị rất khó khăn, thời gian sống thêm không nhiều. Cụ thể, khả năng sống thêm 5 năm với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ khoảng 6%, ung thư phổi tế bào lớn khoảng 18%.

Đối tượng cần sàng lọc ung thư phổi

Để phát hiện và phòng tránh ung thư phổi thì khám sàng lọc là phương pháp tốt nhất. Khám sàng lọc sẽ giúp chúng ta phát hiện ra bệnh sớm hơn, nhờ đó giảm tỷ lệ tử vong, giảm các biến chứng không cần thiết trong quá trình điều trị bệnh. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có biện pháp điều trị tốt hơn ngay từ những giai đoạn đầu của bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị, tăng tỷ lệ hồi phục.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, bệnh ung thư phổi là căn bệnh có thể mắc phải ở bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, có ba nhóm đối tượng chính cần thiết phải thực hiện những biện pháp sàng lọc, kiếm tra ung thư phổi.

- Những người có độ tuổi trong khoảng 55 đến 74 và có thời gian hút thuốc lá từ 30 bao thuốc trở lên (nếu đã cai thuốc cũng nằm trong đối tượng) thì nên tới các cơ sở y tế có chuyên khoa ung bướu để được thực hiện khám sàng lọc.

- Những người có độ tuổi từ 50 tuổi trở lên và khối lượng hút thuốc trên 20 bao, kèm theo một số điều kiện như: tiền sử mắc bệnh ung thư, tiền sử người thân trong gia đình mắc bệnh…

- Những người thường xuyên tiếp xúc trong môi trường khói độc hại, tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên (dù không hút) thì cũng nên đi khám sàng lọc ung thư phổi để bảo vệ sức khỏe cho lá phổi của mình.

Nguồn: VTV News

Nguồn Khỏe Plus: https://khoeplus24h.vn/khoe-a-z/nhung-nguoi-nay-nen-xet-nghiem-tam-soat-ung-thu-phoi-d396595.html