Những người lưu giữ văn hóa truyền thống

Với lòng đam mê, tâm huyết văn hóa truyền thống, muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, quê hương, nhiều nghệ nhân vẫn ngày đêm hăng say luyện tập, miệt mài truyền dạy lại cho con cháu.

Dân ca Đông Anh được khôi phục và truyền dạy cho thế hệ sau.

Đã 74 tuổi, dáng người nhỏ nhắn nhưng ông Phạm Vũ Vượng (thôn Quang Thuận, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc) vẫn luôn đam mê văn hóa cồng chiêng. Hơn 50 năm qua ông vẫn luôn tâm huyết thực hành và truyền lửa cho các thế hệ sau. Ông Vượng chia sẻ: Từ khi lên 8 tuổi tôi đã được bố truyền dạy đánh cồng, chiêng, đến năm 15 tuổi tôi đã đánh thành thạo. Với niềm say mê của mình, tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để tìm hiểu, chắt lọc những nét tinh hoa nhất về văn hóa cồng, chiêng của người Mường”. Đến nay, ông đã sưu tầm được 15 cái chiêng và vận động tất cả người dân Mường gìn giữ cồng, chiêng. Cồng chiêng của người Mường tất cả đều có núm, một bộ thường có ít nhất là bốn cái.

Cồng, chiêng gắn liền với cuộc đời mỗi người và nó báo hiệu chuyện vui, buồn trong bản, làng. Tiếng chiêng hân hoan loan báo cộng đồng có thêm một thành viên mới cất tiếng khóc chào đời. Tiếng chiêng rộn khắp nhà trai, nhà gái, mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể. Tiếng chiêng báo tang, dẫn hồn về trời. Người Mường tin rằng không có âm thanh nào vang xa bằng tiếng cồng chiêng, lúc sống cũng như lúc mất, tiếng chiêng luôn trong tâm thức của họ. Với những giá trị văn hóa tinh thần thiêng liêng ấy, để lưu giữ được văn hóa cồng chiêng cho dân tộc, ông Phạm Vũ Vượng đã lưu giữ các ghi chép về cồng, chiêng; thường xuyên tham gia các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, những lễ hội của địa phương, của huyện, của tỉnh; đồng thời đề nghị với chính quyền địa phương thành lập câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng mà nòng cốt là những người cao tuổi ở thôn Quang Thuận. Năm 2005, CLB cồng, chiêng thôn Quang Thuận, được thành lập với 12 hội viên. Đến nay, CLB đã thu hút 35 người tham gia thường xuyên. Các thành viên CLB thường tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện các bài cồng, chiêng cổ. Tiếng cồng, tiếng chiêng từng ngày được vang xa khiến cho không chỉ có bà con trong thôn, xóm, mà người Mường ở các làng, các xã khác cũng chủ động tìm đến tận nhà nhờ ông Vượng dạy đánh cồng, chiêng. Bà Phạm Thị Hương (thôn Quang Thuận) chia sẻ: Tìm hiểu và học cách sử dụng cồng, chiêng, cũng là cách để chúng tôi hiểu thêm về cội nguồn văn hóa của dân tộc mình.

Chung một niềm đam mê với văn hóa truyền thống như nghệ nhân Phạm Vũ Vượng, hai vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Sỹ Lịch và Lê Thị Nghi (thôn 7, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn) đã ngoài 80 mà vẫn say mê theo những lời ca tiếng hát, điệu múa của quê hương. Cả hai ông bà đều sinh ra và lớn lên trong gia đình có người trình diễn dân ca Đông Anh hay Trò Ngũ Viên Khê. Được nghe, diễn từ khi còn bé nên những làn điệu dân ca dân vũ Đông Anh đã thấm sâu vào tiềm thức của hai nghệ nhân. Ông Lịch kể: Cứ 3 năm một lần, việc tổng diễn lại được tổ chức ở đình làng thu hút rất đông người dân tham gia. Khi ấy, chúng tôi chỉ là những cô bé, cậu bé tuổi mới lên 10 nên vô cùng háo hức khi được chứng kiến các tiết mục, trò diễn. Năm 1946 là lần cuối cùng tổng diễn dân ca dân vũ Đông Anh tại quê hương Viên Khê. Mãi đến năm 2002, Nhà nước bắt đầu quan tâm và khôi phục dân ca Đông Anh.

Bằng trí nhớ của mình và những người cùng trang lứa ông đã sưu tầm lại các bài ca, điệu múa, trang phục trình diễn dân ca Đông Anh. Dân ca Đông Anh là hệ thống trò diễn xướng gồm 12 trò diễn, trong đó có 5 trò chính: Múa đèn, Trống mỏ, Tiên cuội, Hà lan, Thủy. Những bài dân ca, điệu múa được những người nông dân sáng tạo nên từ đời sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm, kinh nghiệm sản xuất, văn hóa ứng xử... để răn dạy con cháu và diễn cho vua chúa xem hay báo công với thần linh. Nên những lời ca điệu múa đều gần gũi và quen thuộc với hầu hết người dân. Ông Lịch cho biết: Tổ khúc múa đèn đóng vai trò vô cùng quan trọng, nên được lựa chọn biểu diễn thường xuyên. Múa đèn bao gồm nhiều bài phản ánh chu trình sản xuất theo mùa vụ nông nghiệp xưa, được cha ông chuyển tải qua lời ca dễ nhớ để dăn dạy con cháu lối sống, lao động sản xuất.

Sau khi được khôi phục, dân ca Đông Anh được thực hành thường xuyên tại các lễ, hội, sự kiện của địa phương. Đồng thời, tổ chức truyền dạy lại cho con cháu thế hệ sau. Tâm huyết với văn hóa truyền thống hai vợ chồng ông Lịch cùng những người cao tuổi trong thôn đã làm sống dậy dân ca Đông Anh đặc trưng văn hóa phong tục, tập quán sinh hoạt của cư dân nông nghiệp xứ Thanh, góp phần phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

Những người bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống rất cần được quan tâm để họ phát huy hết khả năng của mình để duy trì và phát triển văn hóa truyền thống.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-nguoi-luu-giu-van-hoa-truyen-thong/108765.htm