Những người Mỹ gốc Việt khởi nghiệp ấn tượng ở quê hương

Esther Nguyễn là một trong số ngày càng nhiều Việt Kiều trẻ trở về quê hương xây dựng sự nghiệp, đóng góp một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Cô là người thuộc thế hệ Việt Nam đầu tiên nhập cư đến Mỹ và giờ đây thấy rằng quê hương gốc gác của cha mẹ mình chính là một mảnh đất của những cơ hội mới. Được trang bị chuyên môn và nền giáo dục từ đất nước mà họ sinh ra, nhiều Việt Kiều đã trở thành cầu nối giữa các công ty địa phương và nước ngoài đang tìm kiếm đầu tư và mở rộng hoạt động ở thị trường Việt Nam.

Esther Nguyễn là người sáng lập và là CEO của Pops Worldwide, một công ty phân phối và quản lý âm nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng của cô rất sáng sủa, mang lại cảm giác hiện đại cùng với những nhân viên trẻ mặc trang phục thoải mái.

“Tôi sẽ sinh con vào tháng 11 tới đây. Tôi không thể rời nơi này quá lâu được. Nếu tôi quay trở lại Mỹ, tôi sẽ mất hai tháng trước đó và 3-4 tháng sau sinh mới có thể quay lại Việt Nam. Tôi không thể rời công ty của mình trong khoảng thời gian 6 tháng được vì công ty của chúng tôi đang phát triển rất tốt”, Esther Nguyễn nói với nụ cười rạng rỡ.

Esther Nguyễn và môi trường làm việc trẻ trung tại công tyPops Worldwide.

Esther Nguyễn và môi trường làm việc trẻ trung tại công tyPops Worldwide.

Esther Nguyễn sinh ra ở bang Michigan và lớn lên ở vịnh San Francisco. Cha mẹ cô kinh doanh một cửa hàng bán xăng và một siêu thị nhỏ. “Đó là một mẫu gia đình điển hình của người Việt di cư sang Mỹ”, cô nói.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California năm 1998, cô bắt đầu bán các mỹ phẩm trên mạng, sau đó đến công nghệ xanh nhưng cả hai đều không thành công. Cô tiếp tục học thêm bằng luật tại Đại học Golden Gate.

Mặc dù vậy, Esther Nguyễn vẫn chưa bao giờ từ bỏ mong muốn kinh doanh và đến năm 2007, cô quyết định rời Mỹ về Việt Nam. Khi đang làm việc cho một công ty IT, cô thỉnh thoảng tới thăm một trung tâm phát triển ở Hà Nội và nhận ra các cơ hội lớn mà quê hương có thể dành cho mình.

Không chùn bước trước sự phản đối của cha mẹ và rất hào hứng đối với các dịch vụ âm nhạc trực tuyến đã tồn tại ở Mỹ, Esther Nguyễn quyết tâm sử dụng kiến thức luật của mình cũng như kinh nghiệm tại Thung lũng Silicon để thành lập một doanh nghiệp bảo vệ bản quyền cho các sản phẩm giải trí và âm nhạc.

Ban đầu, không có nhiều người sử dụng, song sự phát triển mạnh mẽ của người dùng điện thoại thông minh đã khiến nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm âm nhạc gia tăng đột biến. Là doanh nghiệp đầu tiên nắm lấy cơ hội này, Pops Worldwide hiện đã sở hữu khoảng 90% nội dung nhạc số ở Việt Nam và có tới 1,2 tỷ lượt truy cập trang mỗi tháng.

Là người trở về, Nguyễn rất thành thạo trong việc dung hòa sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. “Tôi đến từ Thung lũng Silicon, nơi mọi thứ chuyển động rất nhanh. Việt Nam thì không giống như vậy. Mọi thứ ở đây cần nhiều thời gian hơn và cả mức độ kinh nghiệm cũng rất khác”, cô nói.

Một chặng đường dài phía trước

Eddie Thái, một đối tác của công ty cổ phần đầu tư 500 Startups Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Harvard trước khi làm việc cho một công ty tư vấn ở Mỹ. Mặc dù có mức lương cao và danh tiếng tốt, nhưng anh vẫn cảm thấy có thứ gì đó còn thiếu.

Nhớ lại chuyến đi về Việt Nam khi còn là thiếu niên năm 2001, Thái nói “chuyến đi rất ấn tượng”, nhưng lại cảm thấy “Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để cải thiện các cơ hội kinh tế và chất lượng cuộc sống”.

Tại thời điểm đó, anh tưởng tượng rằng có thể một ngày nào đó sẽ nghỉ hưu tại đất nước mà cha mẹ mình đã rời đi. Thế nhưng, chưa đến lúc đó, Thái đã quyết định trở về Việt Nam do ấn tượng với cuộc sống và con người ở quê hương mình.

Thái hiện chịu trách nhiệm quản lý quỹ 100 triệu USD. “Tôi đang cân nhắc sẽ đầu tư vào hơn 100 công ty, chủ yếu ở các lĩnh vực giáo dục, thương mại điện tử, công nghệ trong một vài năm tới, bởi Việt Nam có một lượng lớn các kỹ sư lành nghề”, anh nói đầy tự tin.

Eddie Thái rất tự tin vào tương lai khởi nghiệp ở Việt Nam.

Một trong những thế mạnh mà những người Mỹ gốc Việt có là sự kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. “Sự kết hợp giữa văn hóa kinh doanh phương Tây cùng một thương hiệu giáo dục Mỹ uy tín như Havard khiến tôi dễ dàng hơn trong việc xây dựng niềm tin với các đối tác doanh nghiệp quốc tế”, Thái cho biết.

Rất nhiều Việt Kiều đã đóng vai trò đầu tàu trong việc giúp doanh nghiệp Mỹ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Năm 2014, McDonald chọn Henry Nguyễn, người đứng đầu quỹ đầu tư IDG Việt Nam, làm đối tác nhượng quyền địa phương đầu tiên tại đây.

Cũng tốt nghiệp Đại học Harvard, Henry Nguyễn là một doanh nhân rất có ảnh hưởng. Henry cho rằng: “Tôi nghĩ rằng Việt Kiều có thể làm cầu nối giữa công ty nước ngoài và công ty Việt Nam. Họ có chuyên môn và kinh nghiệm khác nhau. Tôi tin chắc rằng họ có một tác động rất quan trọng đến nền kinh tế Việt Nam”.

Trong chuyến thăm đến Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã nói chuyện với các doanh nhân: “Chúng tôi cho rằng những người Mỹ gốc Việt, đang trở về quê hương để bắt đầu một chặng đường mới, cho thấy một mối liên hệ mạnh mẽ giữa Hà Nội và Washington”.

Với mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia ngày càng phát triển sau khi ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, rất nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ đã quay trở về. Điều đó cho thấy mong muốn của chính phủ Việt Nam khuyến khích lực lượng Việt Kiều trở về phát triển kinh tế cho đất nước.

Theo Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2015 đã đạt mức 13,2 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Chỉ có thời gian mới biết được tác động lâu dài của lực lượng Việt Kiều đối với nền kinh tế đang phát triển tại Việt Nam. Nhưng đối với những người trẻ như Esther Nguyễn và Eddie Thái, mảnh đất cha mẹ họ từng sinh sống đem lại một cơ hội lớn cho tương lai.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Nikkei Asian Review, ấn bản tiếng Anh chuyên về kinh tế – chính trị của tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật, ra đời từ năm 2013.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-nguoi-my-goc-viet-khoi-nghiep-an-tuong-o-que-huong-post210590.info