Những người muốn làm việc đến hơi thở cuối cùng

Cách tư duy người cao tuổi sống phụ thuộc đã lỗi thời. Lực lượng này đang trở thành nguồn lực nội sinh quý giá trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Cách tư duy người cao tuổi sống phụ thuộc đã lỗi thời. Lực lượng này đang trở thành nguồn lực nội sinh quý giá trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

“Còn cống hiến được thì cứ làm”

Dưới cơn mưa như trút nước, ông Vương Văn Kính (SN 1947, phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) khoác vội chiếc áo mưa, lao ra đường đi kiểm tra cống, đê ngăn triều cường.

Gần 10 năm nay, ông Kính liên tục vớt rác, thôngcống ở một số tuyến kênh trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh. Khi chính quyền làm đê, đắp cống ngăn triều cường, ông xung phong tham gia đội quản lý đê nhân dân dù đã quá tuổi lục tuần.

Sau khi về hưu, ông Kính không chọn an hưởng tuổi già mà tiếp tục làm việc. “Tôi luôn muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho nhândân, đất nước.

Bây giờ còn lao động được thì cứ cống hiến”, ông nói. Hiện nay, những người như ông Kính không còn hiếm gặp. Bởi, người cao tuổi đang có xu hướng mong muốn được tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho đất nước.

Xu hướng này thể hiện rõ nét tại các quốc gia phát triển. Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Tại đây, những người trên 70 tuổi làm việc ngày càng phổ biến.

Các thống kê cho thấy, ở Nhật, bán lẻ và bán buôn là lĩnh vực thu hút nhiều lao động cao tuổi nhất, với 1,26 triệu người, tiếp đến là nông nghiệp và lâm nghiệp với 1,08 triệu người.

Ông Yamada ở tỉnh Okayma, Nhật Bản, dù đã quá 70 tuổi, vẫn tiếp tục điều hành phòng khám riêng. Trong khi đó, vợ ông, sau thời gian nghỉ hưu, bà tiếp tục học, thi lấy bằng để có thể làm quản lý trong một trung tâm chăm sóc người già.

“Làm việc mang đến cho tôi niềm vui và sự trẻ trung.

Tôi muốn làm việc đến khi không thể”- ông Toyoda, 85 tuổi, tổng giám đốc một công ty về linh kiện điện tử ở Osaka, Nhật Bản chia sẻ.

Không còn phụ thuộc con cái tại Việt Nam, xu hướng người cao tuổi tiếp tục tìm kiếm việc làm, lao động sau khi nghỉ hưu cũng dần phổ biến. Ông Châu Minh Tỵ, Trưởng Ban đại diện Hội người cao tuổi TP.HCM thuộc Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam cho biết, người cao tuổi có xu hướng mong muốn tiếp tục cống hiến sức lực cho sự nghiệp phát triển đất nước bởi nhiều lý do.

Nguyên nhân đầu tiên là họ muốn được làm việc để tránh bị sốc tâm lý khi đột ngột dừng lại công việc mình đã gắn bó cả đời người. Thứ hai, họ thực sự muốn được lao động vì thấy sức khỏe, trí tuệ vẫn còn cống hiến được cho xã hội.

Ông phân tích: “Hiện nay, người cao tuổi có mặt trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Thậm chí, người sử dụng lao động có xu hướng tuyển dụng người nghỉ hưu vào làm các công việc yêu cầu có chuyên môn cao. Bởi, lực lượng này khôngchỉ quen việc mà có một bề dày kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình làm việc lâu dài”.

“Nếu không đủ điều kiện để làm các công việc đòi hỏi sức khỏe, thời gian, họ không muốn “dưỡng già”. Thay vào đó, lực lượng này tích cực tham gia các công tác đoàn thể”, ông nói thêm.

Theo thống kê của Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, cả nước có 656.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở; 300.150 người cao tuổi tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự cơ sở.

Các thống kê cũng cho thấy, ngoài việc đóng góp cho xã hội dưới hình thức trông giữ, chăm sóc cháu, người cao tuổi được đánh giá cao trong việc tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Trong vòng 5 năm kể từ năm 2016 đến năm 2021, lực lượng này đã đóng góp hơn 10,6 triệu ngày công, hơn 3 nghìn tỷ đồng, hiến 24,4 triệu m2 xây dựng, sửa chữa đường làng, kênh mương, nhà ăn hóa, trường học, cơ sở y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn.

Nguồn lực quý giá

Ông Tỵ cho biết, hiện nay, người cao tuổi là nguồn lực quý giá bởi lực lượng này có mặt trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ…

Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay, nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp, mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.

Số liệu thống kê từ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho thấy, hiện, nước ta có trên 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số cả nước và có vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình, xã hội.

Trong số 11,4 triệu người cao tuổi nói trên, một bộ phận không nhỏ không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Điều này dẫn đến xu hướng người cao tuổi chiếm tỉ lệ cao trên thị trường lao động.

Trong số này, có 99.905 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất doanh nghiệp, 357.967 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi.

Vẫn có thể lao động, tạo ra sản phẩm có giá trị đem lại thu nhập, nuôi sống bản thân, người cao tuổi đã không còn phụ thuộc con cái, sống nhờ sự chu cấp của con, cháu.

Lối suy nghĩ, tư duy người cao tuổi là người sống phụ thuộc và vô dụng đã trở nên lỗi thời. Bởi, người cao tuổi đang cho thấy, họ là lực lượng có những đóng góp nhất định trên hầu hết mọi lĩnh vực của đất nước.

Ví dụ như hoạt động khuyến học, lực lượng này đóng vai trò then chốt khi có đến 64% hội viên Hội khuyến học là người cao tuổi, 72% cán bộ Hội khuyến học các cấp là người cao tuổi. Sau khi về hưu, nhiều người cao tuổi tiếp tục tham gia quản lý, giảng dạy ở các trường tư thục mầm non, phổ thông, đại học.

Phát huy nguồn lực nội sinh

Hiện tại, cả nước có 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất góp phần tạo việc làm, thu nhập, đóng góp ngân sách địa phương.

Các số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy, thành phần dân số thế giới đã thay đổi đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Từ năm 2015 - 2050, tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên trong dân số thế giới sẽ tăng gần gấp đôi, từ 12% lên 22%.

Theo đó, người cao tuổi sẽ có những tác động đặc biệt, trở thành nguồn lực nội sinh trong quá trình phát triển đời sống xã hội, xây dựng đất nước. Nhật Bản là một trong những quốc gia phát huy nguồn lực này từ rất sớm.

Từ năm 2013, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua bộ luật ổn định việc làm cho người cao tuổi. Luật này yêu cầu mọi doanh nghiệp áp dụng tuổi về hưu với tuổi không trẻ hơn 60, đồng thời phải thực hiện một trong ba biện pháp: (1) xây dựng chế độ tuổi về hưu là 65; (2) có biện pháp duy trì việc làm đến 65 tuổi và (3) bãi bỏ chế độ về hưu.

Tháng 5/2020, Nhật Bản cũng sửa đổi Luật Hưu trí, quy định người lao động có thể lựa chọn bắt đầu nhận lương hưu từ 75 tuổi thay vì 70 tuổi như quy định trước đây. Ngoài ra, người lao động tại nước này được khuyến khích hoãn nghỉ hưu bằng mức lương hưu cao hơn nếu tiếp tục làm việc lâu hơn.

Cụ thể, nếu người lao động hoãn tuổi bắt đầu nhận lương hưu thêm 5 năm so với giới hạn hiện nay là 65 tuổi thì lương hưu họ nhận được sẽ cao hơn 84% so với khi bắt đầu nhận lương ở tuổi 65.

Theo ông Tỵ, hiện nay, các cấp chính quyền, Nhà nước đều có những chính sách hỗ trợ, phát huy vai trò của người cao tuổi. Đặc biệt, vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành có những chính sách chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh việc thực hiện Luật Người cao tuổi; có giải pháp huy động nguồn lực xã hội phát triển các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi và tăng cường an sinh xã hội đối với người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; rà soát, đánh giá các chương trình, dự án hỗ trợ người cao tuổi…

Ngoài ra, Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam cũng tích cực phát huy vai trò của người cao tuổi trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Tổ chức này cũng cho biết, sẽ xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các hội người cao tuổi các nước trong khu vực và thế giới để trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, để có thể phát triển, tận dụng tốt nguồn lực từ người cao tuổi, các cấp chính quyền cần tạo ra môi trường lao động với những ngành nghề phù hợp để người cao tuổi có thể tiếp tục cống hiến, mang lại thu nhập cho chính họ, đóng góp giá trị cho đất nước.

Ngoài ra, Việt Nam cần học tập Nhật Bản trong việc chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi thông qua các trung tâm nhà nước về ổn định việc làm, cũng như cho những doanh nghiệp có chế độ bảo đảm việc làm cho nhân viên tuổi 65.

Nguyễn Sơn

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/tinh-trang-lao-dong-o-nguoi-cao-tuoi-n-474780.html